Tăng cường quản lý, thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã

Thứ Ba, 02/11/2021, 08:43

Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng. Theo Báo cáo Sức sống Hành tinh 2020 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), trong vòng 50 năm qua, quần thể các loài động vật có xương sống đã suy giảm 68%.

Tại Việt Nam, nhiều loài động vật hoang dã đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp vì nhiều mục đích khác nhau như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức...

Khó ngăn chặn nếu xử phạt không nghiêm

Trước đây, vùng đất ngập nước ven phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên - Huế, có tính đa dạng sinh học rất cao với hơn 900 loài động thực vật, là nơi sinh sản của phần lớn các loài thủy sản có trong vùng đầm phá và là một trong những điểm dừng chân của các loài chim di trú theo mùa. Số lượng các loài chim quý tuy không nhiều nhưng người dân thường bắt gặp mỗi khi ra đồng; còn các loài gà nước, cò, vạc thì vô số. Mỗi lần chúng đến tìm kiếm thức ăn hay trú ngụ, các cánh đồng thường phủ một màu trắng xóa... Hiện nay, trên cánh đồng này, các đối tượng săn bắt đã rải hàng trăm con cò giả được làm bằng xốp nhằm thu hút chim đến để bẫy.

Tăng cường quản lý, thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã -0
Loài Chà vá chân nâu được ghi nhận tại miền Tây tỉnh Quảng Trị. Ảnh: PTL

Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp, trước đây có khoảng 7.000 cò ốc và hàng chục ngàn chim di cư khác cư ngụ. Nay các loài này gần như vắng bóng, chỉ còn lác đác một số con, đàn tìm đến. Minh chứng năm 2019 chỉ có 4 con sếu đầu đỏ bay về, trong năm 2020, gần như không thấy đàn nào di cư về. Tương tự thành phố Cần Thơ, nơi đây vườn chim Bằng Lăng, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, từng được ví là thiên đường chim trời, bởi sự đa dạng, phong phú các loài chim di cư bay về cư ngụ. Song hiện nay, vườn chim số lượng chim, đàn bay về quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đối tượng vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tới số lượng lớn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Ngày 23/9/2021, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về Môi trường - Công an thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thành phố Hải Phòng và Công an phường Vĩnh Niệm phát hiện xe ôtô 14A-32207 do đối tượng Nguyễn Văn Giáp (sinh năm 1984, trú tại phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển đang vận chuyển trái phép 8 cá thể cao cát phương Đông (loài chim được coi là loài nhỏ nhất và phổ biến nhất trong các loài mỏ sừng ở châu Á), được thuê chở từ thành phố Hải Phòng đi Móng Cái. Toàn bộ số lượng cá thể động vật hoang dã bị nuôi nhốt trái phép sau đó đã được tịch thu và chuyển giao đến Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.

Cũng trong tháng 9/2021, Công an thành phố Thái Nguyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố xử lý hai trường hợp vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã là mèo rừng. Đội Cảnh sát kinh tế đã chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan và cá thể động vật trên đến Hạt Kiểm lâm thành phố Thái Nguyên để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật. Hạt Kiểm lâm thành phố Thái Nguyên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã mỗi người 10 triệu đồng và bàn giao cá thể mèo rừng cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong tháng 6/2021, cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã xử phạt hành chính một đối tượng 10 triệu đồng cho hành vi nuôi nhốt trái phép một cá thể khỉ đuôi dài. Trước đó, đối tượng này thường xuyên rao bán, quảng cáo nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm trên mạng xã hội. Thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều người dân vẫn coi khỉ là một loại thú cưng và thậm chí không ý thức được rằng hành vi nuôi nhốt khỉ là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Do đó, quyết định xử phạt của cơ quan chức năng sẽ góp phần răn đe và xóa bỏ tình trạng nuôi nhốt, buôn bán khỉ bất hợp pháp.

Tiếp tục hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm

Rà soát các quy định cũng như chế tài xử lý vi phạm có thể thấy, quy định pháp luật của Việt Nam về động vật hoang dã đã khá đầy đủ và đang được từng bước hoàn thiện. Cụ thể, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Công ước quốc tế về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên, quản lý động vật hoang dã, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES), Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ… tạo sự thống nhất trong xã hội về nhận thức và hành động tham gia bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Việt Nam đã có những quy định pháp luật trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và các giống loài động thực vật hoang dã (bao gồm các loài chim trời), hay như Luật Đa dạng sinh học; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Lâm nghiệp; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (có hai tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này). Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm về cơ bản cũng được chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương quan tâm bằng việc ban hành nhiều kế hoạch liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm.

Đánh giá về công tác thực thi pháp luật xử lý tội phạm động vật hoang dã, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng, thực tế cho thấy, công tác thực thi pháp luật bị hạn chế và chưa hiệu quả do thiếu nguồn lực kể cả cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính. Đồng thời, các cơ quan chức năng còn nhận thức chưa đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã và thiếu đào tạo tăng cường năng lực cũng làm hạn chế năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật.

Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn ra nghiêm trọng ở quy mô toàn cầu, ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách về quản lý động vật hoang dã với chỉ đạo “kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật”.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố “tăng cường công tác kiểm soát các hành vi khai thác, săn, bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã; tổ chức triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật…”. Tiếp đó, tháng 3/2021, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế, đối tác trong nước đã ký kết Khung đối tác một sức khỏe phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện Cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ để hoàn thiện pháp luật, ban hành Nghị định 06/2019/NĐ-CP quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và hiện nay đang tiếp tục sửa đổi, gần đây nhất là Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/7/2020, về một số giải pháp cấp bách về quản lý động vật hoang dã. Ngoài ra, thực hiện theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 6/2/2020, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh, thành kiểm soát buôn bán động vật hoang dã để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.

Theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE), tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết do các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt, buôn bán trái phép cũng như mất môi trường sống. Nhận thức được điều này, những năm qua, Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển đã khởi xướng nhiều chiến dịch như “Bảo vệ tê giác”, “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác”, “Cứu tê tê”, “Nói không với ngà voi”… Trong đó, chiến dịch “Bảo vệ tê giác” là minh chứng về tính hiệu quả các hoạt động truyền thông của Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển với 53,2 triệu lượt người tiếp nhận thông tin; sự tham gia ủng hộ của hơn 100 nghệ sỹ nổi tiếng trên cả nước…

Có thể nói, các chiến dịch, chính là hành động thiết thực, thể hiện vai trò đi đầu trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những loài vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, bị tiêu thụ một cách trái phép tại Việt Nam.

Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Hoài Khương cho hay, bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của muôn loài. Vì vậy, cần sự tham gia và chung tay của cộng đồng, chia sẻ và lan tỏa thông điệp kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã để góp phần bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, thông qua chiến dịch, các chuỗi hoạt động bảo vệ các loài động vật hoang dã có thể cảnh báo, thức tỉnh mọi người trước thực trạng nguy cấp như hiện nay. Tiếng nói chung của những người ủng hộ sẽ góp phần lên án, tẩy chay nhằm thay đổi hành vi ăn thịt và sử dụng động vật hoang dã…

Lý Thanh Hương
.
.
.