Tập trung bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương

Thứ Năm, 10/11/2022, 19:25

Phát biểu thảo luận, các đại biểu tập trung nhiều vào vấn đề bảo vệ người tiêu dùng yếu thế; giải quyết tranh chấp đối với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ không đạt chất lượng; kiến nghị quy định chặt chẽ các giao dịch trên không gian mạng…

Chiều 10/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu giải trình. Phát biểu thảo luận, các đại biểu tập trung nhiều vào vấn đề bảo vệ người tiêu dùng yếu thế; giải quyết tranh chấp đối với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ không đạt chất lượng; kiến nghị quy định chặt chẽ các giao dịch trên không gian mạng…

Bảo vệ quyền lợi nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Quan tâm đến bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, tại Khoản 1, Điều 7 của dự thảo luật xác định có 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai, sinh con hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, người bị bệnh hiểm nghèo “Quy định này mới mang tính chất liệt kê” – đại biểu cho biết; đồng thời nêu quan điểm, đây là nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhưng quy định của dự thảo Luật chưa rõ, chưa bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu. 

Cần tập trung bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương. -0
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu.

Thực tế, ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, người tiêu còn dễ bị tổn thương, có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như bất lợi về danh dự, bất lợi về tinh thần. Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, bổ sung đầy đủ, bảo đảm bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu ngoài sức bất lợi về sức khỏe và bất lợi về tài sản hoặc sửa lại quy định trên để có khái niệm một cách bao quát như sau: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

 Cũng quan tâm đến nhóm đối tượng này, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho rằng, những đối tượng yếu thế dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoạt động mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần được mở rộng thêm đến đối tượng là những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS… Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm đối tượng người tiêu dùng nêu trên được ưu tiên bảo vệ để tạo sự bình đẳng trong quá trình mua bán, tiêu dùng.

Cần tập trung bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương. -0
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) nêu cũng quan điểm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì chúng ta phải bảo vệ trên mọi khía cạnh, mọi góc độ, đặc biệt khi dự án luật có quy định về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ bao gồm những nhóm như đang nêu ở dự thảo Luật lần này mà cần tiếp tục bổ sung thêm cho đầy đủ và toàn diện.

Cần quy định chặt chẽ về hàng hoá khuyết tật

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là nội dung về hàng hoá, dịch vụ khuyết tật. Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, Ban soạn thảo không tiếp thu việc bổ sung nội dung về dịch vụ khuyết tật hay dịch vụ không đảm bảo chất lượng là chưa thỏa đáng. Đại biểu cho biết, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng việt nam không chỉ gói gọn trong sản phẩm hàng hóa mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ khác nhau để phục vụ cho cuộc sống (như dịch vụ du lịch, dịch vụ khách sạn, dịch vụ tư vấn…) “Đây là những hoạt động bên cạnh việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống thì cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ trong ngắn hạn mà đôi khi là dài hạn hay suốt cuộc đời” – đại biểu nêu quan điểm và cho rằng, việc làm rõ khái niệm hàng hóa có khuyết tật nên được điều chỉnh lại, cân nhắc việc bổ sung các quy định cho nhóm dịch vụ.   

Cần tập trung bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương. -0
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) thì kiến nghị bổ sung thêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Theo đó, đại biểu cho rằng,  Điều 34 dự thảo luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng…Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị Điều 34 dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Cần tập trung bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương. -0
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu.

Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị, cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế. Về việc quy định liên quan đến miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, dự thảo Luật quy định: Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn bất cập, sơ hở, không đảm bảo bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.  

Bán hàng qua mạng – cần có quy định cụ thể

Quan tâm đến vấn đề bán hàng qua mạng, thương mại điện tử, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử như hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể...Nhằm khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đại biểu đồng thuận cao với những điểm bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.

Cần tập trung bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương. -0
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu.

Cũng nhất trí quan điểm phải rà soát các quy định giao dịch từ xa, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắc Nông) đề nghị rà soát quy định về giao dịch trên không gian mạng, bổ sung đầy đủ nội dung về giao dịch từ xa để đảm bảo tính bao quát; đồng thời, cần lưu ý đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cũng đề nghị chỉnh lý lại quy định giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa để bảo vệ quyền lợi của cả khách hàng và người bán hàng.  

Phương Thuỷ
.
.
.