Vẫn chưa có quyết định về ngôi nhà của GS Trần Văn Khê

Chủ Nhật, 23/08/2015, 08:35
Ngày 21/8, di ảnh và bàn thờ của GS.TS Trần Văn Khê được rước về xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - nơi “chôn nhau, cắt rốn” của ông và cũng là nơi hương hỏa tổ tiên gia đình.
Danh ca Bạch Yến, con dâu trưởng của GS Trần Văn Khê cho biết, sau khi bàn giao căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh vào chiều 14/8 cho đại diện Trung tâm bảo tồn di tích (trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh), gia đình được yêu cầu không để di ảnh và bàn thờ GS Trần Văn Khê trong nhà. Hiện tại, GS Trần Văn Khê được hương khói tại nhà ông Nguyễn Tri Triết – người cháu gọi GS là chú. Riêng tro cốt của GS, trước khi bàn giao ngôi nhà, đã được gia đình người con thứ Trần Quang Minh giữ.

Ngôi nhà sẽ do Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh quản lý; còn các tài liệu, công trình nghiên cứu, băng đĩa, nhạc cụ... đồ sộ của GS sẽ do Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tiếp quản. Các tài liệu này đều được niêm phong trong phòng thư viện. Trong đó, có 149 cuốn sổ tay mà GS ghi chép tỉ mỉ từng sự kiện, đi kèm là tấm ảnh hay danh thiếp của những người ông gặp gỡ tại sự kiện đó. Đây là tư liệu vô giá tái hiện sinh động hành trình truyền bá âm nhạc dân tộc của GS Trần Văn Khê trong hơn nửa thế kỷ ở nước ngoài.

Ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai có trở thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê hay không vẫn phải chờ thời gian.

Theo bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh, ngôi nhà vốn được quản lý theo chế độ công sản được Sở cấp cho GS sinh sống và làm việc lúc ông về nước năm 2006 nên khi ông mất, ngôi nhà phải bàn giao lại cho chính quyền.

Trong biên bản về việc sử dụng ngôi nhà được ký kết giữa GS Trần Văn Khê và đại diện chính quyền thành phố là bà Trương Ngọc Thủy (Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) và bà Nguyễn Thế Thanh theo Quyết định số 41 ban hành ngày 6/1/2006 thì ngôi nhà là nơi lưu trú, làm việc của GS lúc cuối đời và khi ông mất, ngôi nhà cùng với toàn bộ hiện vật, tài liệu, công trình nghiên cứu... sẽ giao lại cho chính quyền để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê phục vụ cộng đồng.

Bà Thế Thanh cho hay, quyết định trên xuất phát từ Đề án “Nhà Trần Văn Khê” vốn được khởi xướng từ tháng 11/2003.  “Đến nay, đề án đang được Sở tiếp tục xây dựng và trình lên cấp có thẩm quyền. Do đó, ngôi nhà này có trở thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê hoặc một địa chỉ văn hóa mang tên ông hay không vẫn phải chờ thời gian” – bà Thanh nói.     

Quỳnh Nga
.
.
.