Hà Nội: 92 biệt thự cũ sẽ được chỉnh trang, bảo tồn như thế nào?

Chủ Nhật, 21/08/2022, 10:45

Mới đây, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đưa ra thông tin rà soát, kiểm tra và lựa chọn 92 biệt thự cũ xây trước năm 1954 trên địa bàn TP để chỉnh trang, bảo tồn. Tuy nhiên, việc triển khai cũng mới chỉ ở giai đoạn rà soát chứ chưa có kế hoạch cụ thể cũng như thời điểm cải tạo. Thực tế cho thấy, sau nhiều năm Hà Nội nghiên cứu, lập danh sách các biệt thự Pháp cổ để bảo tồn trong số hơn một ngàn ngôi biệt thự cũ trên địa bàn, đến nay duy nhất ngôi biệt thự tại ô "đất vàng" 49 Trần Hưng Đạo (hay 46 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) được tôn tạo lại.

Biệt thự thuộc danh mục quản lý không được tự ý phá dỡ

Theo rà soát của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, danh sách 92 biệt thự cũ được chọn để chỉnh trang lần này gồm 30 biệt thự cũ do TP Hà Nội quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954.

Hà Nội: 92 biệt thự cũ sẽ được chỉnh trang, bảo tồn như thế nào? -0
Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo được triển khai trùng tu sau nhiều năm bị bỏ hoang.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, các đơn vị chức năng sẽ lập kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác; lập hồ sơ quản lý biệt thự cũ; khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự cũ để trình UBND TP Hà Nội.

Ngoài ra, TP tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các quận bảo trì, cải tạo, sửa chữa biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 tại địa chỉ: Số 72 Lý Thường Kiệt, số 28A Điện Biên Phủ, số 51 Trần Hưng Đạo, số 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo, số 45 Quang Trung, số 2 - số 4 Lê Phụng Hiểu; xem xét việc cải tạo, chỉnh trang các biệt thự số 59 Hai Bà Trưng, số 46 Phan Bội Châu, số 51 Hàng Chuối, số 12 Lê Quý Đôn, số 22 Tăng Bạt Hổ, số 8 Nguyễn Biểu, số 12 Cao Bá Quát, số 46 Trần Hưng Đạo, số 20 Hai Bà Trưng, số 68 Thợ Nhuộm.

Trước đó, đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954. Danh mục này gồm 1.216 nhà biệt thự cổ, được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cổ; đồng thời, Quyết định nêu rõ, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý, bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân... không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự nhóm 1 và 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND TP và HĐND TP (đối với biệt thự nhóm 1).

Đối với biệt thự nhóm 2, cho phép phá dỡ, xây dựng lại theo kiểu dáng kiến trúc, quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao). Trường hợp biệt thự nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng, UBND quận kiểm tra, báo cáo UBND TP cho phép mới được phá dỡ.

Cuối tháng 4 vừa qua, dự án tôn tạo, trùng tu ngôi biệt thự hai mặt tiền số 49 Trần Hưng Đạo đã chính thức được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm khởi công đã thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi đây là ngôi biệt thự duy nhất được tôn tạo lại trong vòng nhiều năm trở lại đây. Theo kế hoạch, ngôi biệt thự được tôn tạo lại theo đúng hồ sơ thiết kế thời Pháp thuộc với sự giúp đỡ của các chuyên gia, kiến trúc sư của Pháp.

Sau khi hoàn thành, ngôi biệt thự sẽ được trưng dụng làm Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ với các hoạt động quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thừa nhận, cho đến nay, đây là căn biệt thự duy nhất trong danh sách 1.216 căn biệt thự của Hà Nội chính thức được triển khai tôn tạo một cách bài bản và quy mô như vậy.

“Mục tiêu của dự án là tạo ra một hình mẫu về tôn tạo, trùng tu các ngôi biệt thự có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử khác trên địa bàn các quận khác”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận việc phục chế một dự án tương tự như trên là rất khó vì có nhiều vướng mắc. Đặc biệt là vấn đề tình trạng sở hữu của công trình đan xen phức tạp, rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Ông Dương Đức Tuấn cho biết, biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo đã trải qua hơn 20 năm (từ năm 1998) mới triển khai trùng tu, trong đó, mất khoảng 10 năm để giải phóng mặt bằng, tái định cư và bố trí trụ sở làm việc mới cho đơn vị đang làm việc tại đây. Dự án cũng phải thay đổi qua nhiều chủ đầu tư, sau khi giao về UBND quận Hoàn Kiếm mới thống nhất được đầu mối để triển khai.

Nên có cơ chế riêng cho từng nhóm nhà

Trao đổi với PV Báo CAND, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP Hà Nội cho biết, vấn đề bảo tồn biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội đã được đặt ra từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ông Nghiêm đánh giá, di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội rất đa dạng theo từng giai đoạn lịch sử với nhiều kiểu kiến trúc… Nhưng theo ông Nghiêm, có những tiêu chí đánh giá khác nhau về công trình thuộc diện bảo tồn hay không.

Có quan điểm trong một khu vực có nhiều biệt thự có giá trị về kiến trúc thì chọn ra một vài cái để bảo tồn, bởi nguồn lực không thể bảo tồn hết được. Và có thời điểm, theo ông Nghiêm, Hà Nội đặt mục tiêu phải bảo tồn hơn 1.000 căn biệt thự tại khu vực phố cổ, sau rút xuống còn mấy trăm nhưng cũng không làm được vì không có nguồn lực. Hiện nay hơn 60% số biệt thự Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội là do Nhà nước quản lý nhưng chưa có một điều tra, thống kê chi tiết về các đối tượng sử dụng số biệt thự này.

Ông Nghiêm thông tin thêm, đến năm 2019, khi Hà Nội thống nhất được các tiêu chí bảo tồn thì nhiều ngôi biệt thự đã bị dỡ bỏ, xây mới... Vấn đề lớn nhất hiện nay trong bảo tồn, tôn tạo biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội là phải gắn mục tiêu bảo tồn với khả năng phát triển kinh tế.

“Để bảo tồn lâu dài không chỉ ngày nay mà còn cho các thế hệ sau, rất cần TP sớm lên kế hoạch lựa chọn tư vấn đủ năng lực để lập hồ sơ 3D trên cơ sở hồ sơ lưu trữ của TP cùng nhiều nguồn khác và số hóa dữ liệu hồ sơ quản lý đối với các biệt thự nhóm 1. Đồng thời, đối với biệt thự nhóm 2, nhóm 3, cần sớm lập đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố để định hướng xây dựng và quản lý sau xây dựng. Trong đó, cần chú ý đến phong cách kiến trúc, tầng cao công trình phải hài hòa, đồng bộ trên toàn tuyến phố khi trường hợp biệt thự bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, được xây dựng lại. Sau khi thực hiện rà soát đánh giá hiện trạng, phân loại biệt thự thì TP cần xây dựng cơ chế cho từng nhóm nhà biệt thự, có cơ chế đặc thù đối với biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước đang làm nhà ở công vụ, những biệt thự cho thuê hoặc đã bán, biệt thự đa thành phần sở hữu”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Ngọc Yến
.
.
.