Bước chuyển của sân chơi SEA Games

Thứ Năm, 27/04/2023, 05:32

Nếu theo đúng thông báo mới đây của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thì SEA Games 32 sắp tới tại Campuchia sẽ là kỳ SEA Games cuối mà người ta phải chứng kiến quá nhiều môn nhóm 3 (không thuộc Olympic và ASIAD) trong chương trình thi đấu. Có thể xem đó là bước chuyển lớn của sân chơi SEA Games cũng như thể thao Đông Nam Á.

Khi quanh quẩn với “ao làng”

Không phải đến lúc này vấn đề thay đổi chương trình thi đấu của SEA Games mới được đặt ra. Cách đây cả chục năm, những nhà quản lý thể thao ở một số nước, trong đó có Việt Nam, đã đặt ra vấn đề rằng sân chơi SEA Games cần theo xu thế chung là chú trọng tổ chức các môn thi đấu của Olympic và ASIAD đồng thời hạn chế tối thiểu các môn thể thao không thuộc nhóm này. Điều này sẽ giúp thể thao các nước trong khu vực từng bước phát triển bền vững với định hướng rõ ràng, từ đó vươn tầm châu lục và Olympic.

võ gậy.jpg -0
Môn võ gậy thuộc nhóm 3 khi xem xét tổ chức thi đấu các môn tại SEA Games.

Còn như hiện tại và trước đó, việc chưa phân định rõ số môn và nội dung của nhóm môn không thuộc Olympic và ASIAD được đưa vào chương trình thi đấu của mỗi kỳ SEA Games đã góp phần dẫn đến những thay đổi khó đoán định về thứ hạng của các đoàn tham dự.

Thế mới có những trường hợp chủ nhà SEA Games vươn lên dẫn đầu toàn đoàn dù ngay ở kỳ SEA Games trước đó còn không vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu. Ngay như ở kỳ SEA Games 32 tới, chỉ nhìn vào điều lệ, trong đó nhiều môn võ – vật chỉ cho các đoàn nước ngoài tham dự tối đa 70% tổng số nội dung thi đấu, và số môn thi đấu ở nhóm không thuộc Olympic, ASIAD cũng đủ thấy rằng đoàn chủ nhà Campuchia sẽ có bước nhảy vọt so với thứ hạng tại SEA Games 31 (hạng 8/11).

Trong khi đó, vấn đề mấu chốt là sau kỳ SEA Games đó, khi dự Olympic và ASIAD, nhiều đoàn chủ nhà từng vô địch hay trong nhóm dẫn đầu cũng không thể khẳng định được vị thế dẫn đầu khu vực (tất nhiên dựa trên bảng tổng sắp huy chương ở kỳ SEA Games gần nhất). Không kể, có đoàn xếp Nhất toàn đoàn ở kỳ SEA Games này nhưng đến kỳ sau lại “mất hút” ở nhóm 3 đoàn dẫn đầu và giới chuyên môn đều coi đó là chuyện bình thường.

Thế mới có lúc người ta đã coi rằng SEA Games đứng ngoài xu hướng phát triển chung là phải luôn bám sát chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD. Cũng vì vậy, ngay trước thềm SEA Games 32, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã quyết định, từ SEA Games 33 tại Thái Lan vào năm 2025, đại hội chỉ tập trung tổ chức các môn thi đấu của Olympic và ASIAD.

Trong đó, các môn trong chương trình thi đấu của SEA Games tiếp tục được chia làm ba nhóm. Trong đó điền kinh và các môn thể thao dưới nước thuộc nhóm 1 (bắt buộc). Nhóm 2 bắt buộc có ít nhất 14 môn thuộc Olympic, ASIAD trong đó có: bóng đá, bóng chuyền, bắn súng, bắn cung, boxing, vật, xe đạp... Nhóm 3 là các môn không thuộc chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD và nước chủ nhà chỉ được chọn tối đa 2 môn với tổng cộng 8 nội dung thi đấu/môn. Trong đó, môn nhóm 3 có võ gậy, các môn cờ, thể hình, lặn, bóng mềm, muay, bowling trên cỏ, khiêu vũ thể thao, pencak silat, bi sắt, đua thuyền truyền thống, đá cầu, vovinam...

