Lúng túng triển khai nghị định mới về hoạt động biểu diễn

Thứ Bảy, 27/03/2021, 09:48
Sau hơn 3 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành, nhiều địa phương, đơn vị tổ chức nghệ thuật biểu diễn vẫn lúng túng trong việc vận dụng Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.


Nghị định 144 được xây dựng nhằm góp phần hoàn thiện và tạo sự thống nhất, xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn, tiến tới hội nhập nền thương mại toàn cầu. Sự ra đời của Nghị định được kỳ vọng tháo nhiều “nút thắt” cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn lâu nay.

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn được cho là thuận lợi hơn khi triển khai Nghị định 144.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Quang Vinh, Nghị định 144 cắt giảm 6/10 thủ tục hành chính, bao gồm cấp giấy phép cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn, giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và giấy phép phổ biến âm nhạc, sân khấu. Như thế, những vấn đề từng gây tranh cãi gay gắt trong dư luận trước đây như cấp phép phổ biển ca khúc, đặc biệt là ca khúc sáng tác trước năm 1975 sẽ được điều chỉnh, thống nhất.

Cụ thể, các ca khúc không cần giấy phép mới được phổ biến. Tuy nhiên, nếu vi phạm các quy định trong điều 3 sẽ bị phạt, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hình sự: Chống nhà nước, xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm an ninh quốc gia, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược… Nghị định cũng tăng cường phân cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương trong nhiều lĩnh vực.

Mặc dù Nghị định 144 có nhiều điểm mới, thuận lợi hơn cho công tác quản lý và hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhưng đến nay, nhiều địa phương, đơn vị hoạt động nghệ thuật khá lúng túng khi triển khai nghị định vào thực tiễn. Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng

Phòng Văn hóa nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Nghị định 144 tăng quyền về địa phương nhưng theo quy định là giao quyền về UBND tỉnh, thành phố. Sau đó, tỉnh, thành phố giao hoặc ủy quyền cho Sở hoặc UBND cấp quận, huyện, tùy theo chương trình, hoạt động…

Tuy nhiên, như Hà Nội, UBND lại giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tham mưu. Sở còn phải tham vấn, làm việc với các sở liên quan và để thống nhất được thì cần một khoảng thời gian bàn thảo. Chưa kể, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vẫn đang rất lúng túng trong tham mưu cho UBND TP Hà Nội. Nên chăng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những hướng dẫn cụ thể hơn cho địa phương trong vấn đề này.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trực, Nghị định 144 không cấp phép ca khúc. Địa phương cấp phép chương trình biểu diễn chịu trách nhiệm về nội dung chương trình đã cấp phép, trong đó các các ca khúc. Để thẩm định 1 ca khúc, có khi phải thành lập hội đồng thẩm định, rất phức tạp. Thời hạn 5 ngày để cấp phép chương trình sẽ khó đáp ứng được trong trường hợp này.

Tại hội nghị phổ biến Nghị định 144 ngày 25/3 tại Hà Nội, đại diện nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Giang… cũng bày tỏ nhiều băn khoăn. Thậm chí, một số địa phương còn nhầm giữa vận dụng các quy định trong cấp phép biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp với hoạt động biểu diễn mang tính phong trào.

Không ít địa phương bày tỏ lo lắng, trách nhiệm sẽ nặng nề mà nhân lực cho lĩnh vực này lại mỏng. Nhất là các đơn vị, tổ chức nhỏ, lẻ, tổ chức biểu diễn ở các vùng sâu, vùng xa hay có tình trạng quảng cáo để bán vé một đằng, thực tế biểu diễn một nẻo. Nhiều trường hợp quảng cáo có nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn nhưng phút chót lại viện dẫn lý do nghệ sĩ kẹt xe, ốm đau… để lừa khán giả.

Ngược lại, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn, kể cả các đơn vị nghệ thuật uy tín cũng lo ngại, việc giao cấp phép chương trình về địa phương trong khi quan điểm mỗi địa phương mỗi khác, sẽ khó cho người làm nghệ thuật. Chưa kể trường hợp, địa phương này cấp phép biểu diễn rồi, sang địa phương khác, quản lý không yên tâm, yêu cầu thẩm định thêm thì nghệ sĩ rất khó khăn. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, mỗi lần lưu diễn, đơn vị phải lo ăn ở cho vài chục con người. Thêm 1 buổi thẩm định là thêm 1 ngày chi phí ăn, nghỉ, chi phí đội lên rất nhiều…

Về vấn đề này, đại diện Ban soạn thảo Nghị định 144, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, các đơn vị, nghệ sĩ không nên quá lo lắng. Nghệ thuật biểu diễn là sản phẩm động, không giống như các sản phẩm tiêu dùng khác. Trong quá trình biểu diễn, nghệ sĩ có những thay đổi, từ đứng biểu diễn sang ngồi, thậm chí là… nằm biểu diễn, không phải mang 100% chương trình diễn ở địa điểm cũ sang địa điểm mới. Hơn nữa, nghệ sĩ cũng phải “nhập gia tùy tục”, đến biểu diễn nhưng ở địa phương có những điều kiện chưa phù hợp, ví dụ như COVID-19 vừa qua, họ có thể từ chối…

Được biết, để Nghị định 144 đi vào cuộc sống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ còn tổ chức các buổi phổ biến nghị định này tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để cùng các địa phương, nhà quản lý, tổ chức biểu diễn tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế.

Hoa Nguyễn
.
.
.