Mục tiêu nào thiết thực với đội tuyển Việt Nam?

Thứ Bảy, 03/07/2021, 07:50
Đội tuyển Việt Nam hướng đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 với một thái độ khiêm nhường, thế nhưng chúng ta cũng cần có mục tiêu cụ thể về mặt thành tích.


Lá thăm vòng loại World Cup 2022 đưa Việt Nam vào bảng B cùng với Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc, Oman. Những đối thủ đều được đánh giá trên tầm Việt Nam theo đánh giá của huấn luyện viên Park Hang-seo. Thực tế, chẳng cần ông Park đánh giá thì tất cả đều rõ điều này dựa trên thứ hạng của FIFA. Và theo nhà cầm quân người Hàn Quốc thì: “Đây cũng sẽ là cơ hội rất tốt để đội tuyển Việt Nam có thể học hỏi, cải thiện trình độ”.

Cũng theo ông Park, điều quan trọng dẫn đến thành công của đội tuyển Việt Nam trong những chặng đường vừa qua đó chính là tinh thần đoàn kết và ý chí chiến đấu. Đối thủ càng mạnh thì tinh thần của các cầu thủ càng lên cao. Ông hy vọng các học trò của mình sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đó trước các thử thách rất lớn tại vòng loại thứ 3 World Cup.

Đội tuyển Việt Nam sẽ có thử thách mới ở vòng loại thứ 3. Ảnh: VFF

Còn Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn lại nhìn thấy một mục tiêu chiến lược hơn ở vòng loại World Cup 2022. Ông nói: “Vòng loại thứ 3 World Cup là vòng đấu có sự góp mặt của 12 đội tuyển hàng đầu châu Á. Do vậy, việc được đối đầu với những đội bóng mạnh nhất châu Á ở một giải đấu chính thức là cơ hội rất quý giá đối với đội tuyển Việt Nam. Điều này có giá trị rất lớn về hình ảnh, chuyên môn để giúp cầu thủ Việt Nam tiếp tục có trải nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực để hướng tới mục tiêu xa hơn khi World Cup nâng lên 48 đội vào năm 2026. Chúng tôi kỳ vọng đây là đấu trường có thể giúp bóng đá Việt Nam rút ra nhiều kinh nghiệm”.

Có thể thấy rằng, cả lãnh đạo VFF và huấn luyện viên Park Hang-seo đều không đưa ra những mục tiêu cụ thể về mặt thành tích cho đội tuyển Việt Nam. Điều mà mỗi giải đấu cần có để xác định rõ ràng, định hướng cho các cầu thủ. Có thể hiểu rằng, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào giải đấu trong tâm thế tính toán từng trận. Bởi mỗi đối thủ ở vòng đấu này đều trên tầm với Việt Nam, trong đó có 4 đội đã dự World Cup (trừa Oman). Việt Nam hiện xếp vị trí số 13 châu Á và 92 thế giới.

Trong số này, có thể thấy Nhật Bản chính là đối thủ mạnh nhất. Đội bóng đến từ Đông Á đang xếp hạng số 1 châu Á và 28 thế giới. Lần gần nhất đội tuyển Việt Nam đối đầu Nhật Bản là tại tứ kết Asian Cup 2019, thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đã thất bại với tỉ số tối thiểu 0-1.

Trước đó, tại ASIAD 18, U23 Việt Nam từng thắng U23 Nhật Bản 1-0 ở vòng đấu bảng. Đó là những cuộc đối đầu gần nhất giữa hai nền bóng đá, nó chỉ ra rằng, khoảng cách về trình độ đã được thu hẹp. Nếu như trước đây, Việt Nam thua dễ và thua đậm Nhật Bản thi hiện tại, chúng ta đang có những cơ hội có điểm trước đối thủ.

Còn đối thủ mà nhiều khán giả Việt Nam mong chờ là đội tuyển Trung Quốc cũng đã không còn quá  vượt trội so với Việt Nam trước đây. Trong quá khứ, đội tuyển Trung Quốc từng có 6 lần thắng Việt Nam nhưng đã cách đây 10 năm. Dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam từng đánh bại bóng đá Trung Quốc cấp độ U22.

Hồi tháng 9/2019, U22 Việt Nam từng có chiến thắng 2-0 giao hữu trước U22 Trung Quốc được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Guus Hiddink. Sau đó, chính “thầy cũ” của ông Park đã mất việc một phần vì trận thua bạc nhược đó.

