Quả trứng đà điểu và bút tích của GS Trần Văn Khê

Thứ Sáu, 26/06/2015, 08:07
Sáng 24/6, vừa dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX xong, tôi được một phóng viên Đài VOV phỏng vấn về sự ra đi của GS, nhạc sĩ Trần Văn Khê. Tôi sửng sốt hỏi lại: “Bác ấy mất bao giờ?” - “Rạng sáng nay ạ!”, cô phóng viên trả lời...

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện 6 năm về trước với GS, Trần Văn Khê… Tôi có vỏ một quả trứng đà điểu trắng muốt, rất đẹp, mua được năm 2001, bèn nghĩ phải đi lấy chữ ký của các nhạc sĩ đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật, những Nghệ sĩ nhân dân, nhạc sĩ nổi tiếng để lưu lại cho đời trong Bảo tàng Âm nhạc Việt Nam sau này.

Thế là cứ những ngày rảnh rỗi, tôi lần mò thực hiện ý nguyện của mình. Từ những nhạc sĩ là “cây đa, cây đề” như Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tý, Phạm Tuyên... đến các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng khác…

Tôi chạnh nghĩ các nhạc sĩ đã để lại cho đời những bản nhạc hay, thế còn những nhà khoa học, chính trị thì sao? Họ cũng đáng được tôn vinh vì những đóng góp cho đất nước. Bề mặt quả trứng thì nhỏ, nên tôi quyết định trên quả trứng thứ hai sẽ chỉ có chữ ký của các nhà khoa học là giáo sư được nước ngoài phong tặng danh hiệu Viện sĩ, hoặc một số nhà hoạt động chính trị, văn hóa nổi tiếng đại diện cho các ngành.

GS Trần Văn Khê đang ký lên vỏ quả trứng đà điểu của nhạc sỹ Lân Cường.

Thế là, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã lấy được chữ ký của các Viện sĩ: Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Duy Quý, Phạm Minh Hạc, Đặng Vũ Minh, Vũ Tuyên Hoàng, Đặng Hữu, Hồ Tôn Trinh, Đào Thế Tuấn...

Các nhà văn hóa lớn và cả những người đứng đầu các ngành theo nhận thức của tôi như: Trần Văn Giàu, Vũ Khiêu, Võ An Ninh, Tô Hoài, Hoàng Cầm, Hữu Thọ, Nguyễn Thị Kim, Hữu Ngọc, Phan Huy Lê, Ngô Bảo Châu, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Chiển, Chu Thúy Quỳnh, Trần Tiến, Đặng Nhật Minh… Về phần âm nhạc, tôi đã chọn GS. Trần Văn Khê…

Năm 2009, tôi vào TP Hồ Chí Minh, qua văn phòng Hội Âm nhạc của thành phố, tôi tìm đến căn nhà trên phố Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh), gặp được GS. Trần Văn Khê. Là nhà nhân chủng học, tôi thường có cảm nhận về người mà tôi tiếp xúc lần đầu qua đôi mắt. Một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu tôi: Về khuôn mặt, tầm vóc và đôi mắt, ông quá giống với người con cả - GS.TS Trần Quang Hải, mà tôi đã được gặp ở Paris 7 năm trước.

Hôm đó, tôi được nghe GS.TS Trần Quang Hải hát “đồng song thanh” cũng như “gõ muỗng” – người đã có tới hơn 1.500 chương trình biểu diễn ở 70 quốc gia với danh hiệu “Vua muỗng”... Đôi mắt của cả 2 cha con đều giống nhau ở điểm: thông minh, bình dị, khiêm nhường, dễ gây thiện cảm với người được tiếp xúc.

Tôi nói ý định của mình về việc xin chữ ký. GS. Trần Văn Khê tư lự một lát rồi hỏi tôi: “Hàng chục nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng, sao cháu lại chọn bác làm đại diện?”. “Thưa, vì bác là người có công đầu trong việc quảng bá âm nhạc cổ truyền của Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới!”.

Bút tích của GS Trần Văn Khê.

