Vì sao cần thay đổi thông tin quê quán, nơi thường trú? (Bài 1)
Dự án Luật CCCD (sửa đổi) là một trong những dự án Luật quan trong do Bộ Công an chủ trì xây dựng. Dự án Luật đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận đặc biệt là đề xuất thay đổi thông tin quê quán, nơi thường trú, dấu vân tay trên mặt thẻ CCCD và cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi.
Tại dự thảo Luật CCCD (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất thay đổi một số trường thông tin in trên mặt thẻ CCCD. Việc thay đổi này sẽ tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo tính chính xác, ổn định, thông dụng và phù hợp với các yêu cầu sử dụng những thông tin đó vào giải quyết các dịch vụ cho người dân.
Theo dự thảo Luật CCCD (sửa đổi), thẻ CCCD gồm bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ gồm: a) Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; b) Dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; c) Dòng chữ “Căn cước công dân”; d) Ảnh khuôn mặt; đ) Số định danh cá nhân; e) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; g) Ngày, tháng, năm sinh; h) Giới tính; i) Nơi đăng ký khai sinh; k) Quốc tịch; l) Nơi cư trú; m) Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn; n) Dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”.
Như vậy, so với thẻ CCCD hiện hành, trên mặt thẻ CCCD theo dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) sẽ thay đổi “Số” thành “Số định danh cá nhân” “Quê quán” thành “Nơi đăng ký khai sinh” và “Nơi thường trú” thành “Nơi cư trú”; “Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” thành “Nơi cấp: Bộ Công an”.
Lý giải về việc bỏ thông tin về quê quán thay bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và tính ổn định cao. Còn quê quán hiện chưa có quy trình để xác định xem quê quán đó có chính xác hay không. Ví dụ như, có những người sinh ra ở Hà Nội nhưng quê bố mẹ, ông bà thì ở địa phương khác, thì quê quán ghi ở địa phương khác. Điều này có thể gây khó khăn cho quá trình thu thập thông tin, tiến hành đối sánh để xác định một công dân nào đó.
Còn việc thay đổi “Nơi thường trú” thành “Nơi cư trú” in trên mặt thẻ CCCD để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ CCCD; đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tuỳ thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thì thẻ CCCD là giấy tờ quan trọng để chứng minh nơi cư trú của người dân. Trường hợp người dân đổi nơi cư trú thì có quyền cấp đổi lại thẻ CCCD theo nhu cầu; trường hợp người dân không cấp đổi lại thẻ CCCD thì thông tin nơi cư trú (mới) sẽ được cập nhật vào CCCD điện tử.
Cùng với những thay đổi trường thông tin trên, Bộ Công an cũng đề xuất bỏ in dấu vân tay trên mặt thẻ CCCD gắn chíp. Về đề xuất này, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết, hiện nay, dữ liệu vân tay đã được tích hợp vào trong chíp gắn trên thẻ CCCD. Chính vì vậy, việc in dấu vân tay trên bề mặt thẻ không còn quan trọng nữa.
Như vậy, việc thay đổi các trường thông tin được in trên mặt thẻ CCCD không làm phát sinh chi phí, cũng như thủ tục của người dân. Người dân được cấp thẻ CCCD gắn chíp hiện nay vẫn sử dụng bình thường, đến khi cần phải thay đổi theo quy định của luật thì người dân mới đi đổi. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thay đổi những thông tin trên mặt thẻ CCCD cấp cho người dân.
Việc thay đổi thông tin trên bề mặt của CCCD gắn chíp tạo sự thuận lợi cho người dân. Đồng thời, nâng cao tính chính xác và xác thực của những thông tin trên mặt CCCD đã cấp cho người dân. Những thông tin này đảm bảo tính ổn định lâu dài; phù hợp với các quy định và dịch vụ sử dụng thông tin đó trong quá trình giao dịch của công dân.