Bảo tồn các di sản phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 15/10/2021, 06:46

Huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định là nơi cư trú lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số: Chăm Hroi, Bana và số ít các dân tộc Thái, Mường… ở miền Bắc di cư vào làm ăn sinh sống từ năm 1989 đến nay.

Trong quá sinh sống, các dân tộc thiểu số trên địa bàn này có những nét tương đồng về văn hóa, thể hiện trên các lĩnh vực đời sống xã hội với các nghi lễ, phong tục tập quán, loại hình văn nghệ dân gian, sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, các nghề thủ công truyền thống, góp phần tạo nên một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Lê Thanh Nhơn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Vân Canh cho biết, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 7 loại hình di sản phi vật thể, như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian và 2 loại hình di sản văn hoá vật thể, gồm: di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Theo đó, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Chăm Hroi được duy trì thường xuyên. Còn chữ viết của người Chăm Hroi đã được biên soạn thành sách và giảng dạy cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại huyện. Ngoài ra, hằng tuần, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Thông tin huyện xây dựng chương trình phát thanh tiếng Chăm Hroi, tiếng Bana 2 lần, với thời lượng 15 phút phát trên sóng Đài huyện và Đài Truyền thanh các xã, thị trấn, góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số, tránh sự mai một trước sự phát triển của nền kinh tế hội nhập. “Nhìn chung, tiếng nói của người Chăm Hroi và người Bana hiện nay được bảo tồn, sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày và trong quan hệ giao tiếp”, ông Nhơn cho biết thêm.

Đối với các phong tục, tập quán xã hội trên địa bàn huyện Vân Canh vẫn đang duy trì, gìn giữ, đó là các nghi lễ vòng đời, các nghi lễ cúng, tập quán lễ tết... Các tập tục này được thể hiện khá rõ nét trong cách ứng xử của cộng đồng dân cư, giữa người với người, với thiên nhiên và trong việc giao tiếp, mời rượu khách đến nhà, đến làng, lời chào hỏi khi gặp nhau, khi tạm biệt.

Cùng với đó, nghề thủ công truyền thống của đồng bào Chăm Hroi, Bana ở huyện Vân Canh cũng có những đường nét, họa tiết, hoa văn trang trí trên trang phục, các dụng cụ nghi lễ, nhạc cụ… với nét độc đáo riêng và còn duy trì thực hiện đến ngày nay.

Hầu hết, các làng, khu phố trên địa bàn huyện đều có người biết đan lát và dệt thổ cẩm để làm ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như gùi, cắp, rổ... Đặc biệt, nghệ thuật diễn tấu cồng, chiêng; độc tấu đàn goong, trống kơtoang đối đáp… là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Chăm Hroi, Bana vẫn còn gìn giữ, phát huy cho đến hôm nay.

Dù đã 83 tuổi, nhưng già làng Lê Văn Ru, người Chăm Hroi, vẫn giữ đam mê với tiếng trống Kơ toang. Trống Kơ toang còn hay gọi là trống giao duyên, trống gọi bạn, trống đối thoại… Người Chăm Hroi thường dùng Kơ toang hòa âm với chiêng ba.

Thú vị nhất là hình thức song tấu, tức đánh theo lối đối đáp. Khi ấy, cả nhạc cụ và người chơi sẽ cùng toát lên nét phóng khoáng, ngẫu hứng, mạnh mẽ. Hai người chơi đứng đối nhau, vừa nhún nhảy, hai tay vỗ liên hồi vào hai mặt trống “nói chuyện”. Tiếng trống nhẹ nhàng, khoan thai khi đôi bên yêu mến nhau. Nhưng khi giận dữ, nhịp trống giật cục, tiếng vỗ lạch bạch tỏ rõ thái độ với đối phương. Người Chăm H'roi trò chuyện, cãi vã, hòa giải hay bày tỏ lời yêu bằng tiếng trống Kơ toang cũng vì lẽ đó.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, khẳng định: Vân Canh là vùng đất đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội với xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự bùng nổ về khoa học công nghệ đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là nền văn hóa truyền thống và lối sống của thế hệ trẻ người đồng bào các dân tộc trên địa bàn nên nguy cơ mai một, mất dần theo thời gian luôn hiện hữu.

Do đó, để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, UBND huyện đã quy hoạch địa điểm xây dựng nhà văn hóa cộng đồng ở khu phố Suối Mây (thị trấn Vân Canh) và đưa dự án này vào danh mục nguồn vốn đầu tư công thực hiện trong năm 2022.

Hiện nay, huyện đang xin chủ trương của tỉnh để thực hiện công trình này. Sau khi xây dựng, nhà văn hóa cộng đồng sẽ là nơi lưu giữ, trưng bày, quảng bá giá trị lịch sử các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương; trở thành địa điểm tham quan, du lịch cho du khách.

Đồng thời, huyện cũng có chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đối với người tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, đang nắm giữ các di sản văn hóa truyền thống và nghệ nhân người đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước công nhận…

Thanh Liêm
.
.
.