Sự cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát cơ động

Thứ Bảy, 05/11/2022, 09:26

Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Đảm bảo tuân thủ Hiến pháp 2013, luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, phù hợp với tính chất đặc thù của CSCĐ và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, khắc phục những bất cập của Pháp lệnh CSCĐ là những căn cứ cần thiết để xây dựng Luật CSCĐ.

Trước hết, việc xây dựng Luật CSCĐ nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế các quyền con người, quyền công dân, thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng CSCĐ. Tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Sự cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát cơ động -0
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh CSCĐ diễn tập phương án xử lý tình huống tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn. Ảnh: Chiến Thắng

Pháp lệnh CSCĐ năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ được thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. CSCĐ là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang để đấu tranh chống khủng bố, trấn áp, giải quyết các vụ bạo loạn, biểu tình, tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự… trực tiếp tác động đến sức khỏe, tính mạng của các đối tượng phạm tội. Để thực hiện nhiệm vụ trong những trường hợp cấp bách, CSCĐ được quyền huy động người, phương tiện, trưng dụng tài sản, yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức… Vì vậy, để đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định trên cần thiết phải được thể hiện ở văn bản luật.

Trong những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật chuyên ngành, trong đó có những quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và xây dựng CSCĐ nhưng mới dừng ở các nguyên tắc chung, chưa được quy định cụ thể. Do vậy, cần thiết phải luật hóa các quy định của Pháp lệnh CSCĐ và quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và xây dựng lực lượng CSCĐ để đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của CSCĐ.

Cùng với đó, việc xây dựng Luật CSCĐ cũng chính là việc luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng CAND nói chung, CSCĐ nói riêng.

Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 31/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Do vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ là một bước quan trọng để thế chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng Luật CSCĐ còn nhằm đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của CSCĐ và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

CSCĐ là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong CAND, được thể hiện ở một số điểm nổi bật như có chức năng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nhiệm vụ chính của CSCĐ là xây dựng các dạng phương án, thường xuyên tổ chức huấn luyện, ứng trực, đảm bảo quân số, vũ khí, trang bị sẵn sàng giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, biểu tình, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp các đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm…

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ tác chiến theo đội hình, cơ động nhanh, đấu tranh vũ trang trực diện, xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp mà nếu chỉ sử dụng biện pháp, lực lượng khác trong CAND thì không giải quyết được. Đối tượng đấu tranh của CSCĐ đa dạng, phức tạp, số lượng đông. Hoạt động vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội theochức năng, nhiệm vụ của CSCĐ có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. CSCĐ ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, quân số đông, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại, đặc chủng.

Để thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi lực lượng CSCĐ phải được tổ chức huấn luyện thường xuyên, chuyên sâu về võ thuật, quân sự, kỹ chiến thuật chiến đấu ở cường độ cao, trong mọi điều kiện địa hình, địa bàn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, hình sự, tội phạm sử dụng công nghệcao vẫn là thách thức lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh trật tự của CSCĐ. Với tính chất đặc thù và yêu cầu trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của CSCĐ.

Ngoài ra, việc xây dựng Luật CSCĐ còn nhằm giải quyết một số vấn đề bất cập của pháp lệnh CSCĐ như quy định thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh CSCĐ; quy định thẩm quyền điều động của CSCĐ thực hiện nhiệm vụ...

Như vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ là cần thiết, phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Ths. Vương Thế Mạnh (Giảng viên Khoa Cảnh sát vũ trang- Học viện CSND)
.
.
.