Triển khai Đề án 06 đã tạo ra những thay đổi bước ngoặt cho ngành BHXH

Thứ Sáu, 21/07/2023, 12:26

Các ngành, đặc biệt là ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 để người dân được hưởng thụ là nhấn mạnh của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023 của BHXH Việt Nam sáng ngày 21/7. Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng khẳng định, việc triển khai thực hiện Đề án 06 thời gian qua cũng đã tạo ra những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành.

Theo BHXH Việt Nam, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa về công tác chuyển đổi số, Đề án 06 và đã bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, quyết liệt, kịp thời các nội dung nhiệm vụ được giao.

Nhiều công việc cụ thể đã được triển khai như: Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho cơ sở dữ liệu (CSDL) và các Hệ thống thông tin của ngành; xây dựng, triển khai CSDL quốc gia về bảo hiểm; kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, Ngành, địa phương; cập nhật, đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư; triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) bằng CCCD gắn chip; thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); triển khai cung cấp, liên thông các TTHC, dịch vụ công (DVC) trực tuyến; triển khai ứng dụng VssID; phối hợp triển khai VNeID, Sổ sức khỏe điện tử; hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam...

Triển khai Đề án 06 đã tạo ra những thay đổi “bước ngoặt” cho ngành BHXH -0
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ phát biểu tại hội nghị

BHXH Việt Nam thừa nhận những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thời gian qua đã mang lại những thay đổi mang tính bước ngoặt trong mọi hoạt động của Ngành, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH; các bộ, Ngành, địa phương cũng được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về bảo hiểm; nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân. Đây cũng là tiền đề và động lực để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

“Với đặc thù ngành BHXH Việt Nam thường xuyên tương tác với người dân. Hiện hàng năm có 170 triệu lượt người khám chữa bệnh, 10 triệu hưởng chính sách BHXH, trên 50 triệu người khám chữa bệnh hàng năm nên việc phục vụ người dân, cải cách hành chính, chuyển đổi số là trọng tâm, xuyên suốt của ngành. Được ưu tiên tham gia ngay từ đầu với kết nối chia sẻ dữ liệu dân cư. Do đó, ngành BHXH xác định, không công nghệ, không chuyển dổi số thì không làm hết việc. gắn trực tiếp với quản lý của ngành, chuyển sang quản lý rủi ro, phân tích đánh giá quản lý dữ liệu lớn, để cảnh báo và thanh kiểm tra. Thời gian tới, ngành BHXH mong muốn các bộ ngành, đặc biệt là ngành Công an, Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ”, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam mong muốn.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ, việc triển khai Đề án 06 của các ngành, các lĩnh vực phải thống nhất nhận thức dữ liệu dân cư là gốc, và các dịch vụ khác xoay quanh. Việc triển khai Đề án 06 cần quyết tâm chính trị của người đứng đầu các cấp ngành, để chuyển đổi từ thủ công sang điện tử, chủ động xây dựng hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại, bảo mật. Đối với ngành BHXH, trên cơ sở những vấn đề đã triển khai có hiệu quả, cần tiếp tục chủ động xây dựng bộ dữ liệu ngày càng hoàn thiện để khai thác, sử dụng có hiệu quả. Ngành BHXH mà không có đủ dữ liệu, không kết nối, không chia sẻ được sẽ bị chậm, bị sai.

“Cùng với các dịch vụ công trực tuyến đã được phân công thông qua ngành BHXH triển khai thực hiện sẽ góp phần vào văn minh của xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế - văn hóa và góp phần vào phòng, chống tội phạm. Những thủ tục, giấy tờ về bảo hiểm, khám chữa bệnh không phải làm thủ công sẽ tiết kiệm được giấy tờ, thời gian, tiền bạc, đi lại cho người dân người dân. Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đã tiết kiệm được 50 tỷ của 1 triệu thí sinh đăng nộp hồ sơ thi online, năm nay cũng tiết kiệm được trên 50 tỷ chỉ riêng mỗi phần này. Đối với các kiến nghị của BHXH Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp thu để tiếp tục báo cáo với Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ để có các hướng dẫn thực hiện thành công, dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số và để BHXH Việt Nam hoàn thành sớm việc triển khai Đề án 06 để người dân được hưởng lợi nhiều hơn”, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Phan Hoạt
.
.
.