Lần duy nhất, đội tuyển Trung Quốc dự World Cup là năm 2002. Đó là kỳ World Cup mà hai đội bóng Nhật Bản, Hàn Quốc đồng chủ nhà, được đặc cách vé vào thẳng vòng chung kết nên châu Á có thêm suất. Sau gần 20 năm, bóng đá Trung Quốc chưa có thêm cơ hội được dự sân chơi số 1 thế giới.  Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018 cách đây 6 năm, Trung Quốc chỉ giành được 7 điểm sau 10 trận đấu. 

Dẫn ra hai đối thủ được xem là khá “duyên nợ” với bóng đá Việt Nam để thấy rằng, trong suốt thập kỷ qua, chúng ta đã có những bước tiến mạnh mẽ ở khu vực đến châu lục để thu hẹp khoảng cách với những cường quốc bóng đá. Về đẳng cấp giữa các nền bóng đá,  Việt Nam thua về nhiều mặt. Nhưng trong từng trận đấu cụ thể, chúng ta hoàn toàn có cơ hội.

Nhìn lại hành trình của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, trận thua UAE chính là cú ngã cần thiết. Nó chỉ ra rằng, Việt Nam cần cải thiện cả về thể chất, thể lực lẫn tâm lý trước một đối thủ mạnh tầm châu Á. Sắp tới, thầy trò ông Park sẽ đối đầu với những trận đấu tương tự.

Nhưng để cải thiện những vấn đề mang tính chiến lược đó cần đến một lộ trình của cả nền bóng đá. Trước mắt, đội tuyển Việt Nam sẽ phải vận hành với những gì đã có. Và chúng ta sẽ hướng đến mục tiêu thiết thực nhất là hoàn thành nhiệm vụ chiến lược cho tương lai và tích luỹ kim nghiệm. Cơ hội có thể đến trong từng trận đấu, nhưng sẽ không có nhiều.

Đội tuyển Việt Nam chưa chốt địa điểm sân nhà

Theo thông báo gần nhất của AFC, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á vẫn sẽ áp dụng theo thể thức thi đấu sân nhà, sân khách. Theo đó, các đội tuyển sẽ được chơi 5 trận sân nhà và 5 trận sân khách của 5 đội cùng bảng tương ứng, trong tổng số 10 lượt diễn ra từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022 của vòng loại này.

Thể thức này chỉ có thể diễn ra nếu như dịch COVID-19 ở các nước tham dự vòng loại thứ 3 được kiểm soát. Còn nếu tình hình phức tạp, AFC nhiều khả năng sẽ phải quay lại phương án tổ chức thi đấu tập trung, giống như 3-4 lượt cuối cùng của vòng loại thứ 2 World Cup 2022.

Từ thời điểm bốc thăm đến khi vòng loại thứ 3 World Cup diễn ra là 2 tháng. AFC sẽ liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 ở châu Á để có phương án phù hợp cho các đội tuyển tham dự.

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: "Với quốc gia không thể tổ chức thì họ sẽ tìm địa điểm tổ chức thay thế. Chúng ta mang mã số 6 và chúng tôi đã có những đầu mối về công tác phòng, chống dịch COVID-19. VFF sẽ xin phép đề xuất các phương án với cấp quản lý. Các đội tuyển có thể muộn nhất 4 ngày trước khi thi đấu tại mỗi quốc gia. Chúng tôi sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, công tác chuyên môn để có ý kiến và xem xét về mặt cơ chế đối với hoạt động thể thao và bóng đá nói riêng. Hiện tại, việc di chuyển đang tiến hành theo phương thức khép kín. Chúng tôi sẽ có câu trả lời tốt nhất khi có những thông tin tốt nhất có thể".

Về vấn đề thiết bị VAR, ông Lê Hoài Anh cho biết: “AFC sẽ cho chúng tôi mượn hệ thống VAR theo dạng tạm nhập tái xuất vào Việt Nam để bảo đảm đúng như quy trình và tiêu chuẩn của AFC. Sẽ có riêng một đội ngũ phụ trách VAR cùng máy móc và thiết bị được gửi tới Việt Nam để triển khai lắp đặt tại đây trong quá trình đội tuyển Việt Nam thi đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á”. (H.H)

Hưng Hà
.
.
.