Đánh thức di sản văn hoá nhìn từ câu chuyện của Văn Miếu Quốc Tử Giám

Chủ Nhật, 26/09/2021, 20:14

Được thành lập từ thế kỷ 11, đến nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội vẫn là nơi tôn vinh đạo học, tinh thần hiếu học. Nhưng làm gì để đánh thức giá trị không gian văn hoá đặc biệt này nói riêng, di sản văn hoá nói chung cũng đang là băn khoăn, trăn trở của những người làm quản lý, nghiên cứu, người tâm huyết với di sản văn hoá đất nước.

Trao đổi tại toạ đàm trực tuyến “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” do Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat tổ chức ngày 26/9, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu cho biết, Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội là nơi ghi lại các dấu mốc quá trình phát triển nền giáo dục của quốc gia Đại Việt. Sau bao biến thiên của lịch sử, có những thời điểm di tích này bị xuống cấp nặng nề. Để có một Văn Miếu Quốc Tử Giám được tu bổ đẹp, khang trang như hôm nay là một hành trình dài gìn giữ và rất mẫu mực trong bảo tồn phát huy giá trị di sản.

Đánh thức di sản nhìn từ câu chuyện của Văn Miếu Quốc Tử Giám  -0
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Nhiều năm gần đây, di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám là địa chỉ tìm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến Thủ đô Hà Nội. Để thu hút du khách, Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám đã có nhiều đổi mới để tiếp cận công chúng, đặc biệt là người trẻ, từ làm mới logo cho đến không gian trong di tích…

Như chia sẻ của ông Lê Xuân Kiêu thì ngay trong đại dịch COVID-19, nhiệm vụ đón khách tham quan, nghiên cứu học tập tạm dừng, Văn Miếu không có bóng dáng du khách, nền gạch, đường đi mốc rêu thì Văn Miếu vẫn không ngừng các hoạt động. Văn Miếu vẫn “mở cửa” phục vụ online, tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị các hoạt động, sản phẩm để sau khi hoạt động trở lại sẽ có ngay các sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách.

Ông Lê Xuân Kiêu cũng nhấn mạnh: Văn Miếu không đổi mới theo hướng làm mới giá trị truyền thống. Văn Miếu luôn cố gắng giữ gìn những gì thuộc về truyền thống và chỉ cố gắng đánh thức các giá trị truyền thống của di tích bằng những hình thức mới mẻ hơn. Tuy nhiên, việc chuyển tải những giá trị rất trừu tượng như tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo… đến công chúng vẫn còn nhiều thách thức. Để đưa những giá trị cốt lõi của di tích đến công chúng, để khách tham quan tiếp cận giá trị của không gian văn hoá Văn Miếu nói riêng, các không gian văn hoá của cả nước nói chung và nuôi dưỡng tình yêu với di sản thì còn rất nhiều việc phải làm, cần có thời gian, sự hỗ trợ, đồng hành của rất nhiều người.

Tại buổi toạ đàm, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để phát huy giá trị không gian văn hoá Văn Miếu. Ông Trương Quốc Toàn, cố vấn hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng cho rằng, dịch COVID-19 làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, trong đó các hoạt động du lịch văn hoá. Khách du lịch theo xu hướng cá nhân, tự tổ chức các chuyến đi, tham quan với sự hỗ trợ của các dịch vụ trực tuyến. Nhu cầu tham quan sẽ theo hướng chuyên biệt. Vì vậy, sản phẩm, cách phục vụ cũng phải thay đổi.

Đánh thức di sản nhìn từ câu chuyện của Văn Miếu Quốc Tử Giám  -0
Một góc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội hiện nay.

Thay vì phục vụ mang tính đại chúng cho đoàn 40-50 người thì cần đưa ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhiều nhu cầu, trình độ khác nhau, hướng tới tăng tính trải nghiệm. Làm di tích phải có tư duy mới nhằm “phá bỏ tường rào” trong không gian số, chủ động đưa giá trị di sản đến với người xem chứ không chờ người xem tìm đến. Chúng ta phải làm sao để khách đến 1 lần rồi mong muốn được quay trở lại nhiều lần nữa.

Với Văn Miếu Quốc Tử Giám, đó sẽ không chỉ là mong muốn được đến trước mỗi kỳ thi, mỗi dịp đầu xuân để cầu may mắn như nhiều người quan niệm hiện nay mà là đến để được hoà mình trong không gian văn hoá, với các hoạt động toạ đàm, giao lưu, trưng bày, trình diễn nghệ thuật. Du khách cần được biết, trước khi đến di tích họ sẽ được tìm hiểu gì. Khi vào di tích, họ có được những gì hấp dẫn. Sau khi rời di tích, họ được mời gọi trở lại với nhiều nội dung mới, hấp dẫn tiếp theo.

Ông Trương Quốc Toàn cũng cho rằng, hiện nay, xu hướng số hoá là tất yếu trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, yếu tố công nghệ chỉ chiếm 30%, còn 70% phải là nội dung thông tin, cách thức trình bày.

Bà Hoàng Đoan Trang, người phụ trách điều hành Không gian văn hoá Quốc Tử Giám cũng cho biết, để đưa di tích trở thành không gian văn hoá, nơi sinh hoạt chung của nhiều người lịch sử thì cần có nhiều cách làm linh hoạt, sinh động, hấp dẫn. Điều cần thiết là phải khiến những con chữ, con số đến với bạn trẻ gần gũi nhất, đăng tải thông tin một cách gần gũi và dễ hiểu nhất, dễ theo dõi nhất. Bên cạnh các thông tin tư liệu lịch sử được lưu giữ ngay tại không gian di tích thì cần có nhiều hoạt động truyền thông khác như các sự kiện văn hoá, các buổi sinh hoạt văn hoá nhằm tích luỹ, chia sẻ kiến thức, chia sẻ về trải nghiệm văn hoá trực tuyến hoặc tổ chức trực tiếp…

N.Hoa
.
.
.