Ông mỉm cười đôn hậu nhìn tôi rồi ký trên quả trứng bằng cái bút Nhật Bản không phai màu mà tôi đưa ra, trong lúc tôi lấy máy ảnh ghi lại thời khắc đó và xin phép ông được ngồi cạnh để được chụp pô thứ hai. Ông cười nói đùa với tôi: “Pô này là có “cát xê” đấy Lân Cường nhé”. 

Gần nửa giờ ông ngồi tâm sự với tôi. Tôi hỏi ông: “Đọc tài liệu cháu được biết, năm 1942, bác đã ra Hà Nội học y khoa và hoạt động trong Tổng hội Sinh viên cùng Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ… nhưng cơ duyên nào bác lại đi vào con đường âm nhạc?”.

Vị giáo sư già tâm sự: “Không gọi là cơ duyên mà là “thiên duyên” Cường ạ. Bác sanh ra trong một gia đình, hai bên nội ngoại, đến bác bốn đời, đều là nhạc sĩ. Từ 6 tuổi bác đã biết đờn kìm (đàn nguyệt), đờn mấy bản dễ như “Lưu Thủy”, “Kim Tiền”… 7 tuổi đã theo gánh hát cải lương của bà Trần Ngọc Viện lập ra, 8 tuổi biết đờn cò (đàn nhị), 12 tuổi biết đờn tranh và đánh trống nhạc. Thế có phải là “duyên trời” không cháu để bác đến được với nhạc dân tộc? Bác cũng tìm hiểu Nhã Nhạc cung đình, Ca trù, Chầu văn miền Bắc, Hát bội miền Nam, nhạc Phật giáo 3 miền... Khi đã thấy rằng những các bộ môn ấy có những giá trị nghệ thuật đích thực, bác đã tìm đủ cơ hội để giới thiệu những bộ môn trên với người nước ngoài bằng đĩa hát, băng từ, băng video, để cho họ có dịp thưởng thức, phê bình, đánh giá…”.

Rồi GS Trần Văn Khê kể cho tôi nghe những mẩu chuyện đi du học ở Pháp từ năm 1949, và năm 1958 ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án Tiến sĩ về âm nhạc ở nước ngoài với tiêu đề Âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Chúng tôi đang say sưa nói chuyện âm nhạc thì một cô sinh viên của Giáo sư đã hẹn trước đến gặp, thế là tôi phải bắt tay từ biệt ông. Ông nói với tôi: “Năm sau có vào đây nhớ ghé thăm bác nhé!”. Tôi vui vẻ nhận lời, vì quả thật ông là một “pho từ điển sống”. Nhưng rồi công việc liên miên đã khiến tôi lỡ hẹn. Để rồi hôm nay nghĩ về GS.TS. Trần Văn Khê – Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Châu Âu, Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật, thành viên của 12 hội nghiên cứu âm nhạc Pháp, Mỹ, Đức, Trung Quốc và quốc tế. Người đã từng nhận 11 giải thưởng quốc tế và Việt Nam mà trong đó có Huân chương Lao động hạng nhất với chữ ký của Chủ tịch nước Trần Đức Lương - tôi thấy vinh dự vì đã được gặp và được ông lưu lại bút tích trên quả trứng đà điểu.

Tôi có ước nguyện những cơ sở đào tạo âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sớm tuyển lựa được những nghiên cứu sinh xuất sắc để nghiên cứu những cống hiến của GS Trần Văn Khê có thể với đề tài “GS. Trần Văn Khê – cây đại thụ về âm nhạc cổ truyền của Việt Nam”. Được biết, ông đã hiến tặng TP Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều tài liệu về âm nhạc, văn hóa.

Đó chẳng phải là những tư liệu nghiên cứu phong phú cho các thế hệ trẻ hiện nay và mai sau hay sao? Để làm không phải một mà nhiều luận án Tiến sĩ. Tôi lại cũng ước nguyện rằng ở TP Hồ Chí Minh sẽ có một đường phố mang tên TRẦN VĂN KHÊ.

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường
.
.
.