Kỳ bí chuyện về hai cây lim cổ thụ tại giếng Rừng
Cây lim giếng Rừng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - xếp hạng cấp Quốc gia năm 1988 và thuộc cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích quốc gia đặc biệt.
Sông Bạch Ðằng là nơi diễn ra ba trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc vào các năm 938, 981, 1288. Mỗi trận đánh đều tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ðặc biệt, trong các trận thủy chiến trên sông Bạch Ðằng, các vị danh tướng Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Ðạo đều sử dụng cọc ngầm đóng trên sông để đánh giặc.
Sông Bạch Ðằng sâu, rộng và có lưu lượng dòng chảy rất lớn, nên cọc gỗ được sử dụng phải to, dài và nặng. Các cọc Bạch Ðằng được phát hiện chủ yếu là cọc lim có độ dài trung bình 2m - 2,8m có cọc dài tới 3,2m, đường kính từ 20 - 25cm. Lim thuộc loại gỗ rắn chắc nhưng không chịu được nước nếu ngâm lâu. Như vậy, khi các cọc gỗ được cắm xuống sông Bạch Ðằng, các thân cọc phải rất lớn. Do đó, chúng ta có thể hình dung về diện tích, thời gian phát triển của những cánh rừng lim, độ lớn của những cây lim khi đó.
Hai cây lim được cho là có trên 700 năm tuổi. |
Theo nhiều cụ cao niên trong vùng, hai “cụ” lim trên 700 tuổi là di tích cón sót lại của những cánh rừng lim bạt ngàn ngày xưa, kéo dài từ Chí Linh qua Đông Triều đến Quảng Yên, trong đó có 54 “cụ” lim ở Đền Cao - Hải Dương. Những bãi cọc lim Bạch Đằng gắn với những chiến công vang dội thời Tiền Lê và Lý - Trần được khai thác từ những cánh rừng này. Di tích bãi cọc lim Bạch Đằng chỉ cách 2 “cụ” lim giếng Rừng khoảng 2km.
Hai cây lim giếng Rừng, một cây cao khoảng 30m, chu vi gốc 5,5m, phần thân chính cao khoảng 6m, cành lá xum xuê, xanh tốt, tán lá vươn dài tới 20m. Cây thứ hai to hơn, cao khoảng 30m, đường kính gốc tới 7,2m, tán lá xanh tốt vươn dài tới 25m. Hai cây lim giếng Rừng có giá trị lớn về lịch sử, nằm ngay bên cạnh dòng sông Bạch Đằng, gần nơi xảy ra chiến trận Bạch Đằng 1288. Hai cây lim và cọc lim trong bãi cọc Bạch Đằng 1288, cách bãi cọc Yên Giang 2000m có mối liên quan với nhau.
Di tích bãi cọc Yên Giang, phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên nằm ở cửa sông Chanh có hình chữ nhật dài khoảng 120m, rộng khoảng 20m. Sau lần khai quật đầu tiên vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào các năm 1969, 1976, 1984, 1988... cho thấy cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim dài 2,6-2,8m, đường kính 20-30cm. Phần cọc được đẽo nhọn dài 0,5-1m cắm xuống sông với khoảng cách trung bình 1m. Hiện, bãi cọc này được khoanh vùng bảo vệ, dựng bia giới thiệu di tích.
Hai “cụ” lim giếng Rừng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, tương truyền thuộc khu rừng lim cổ cung cấp cọc lim cho các trận thủy chiến Bạch Đằng 1288, tạo nên chiến thắng vẻ vang thời mở đầu kỷ nguyên độc lập của nước ta. Đây là nơi cung cấp cọc gỗ cho những trận đánh nổi tiếng vang dội trên sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981 và 1288 dưới sự chỉ huy của các danh tướng tài ba Ngô Quyền, Lê Hoàn và Trần Hưng Đạo.
Đến nay, 2 cây lim vẫn tồn tại kề bên sông Bạch Đằng lịch sử, là chứng tích cho chiến thắng oanh liệt của nhân dân ta. Hiện hai cây lim nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Yên. Năm 2008 và 2011, hai cây lim khô lá do đợt rét kỷ lục. Thị xã Quảng Yên cách cắt tỉa cành khô, tưới hoá chất sinh trưởng và bổ sung chất dinh dưỡng cho hai cây lim này.
Trải qua bao năm tháng và khí hậu khắc nghiệt nhưng cây vẫn xanh tươi như một tượng đài mộc mạc, đơn sơ nhưng đầy sinh lực. Bên dưới hai tán lim cổ thụ này có hai giếng cổ gọi là giếng Rừng, được xây lại bằng gạch đỏ từ thời Pháp. Ngày xưa, giếng là nơi cả huyện Yên Hưng lấy nước dùng sinh hoạt, nước lúc nào cũng mát, đáy rất sâu kể cả khi hạn hán giếng vẫn ngập nước.
Đến đây, du khách có thể dừng chân nghỉ, uống nước chè xanh, ngắm cây lim cổ thụ và nghe người dân nơi đây kể lại câu chuyện dân làng cùng tướng Trần Hưng Đạo lấy gỗ cắm xuống sông Bạch Đằng, tạo thành thế trận đánh thắng quân địch chỉ trong 2 tuần. Hai cây lim giếng Rừng không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, gọi nhớ thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn có giá trị về mặt tự nhiên.
Hai cây lim giếng Rừng vừa có giá trị lớn về mặt lịch sử vừa có giá trị về mặt tự nhiên, lại khẳng định dấu tích của một cánh rừng lim cổ thụ ở khu vực này trước khi phát triển thành một khu đô thị. Trải qua bao năm tháng, hai cây lim vẫn xanh tươi. Các nhà khoa học đề nghị nhân giống hai cây lim cổ thụ trồng thành những rừng gỗ lim quý phục vụ sản xuất và đời sống. Ðến thăm bãi cọc Bạch Ðằng, các di tích gắn liền với chiến thắng Bạch Ðằng như: đền thờ Trần Hưng Ðạo, miếu Vua Bà và hai cây lim cổ thụ, du khách sẽ thấy câu chuyện lịch sử cách đây hơn 700 năm gần gũi với thực tế hơn, bóng dáng người xưa như vẫn còn đâu đây.