Quảng cáo sai sự thật, bảo vệ người tiêu dùng như thế nào?

Thứ Tư, 02/11/2022, 12:43

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm khắc phục bất cập của các quy định hiện hành và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh.

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng 2/11, các đại biểu đều tán thành việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); cho rằng, đây là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ai là người bảo vệ người tiêu dùng?

Góp ý về trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ), cho rằng, việc mới chỉ nhắc đến “trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng” là chưa đầy đủ, có thể dẫn đến kẽ hở trong pháp luật. Đồng thời chưa bảo đảm tính thống nhất, chính xác trong văn bản, bởi trong dự thảo Luật còn một số quy định về “trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác không phải tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị, cần chỉnh lý phạm vi điều chỉnh theo hướng quy định về “trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân có liên quan”. 

Quảng cáo sai sự thật, bảo vệ người tiêu dùng như thế nào? -0
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận.

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy vậy luật cần bổ sung thêm quy định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở lĩnh vực nhạy cảm. “Hiện có nhiều dịch vụ liên quan đến tế bào gốc. Người sử dụng dịch vụ phải chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng hiệu quả thấp. Tế bào gốc là thần dược dùng để điều trị các bệnh về máu nhưng không phải lĩnh vực nào cũng có tác dụng. Việc sử dụng tế bào gốc để làm đẹp, tăng khả năng tình dục… còn khá mơ hồ” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ví dụ. Do vậy, đại biểu đề nghị, phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là trong các dịch vụ đặc thù, tốn kém.

Còn theo đại biểu Trương Xuân Cừ, cần bổ sung thêm quyền được tư vấn đối với người tiêu dùng. Nếu không được tư vấn về sản phẩm mình có nhu cầu thì người tiêu dùng không thể biết được công dụng của chúng đến đâu. Đặc biệt là với đối tượng là người cao tuổi - nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất, nếu không được tư vấn kỹ về các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng thì họ dễ bị thiệt thòi. “Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần đưa đội ngũ tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn vào luật vì phần lớn họ có hiểu biết, có kinh nghiệm, nắm được thông tin người ra, vào địa bàn. Nếu chỉ giao trách nhiệm cho Hội bảo vệ người tiêu dùng và đơn vị quản lý thị trường thì e rằng không hiệu quả” – đại biểu Cừ nhấn mạnh. 

Người tiêu dùng có quyền gì?

Góp ý về quyền của người tiêu dùng (Điều 15), đại biểu Lại Văn Hoàn (Thái Bình) cho rằng, quy định như dự thảo Luật còn một số nội dung chưa phù hợp và khả thi. Đơn cử như Khoản 6 quy định “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, Khoản 4 lại quy định “Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá cả, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.”. Theo đại biểu Lại Văn Hoàn, quy định như vậy thì không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng trước khi phải đứng ra là một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự.

Quảng cáo sai sự thật, bảo vệ người tiêu dùng như thế nào? -0
Đại biểu Trương Xuân Cử phát biểu tại tổ.

Do đó, để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng để lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác vấn đề của sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền yêu cầu người tiêu dung thương lượng khi có tranh chấp liên quan đến sản phẩm, dịch vụ đã cung cấp.

Trách nhiệm khi đưa thông tin sai sự thật

Về nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 16), đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) chỉ ra thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng đã lạm dụng quyền của mình để làm ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; một số cơ quan truyền thông đưa tin về việc khách hàng đến sử dụng các dịch vụ nhưng khi livestream trên mạng đưa tin không đúng, thậm chí là hạ bệ uy tín của đơn vị kinh doanh. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, bên cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng để tránh những trường hợp như vậy. Cụ thể, bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và phải có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa những thông tin sai sự thật về sản phẩm mà mình sử dụng.

Quảng cáo sai sự thật, bảo vệ người tiêu dùng như thế nào? -0
Các đại biểu thảo luận tại Tổ.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng, sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm khắc phục bất cập của các quy định hiện hành và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh. Bên cạnh đó các chế tài xử phạt đối với các cá nhân vi phạm chưa đủ sức răn đe. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “loạn” quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, quảng cáo sai sự thật khiến nhiều văn nghệ sỹ bỗng dưng đau lưng, đau gối, yếu sinh lý phải “rao” bán thuốc suốt ngày trên mạng.

Cùng cho ý kiến về nội dung này, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, về các hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật, cần bổ sung việc cấm lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để bán các mặt hàng, hoạt động mê tín dị đoan. “Tình trạng lấy hình ảnh người của tôn giáo ra để quảng cáo, giật gân, giật tít nhằm bán sản phẩm đang diễn ra khá phổ biến. Do đó, cần có quy định cấm hành vi này đồng thời nêu rõ chế tài đối với người lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo để cổ suý mê tín di đoan, bán hàng nhằm trục lợi” - Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.

Phương Thuỷ
.
.
.