Sửa đổi Thông tư 05 theo hướng đặt nền móng cho việc chuyển đổi số
Ngày 21/1, tại Hà Nội, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã chủ trì buổi họp, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người phạm tội giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao - Toà án nhân dân (TAND) Tối cao.
Dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKND Tối cao. Cùng dự có đại diện các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an…
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Ngô Thị Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Hồ sơ Nghiệp vụ (HSNV) đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2018/TTLT- BCA- VKSNDTC ngày 25/6/2018 quy định về việc phối hợp thông báo, gửi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 05).
Sau hơn 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 05, đến nay Cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp trong CAND, VKSND và TAND cơ bản đã thông báo đầy đủ, kịp thời các loại thông tin, tài liệu, quy định trong Thông tư 05 về Cơ quan HSNV của ngành Công an để quản lý, khai thác và cung cấp thông tin phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Việc ban hành Thông tư 05 là căn cứ pháp lý quan trọng, cần thiết để cơ quan tiến hành tố tụng các cấp gửi và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, liên quan đến người phạm tội, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, là căn cứ để cơ quan HSNV các cấp yêu cầu cung cấp những thông tin, tài liệu phục vụ việc thu thập, lưu trữ những dữ liệu liên quan đến người phạm tội và cung cấp những thông tin này cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Nội dung Thông tư 05 đã quy định cụ thể những loại hồ sơ, tài liệu liên quan đến người phạm tội cần được thông báo, gửi, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan HSNV thuộc ngành Công an, Viện KSND và Toàn án; xác định rõ trách nhiệm của ba ngành trong hoạt động tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.
Lãnh đạo liên ngành Công an - Viện kiểm sát - Toà án các cấp ở nhiều địa phương đã quan tâm, chỉ đạo, quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư 05. Đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Quy chế hoặc văn bản phối hợp giữa 3 ngành. Thông tin, tài liệu về người phạm tội đã được cơ quan kiểm sát, TAND các cấp gửi về cơ quan HSNV, tăng nhiều lần so với trước đây.
Các thông tin, tài liệu đều đảm bảo theo quy định của pháp luật. Một số loại thông tin, tài liệu được CQĐT, Viện kiểm sát, Toà án các cấp gửi cho cơ quan HSNV đạt tỷ lệ tương đối cao như: Quyết định truy nã đạt 91,9%; quyết định đình nã đạt 85 %; quyết định khởi tố bị can đạt 91,9 %, một số tài liệu khác đạt từ 70 % trở lên. Cơ quan HSNV nhiều địa phương đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo liên ngành đôn đốc, kiểm tra, thường xuyên thông báo việc thực hiện các quy định của Thông tư; đồng thời làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý, khai thác, cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thi hành án hình sự.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, việc ban hành thông tư 05 là một việc làm rất cần thiết, thực tế đem lại hiệu quả rất cao. Từ đó, 3 ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án đãcó quan hệ chặt chẽ hơn trong việc lưu trữ, cung cấp thông tin liên quan đến người phạm tội phục vụ kịp thời, hiệu quả các mặt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử...
Chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong Thông tư 05 như nhiều quy định không có tính định lượng, thông tin còn trùng lặp, phương thức trao đổi thủ công rất tốn công sức và thời gian…, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị các đơn vị cần tập trung sửa đổi Thông tư 05 nhằm khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập đang tồn tại hiện nay.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chỉ rõ: Các đơn vị cần khẩn trương đề xuất nhân sự, thành lập Ban Soạn thảo Thông tư sửa đổi. Trong đó, giao Cục HSNV là đơn vị chủ trì, đầu mối thường trực kết nối với các đơn vị là Viện Kiểm sát và Tòa án để thống nhất các nội dung sửa đổi; xây dựng, cài đặt phần mềm để thống kê và kết nối, trao đổi thông tin, tài liệu giữa 3 ngành. Trong đó hướng tới việc chuyển đổi phương thức phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng đều phải số hoá và kết nối trực tuyến.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi, tập hợp tình hình thực hiện Thông tư 05 của Cơ quan điều tra cấp Bộ, Cơ quan HSNV cấp tỉnh; sự phối hợp của các đơn vị ngành Kiểm sát và Toà án hỗ trợ khai thác cung cấp thông tin, phục vụ làm sạch cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến nhằm thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra khó khăn, vướng mắc, tìm ra nguyên nhân đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người phạm tội của 3 ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án...