Riêng tại SEA Games 32, trong chương trình thi đấu, xuất hiện hàng loạt môn ở nhóm 3 gồm: lặn, cờ tướng, cờ khmer, khiêu vũ thể thao, võ gậy, võ kun bokator, võ kun khmer, vovinam, pencak silat, bi sắt, đua thuyền truyền thống…

Chính Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cũng đã nhận định, việc sửa đổi chương trình thi đấu của SEA Games nhằm đưa sân chơi này tiến sát đến tiêu chuẩn ASIAD và Olympic, đồng thời hạn chế tối đa các môn nhóm 3 có lợi cho nước chủ nhà. Không ngẫu nhiên khi nhiều người coi đây là “bước đột phá trong công tác tổ chức SEA Games”. Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, việc từ SEA Games 33 sẽ chỉ tập trung thi đấu các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD sẽ giúp phản ánh đúng thực trạng phát triển thể thao Đông Nam Á, giúp các nền thể thao trong khu vực tiếp cận nhanh hơn với thể thao thế giới.

Và điều này có thể sẽ khiến sân chơi này bớt tiếng “ao làng”. Tất nhiên để không còn bị gắn mác “ao làng” sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nước chủ nhà có đưa đủ nội dung theo đúng chương trình thi đấu Olympic, ASIAD của từng môn vào SEA Games hay không; có tiếp tục hạn chế số lượng nội dung thi đấu của các đoàn nước ngoài tham dự từng môn hay không?

Có thể thấy sẽ còn vô số vấn đề cần giải quyết liên quan đến vai trò các nước chủ nhà SEA Games chứ không hẳn chỉ là giới hạn số môn và nội dung thi đấu ở các môn nhóm 3. Nhưng rõ ràng, việc quy định về số môn và nội dung thi đấu ở các môn nhóm 3 từ SEA Games 33 tới cũng sẽ là bước tiến lớn trong quá trình tổ chức SEA Games.

Thể thao Việt Nam sẽ phải tính toán kỹ

Việc Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á giới hạn kỹ lưỡng và chi tiết hơn về số môn và nội dung thi đấu của các môn thuộc nhóm 3 tại mỗi kỳ SEA Games, tính từ năm 2025, sẽ đặt ra nhiều vấn đề cho thể thao Việt Nam. Bởi thực tế, khá nhiều môn nhóm 3 đang được đầu tư tại Việt Nam trong đó có khiêu vũ thể thao, bi sắt, muay, pencak silat, các môn cờ, lặn, vovinam…

Mỗi khi có mặt ở SEA Games, các môn trên mang về khá nhiều HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam. Khi việc giới hạn về số môn nhóm 3 trong chương trình mỗi kỳ SEA Games, bắt đầu từ SEA Games 33, được thực hiện thì cũng là lúc các nhà quản lý thể thao Việt Nam và mỗi địa phương cũng sẽ phải tính toán lại mức độ, hình thức đầu tư cho các môn này.

Thực tế, từ lâu nay, nhiều địa phương cũng đã tính toán đến việc để những môn trong nhóm 3 phát triển theo hướng dựa vào xã hội hóa thể thao là chủ yếu. Nhưng việc các môn này vẫn liên tục có tên trong chương trình thi đấu của SEA Games cũng khiến nhà quản lý phải cân nhắc, nhất là ở khía cạnh đóng góp huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Nhưng với quyết định trên của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, các đơn vị sẽ có quyết định dứt khoát hơn trong định hướng đầu tư cho các môn nhóm 3 được xem xét tổ chức tại mỗi kỳ SEA Games.

Rõ ràng một quyết định của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á với khâu tổ chức SEA Games sẽ tác động không chỉ với sân chơi này mà với định hướng phát triển của thể thao nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hy vọng thu phí bản quyền truyền hình SEA Games

Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cũng hy vọng nước chủ nhà SEA Games 33 là Thái Lan sẽ thực hiện được mục tiêu bán bản quyền truyền hình để phù hợp với xu thế chung. Đây cũng là nguồn thu quan trọng để giúp nước chủ nhà SEA Games trang trải chi phí tổ chức. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.