Bảo tồn di sản: Cây cầu kết nối giữa quá khứ và tương lai

Thứ Ba, 06/09/2022, 13:37

Sáng nay (6/9), tại Ninh Bình, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cùng UNESCO đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với chủ đề “50 năm tới: Di sản thế giới – nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”.

Dự buổi Lễ có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ông Vũ Hải Hà; Bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; các bộ, Ban ngành Đại sứ một số nước và Trung tâm văn hóa quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho hay Công ước 1972 là công ước quốc tế đầu tiên và duy nhất gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, UNESCO đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho Việt Nam không chỉ về tri thức, chất xám mà cả nguồn lực tài chính và những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Ông cũng cho biết rằng, việc tổ chức lễ kỷ niệm ở Tràng An là hết sức hợp lý bởi danh thắng Tràng An không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn của cả nhân loại…

Cũng tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đánh giá các di sản thế giới tại Việt Nam có đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương, góp phần phát triển du lịch, đầu tư, đồng thời quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống tới bạn bè quốc tế.

Bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO đã đánh giá cao những thành công của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc phát huy đầy đủ tiềm năng của các công ước văn hóa của UNESCO. Cụ thể từ năm 1987 tới nay, chỉ trong vỏn vẹn 35 năm nhưng Việt Nam đã có tới 8 di sản được ghi danh là Di sản Thế giới, đơn cử như quần thể di tích Cố đô Huế vào năm 1993, rồi phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long Hà Nội và danh thắng Tràng An…

Tổng giám đốc UNESCO cũng khẳng định sự đồng hành và hỗ trợ của cơ quan này với Việt Nam trong thời gian tới về mặt kỹ thuật và tài chính để triển khai chiến lược giáo dục mới trong 10 năm tới. Bà cũng khẳng định rằng Việt Nam và UNESCO đã  xác lập được tầm nhìn và cam kết tương tự như vậy trong lĩnh vực văn hóa – một lĩnh vực mà hợp tác giữa hai bên đã và đang rất thành công, thậm chí có thể gọi là mẫu mực. Và việc cả hai bên đang cùng nhau hợp tác để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chính là đang bảo tồn cây cầu kết nối giữa quá khứ và tương lai.

P.Sơn
.
.
.