Hồ Núi Cốc, động 3 cây thông và huyền thoại tình yêu

Thứ Bảy, 26/08/2017, 08:08
Hồ Núi Cốc, nằm ở địa phận huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên không chỉ được biết đến là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở khu vực phía Bắc mà còn là chốn hẹn hò cho các đôi uyên ương vì gắn liền với những câu chuyện tình yêu bất diệt mang đậm màu sắc huyền thoại.

Tình yêu đã hoá thân những chàng trai, cô gái thành núi, sông và cây thông cao lớn có khuôn mặt nam thanh, nữ tú như một minh chứng về tình yêu trường tồn với thời gian.

Hồ Núi Cốc còn ghi dấu cuộc tình giữa nàng Công và chàng Cốc-một chuyện tình thương đau còn để lại dấu tích đến ngày nay. Chuyện kể rằng, ngày xưa dưới chân núi Tam Đảo có một chàng trai nghèo tên là Cốc sống bằng nghề đốn củi và thổi sáo rất hay. Cũng vì quá nghèo nên chàng Cốc không thể lấy được vợ.

Mỗi lúc buồn, chàng chỉ còn biết gửi nỗi lòng vào tiếng sáo. Một nhà giàu có trong vùng tên Quan Lang có một cô con gái xinh đẹp tên là Công, nổi tiếng hát hay, múa giỏi. Dù đã nhiều chàng trai đến hỏi làm vợ nhưng nàng không ưng một ai mà nàng lại phải lòng tiếng sáo của chàng Cốc. Chẳng biết lúc nào chàng Cốc và nàng Công thầm yêu trộm nhớ đến quên ăn, quên ngủ. Biết chuyện này, Quan Lang quyết liệt ngăn cản và đuổi chàng Cốc ra khỏi lãnh địa mình quản lý.

Quá buồn bã vì nhớ thương nàng Công, nhiều ngày nối nhau qua đi, chàng Cốc cứ đứng như chôn chân một chỗ chẳng màng ăn uống gì cho đến khi hóa thành quả núi mà mắt vẫn hướng về phía nhà Quan Lang để chờ người yêu đến. Về phần nàng Công, trong những ngày tháng bị cha nhốt trong nhà, nàng rất nhớ thương chàng Cốc.

Hồ Núi Cốc với những ngọn núi trên hồ tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Nhớ đến mức bỏ ăn, bỏ uống cứ nằm khóc ròng cho đến khi thân thể ngọc ngà của nàng tan ra thành nước và chảy đến với quả núi mà chàng Cốc hoá thành. Tương truyền, ngọn núi Cốc bây giờ là hiện thân của chàng trai nghèo năm xưa. Còn người con gái kiều diễm yêu chàng đắm đuối thì hóa thân thành dòng sông Công êm dịu.

Nơi đây còn một chuyện tình huyền thoại cảm động không kém, đó là chuyện tình ba cây Thông. Chuyện kể rằng, ngày xưa, có hai anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Cả hai chàng trai cùng tài giỏi và rất hiếu thuận với cha mẹ.

Một ngày nọ, người anh xuống núi và tình cờ gặp cô gái xinh đẹp nhất vùng. Ngay từ lần gặp nhau đầu tiên ấy, tình yêu nam nữ lập tức nảy nở trong cặp đôi này. Ngày hôm sau, khi cô gái đang mong chờ chàng trai hôm qua tới thì cũng là lúc người em của chàng xuống núi và cũng tình cờ gặp cô gái xinh đẹp này.

Giống như người anh song sinh, người em cũng say đắm trước dung nhan của cô gái xinh đẹp. Tưởng rằng gặp đúng người con trai hôm trước nên tình yêu của người con gái xinh đẹp càng bùng cháy. Nhưng nàng có ngờ đâu, người con trai đứng trước mặt mình là một người khác.

Chuyện tình tay ba cứ thế tiếp diễn mà chẳng ai hay biết có sự nhầm lẫn. Cho đến khi cô gái nhận lời hẹn của hai chàng trai để tính chuyện trăm năm. Đúng ngày hẹn ước, dưới ánh trăng thơ mộng, hai anh em song sinh và cô gái cùng xuất hiện một nơi và cả ba đều hết sức ngỡ ngàng. Khi hiểu ra sự tình, hai anh em song sinh và cô gái chỉ biết nhìn nhau trong bồi hồi xao xuyến...

Biết  mối tình éo le của ba người, Ngọc Hoàng đã ban phép cho họ được ở mãi bên nhau bằng hiện thân là ba cây thông, hai cây hình nam, một cây hình nữ như một minh chứng cho mối tình huyền thoại.

Hồ Núi Cốc đẹp nhất vào khoảnh khắc sớm tinh mơ của ngày mới và khi hoàng hôn buông. Có mặt ở đây vào thời khắc tinh mơ khi làn sương mai còn chưa tan hết, du khách sẽ thấy cảnh vật ẩn hiện thấp thoáng trên mặt hồ, mờ ảo mà quyến rũ vô cùng.

Khi hoàng hôn buông xuống, mặt hồ như được dát một lớp vàng mỏng trông thật lung linh. Đây là hồ nước ngọt nhân tạo rộng khoảng 25km2 được hình thành từ năm 1973 đến 1982 khi người xưa đắp đập ngăn dòng sông Công để tạo ra 89 đảo lớn, nhỏ chạy dọc suốt 17km đường hồ trông thật thơ mộng.

Du lịch xuôi lòng hồ Núi Cốc, cập bến ở đây, du khách sẽ thấy một cổng tam quan bề thế trên đảo Cái. Bước qua cổng tam quan này, du khách sẽ bước lên 108 bậc thang để lên tới nhà Cổ. Ngôi nhà này đã có niên đại 200 năm, bên trong trưng bày hơn 2000 hiện vật là những sản phẩm làng nghề truyền thống được đưa đến từ hơn 90 làng nghề truyền thống qua mọi thời đại trên mọi miền Tổ quốc.

Đến nơi đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước một công trình uy nghi, đó là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ. Bức tượng cao tới 45m màu vàng rực. Đặc biệt hơn, đây là một pho tượng rỗng, trong lòng tượng Phật là ngôi chùa có tên Thác Vàng. Chùa là điểm hành hương, chiêm bái của nhiều du khách thập phương dịp lễ tết, đầu năm. 

Nguyễn Hưng
.
.
.