Quán triệt, phổ biến nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động

Thứ Tư, 28/09/2022, 13:26

Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được Quốc hội khóa XV thông qua có 5 Chương, 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh CSCĐ tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung cơ bản của Luật CSCĐ. Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh CSCĐ chủ trì Hội nghị.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ và phân công của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh CSCĐ được giao chủ trì, xây dựng dự án Luật CSCĐ. Sau quá trình tập trung trí tuệ, công sức để nghiên cứu, xây dựng; sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành và đóng góp ý kiến hết sức trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc của Công an các đơn vị, địa phương, các ban, bộ, ngành và các vị đại biểu Quốc hội, ngày 14/6/2022 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật CSCĐ và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. 

Quán triệt, phổ biên nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động -0
Thiếu tướng Lê Ngọc Châu phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, Luật CSCĐ là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt trong suốt chặng đường gần 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CSCĐ. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức, hoạt động và xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Việc Quốc hội ban hành một đạo luật riêng về lực lượng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an đối với CSCĐ; đồng thời, góp phần tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức xã hội của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ. 

Quán triệt, phổ biên nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động -0
Quang cảnh hội nghị.

Luật CSCĐ được xây dựng trên cơ sở kế thừa và khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của một số nước trong lĩnh vực xây dựng pháp luật về lực lượng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như CSCĐ bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nước ta và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

Để triển khai thi hành các quy định của Luật CSCĐ đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc khi Luật có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2023, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu đề nghị, các đại biểu tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và nắm vững những nội dung được giới thiệu tại hội nghị để xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt cho CBCS của đơn vị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ quán triệt những nội dung cơ bản của Luật CSCĐ và công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai Luật trong CAND.

Quán triệt, phổ biên nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động -0
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh quán triệt những nội dung cơ bản của Luật CSCĐ.

Theo đó, Luật CSCĐ được thông qua có 5 Chương, 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

So với Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, Luật CSCĐ đã có nhiều quy định mới nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ có liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật CSCĐ là bổ sung thêm một số quyền hạn của lực lượng CSCĐ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Theo đó, Luật quy định vị trí của CSCĐ là lực lượng vũ trang thuộc CAND, với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động…

N.Lan
.
.