Người dân, doanh nghiệp ngày càng được hưởng lợi từ Đề án 06

Thứ Hai, 26/08/2024, 08:08

Với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Đề án 06 của Chính phủ đã và đang mang lại những tiện ích lớn lao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm thay đổi căn bản nền hành chính thủ công sang phục vụ ở môi trường điện tử hiện đại. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là trách nhiệm chính trị của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong triển khai những nhiệm vụ trong đề án.

Tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Xác định năm 2024 là năm “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp”, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện các nhóm vấn đề “pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn bảo mật và nguồn lực triển khai”. Mục tiêu đó là tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể phục vụ và muốn đạt hiệu quả mục tiêu đó thì phải gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp bằng chính những tiện ích họ được hưởng.

Thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, qua việc triển khai Đề án 06, không chỉ đơn giản hóa được 207 thủ tục hành chính tại 23 băn bản quy phạm pháp luật, tính đến nay các bộ, ngành, địa phương đã đơn giản hóa 793/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về giải quyết thủ tục hành chính với hơn 600 thủ tục được thực hiện ủy quyền từ thành phố xuống chính quyền cơ sở, góp phần tạo đường băng rộng mở cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

05img_03431.jpg -0
Hàng nghìn thiết bị máy tính điện tử (kiosk) đăng ký khám, chữa bệnh được lắp đặt tại các cơ sở y tế góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP. Đây là nhiệm vụ không dễ hoàn thành nhưng nếu có quyết tâm chính trị và sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ trong triển khai Đề án 06, chắc chắn con số trên sẽ nằm trong tầm tay. “Bệ đỡ” giúp hoàn thành mục tiêu trên không nằm ngoài việc phải tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án 06 của Chính phủ. Theo lộ trình của Đề án 06, cần tập trung khai thác, sử dụng thông tin dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay, từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06, Bộ Tài Chính đã triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán hộ kinh doanh chống thất thu thuế, thất thu ngân sách với gần 66.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng. Hiện số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là hơn 489,6 triệu hóa đơn. Chỉ tính riêng Hà Nội khi sử dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ giúp thu hơn 14.000 tỷ đồng (tăng 1.000 tỷ  đồng/tháng).

Là một trong những đơn vị được Chính phủ đánh giá đứng đầu trong các bộ, ngành cung cấp dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia về bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công, dịch vụ trực tuyến, thông tin với phóng viên, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Năm 2023, EVN triển khai việc tích hợp định danh điện tử mức độ 2 (VNeID) của Bộ Công an để thông qua đó người dân có giao dịch toàn bộ dịch vụ điện trên môi trường số qua nền tảng VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dữ liệu dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an để thực hiện đối soát, chuẩn hóa dữ liệu thông tin chủ thể hợp đồng mua bán điện với mục tiêu toàn bộ hợp đồng mua bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều được đối soát khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó tạo thuận lợi cho công tác kết nối, khai thác sau này. Đến nay, công tác đối soát này đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện quyết liệt và dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thông qua việc kết nối đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện đã đạt trực tuyến mức độ 4. Việc ký hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chăm sóc khách hàng đa kênh đã giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu khách hàng thông qua đó từng bước xây dựng các trải nghiệm người dùng nhằm thúc đẩy khách hàng sử dụng các dịch vụ điện nói chung cũng như thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt ngày càng thuận lợi, tạo được sự hài lòng ngày càng lớn cho khách hàng.

Kết quả trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ biểu dương, ghi nhận. Những kết quả này không chỉ giúp cho đơn vị này ngày càng phát triển mà còn tạo ra môi trường mới văn minh, hiện đại, thuận tiện… trong chăm sóc, phục vụ hiệu quả khách hàng hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh số hóa, kết nối dữ liệu

Đại tá Vũ Văn Tấn cũng cho biết, trong thời gian qua, một trong những lĩnh vực với ứng dụng nổi bật đó chính là xác thực, làm sạch hồ sơ khách hàng của ngành ngân hàng. Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Bộ Công an đã phối hợp, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước làm sạch gần 44 triệu hồ sơ khách hàng; cung cấp giải pháp ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy, ứng dụng Mobile app tại 49 tổ chức tín dụng cũng như triển khai ứng dụng VNeID để mở tài khoản tiết kiệm, xác thực giao dịch thanh toán và đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.

Từ những kết quả này đã giúp ngành ngân hàng kiểm soát, đánh giá chính xác chủ thể tham gia giao dịch ngân hàng, đánh giá khả năng trả nợ, giảm thời gian, quy trình xác minh, đẩy nhanh quá trình giải ngân cũng như phòng, chống “tín dụng đen”, tội phạm hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng, lừa đảo trên không gian mạng.

Trên lĩnh vực viễn thông, việc ứng dụng dữ liệu về dân cư đã phục vụ xác thực, làm sạch hơn 110,2 triệu dữ liệu thông tin dữ liệu thông tin thuê bao di động cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Vinaphone, Viettel, Mobifone trên tổng số 127 triệu thuê bao, thu về cho ngân sách Nhà nước gần 200 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, kết quả trên còn góp phần chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, xử lý hơn 17 triệu thuê bao có kết quả trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, giảm rủi ro khi mở đăng ký, mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử, đăng ký thực hiện dịch vụ công đồng thời loại bỏ dần tình trạng “sim rác”, tội phạm lừa đảo, đe dọa, vu khống…

Thống kê của Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cấp bộ là 46,36% (tăng 22,14% so với cùng kỳ năm 2023), của địa phương đạt 58,12% (tăng 14,56% so với cùng kỳ năm 2023). Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại bộ, ngành đạt gần 47%, tại địa phương đạt hơn 64%.

Mặc dù đến nay có trên 18 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ tra cứu, khai thác thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, song đánh giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy tỷ lệ này vẫn còn tập, phải tiếp tục được nâng cao. Cụ thể, việc tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần còn rất hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ này ở địa phương mới đạt 10,23% và ở bộ, ngành đạt 1,17% hồ sơ thủ tục hành chính có tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa.

Yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên mảng việc này đó là, các bộ, ngành chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu cần phải sớm số hóa, đẩy nhanh, mạnh mẽ, hoàn thành việc kết nối để gia tăng lợi ích phục vụ người dân và doanh nghiệp trên các lĩnh vực nhất là lĩnh vực thiết yếu, có tác động mạnh mẽ đển phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ tiên quyết phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả của năm 2024 để tạo đà vững chắc và mạnh mẽ cho những mục tiêu phát triển nền kinh tế số trong năm 2025.

Hoàng Phong
.
.
.