Lo mặt bằng “đóng băng” làm tắc kết nối giao thông vành đai
Ngày 4/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức toạ đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng- động lực cho phát triển bứt phá”.
Tại buổi tọa đàm, các khách mời là đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo hai thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và chuyên gia kinh tế đã cùng nhau bàn thảo, đưa ra các giải pháp”gỡ khó” tiến độ hai dự án trọng điểm vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Vấn đề giải phóng mặt bằng là then chốt
Nhấn mạnh vai trò cũng 2 dự án khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước, với mục tiêu đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, thời điểm hiện nay đã chín muồi để thực hiện. Ở 2 dự án này, công tác giải phóng mặt bằng còn khó hơn rất nhiều lần, quy mô lớn, giá trị tiền nhiều.
Cùng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, quyết định làm 2 đường vành đai xuất phát từ thực tiễn cấp bách, không chỉ là quan điểm hiện nay mà còn là quan điểm hướng tới tương lai. Hiện dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông.
Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia nhằm phát triển vùng Thủ đô và vùng TP Hồ Chí Minh - hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất cả nước không chỉ đáp ứng mục tiêu kinh tế mà cả mục tiêu nâng tầm phát triển đô thị. Tuy nhiên, theo vị này, đây cũng là 2 dự án lớn, có phạm vi rộng và tác động ảnh hưởng đến rất nhiều địa phương.
Thông tin thêm, ông Dương Bá Đức, Vụ Phó Vụ Đầu tư (Bộ Tài Chính) cho biết, hiện nay hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, cơ bản, nếu cơ chế đặc thù Quốc hội ra thì sẽ nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Nguồn vốn chắc chắn khi cam kết, Chính phủ, Quốc hội sẽ bảo đảm. Vấn đề là tổ chức triển khai như thế nào?
“Chúng ta đã cam kết và báo cáo Quốc hội trong năm 2021-2025 phải cơ bản hoàn thành do đó không thể có chuyện bố trí nguồn lại kéo dài tiếp. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương phải cùng vào cuộc, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư, tổ chức thi công, tập trung tất cả nguồn lực để làm”, ông Dương Bá Đức nhấn mạnh. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng là công tác rất vướng. Then chốt là nếu chúng ta giải quyết được mặt bằng ổn thì thi công sẽ rất tốt.
Từng địa phương phải đẩy mạnh giải phóng mặt bằng. Khi sử dụng số vốn chưa được thực hiện thì chuyển cho chỗ khác, tránh tình trạng tắc nghẽn nguồn vốn, giải phóng nguồn vốn, đó là linh hoạt. Việc này rất cần thiết, nếu đạt được tính chủ động trong giải phóng mặt bằng thì hiệu quả của dự án sẽ rất cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, để đẩy nhanh dự án thì vấn đề giải phóng mặt bằng là yêu cầu then chốt. Theo đó, bên cạnh sự chỉ đạo của các cơ quan liên quan thì các địa phương cũng cần sự tương hỗ lẫn nhau trong triển khai dự án.
Thực tế với dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, trên tổng số vốn ngân sách địa phương là 28.000 tỷ đồng thì Hà Nội đã chiếm tới hơn 20.000 tỷ đồng. Đó là sự thể hiện hỗ trợ của Hà Nội đối với các địa phương liên quan trong thực hiện dự án.
Giao trách nhiệm cho các địa phương tổ chức thực hiện
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đã kiến nghị cơ chế đặc thù trên cơ sở triển khai cao tốc phía Đông giai đoạn 2 đã được Quốc hội cho phép.
Theo đó, đối với cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, Bộ GTVT đã xin phép cho sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án. Đồng thời, cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Xin phép Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025.
Về phân cấp và tổ chức thực hiện dự án, trước hết phân chia dự án thành các dự án thành phần, giao địa phương tổ chức thực hiện, như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng có ý kiến, giao hai thành phố này chủ trì, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
"Kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định. Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong điều kiện không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.