Đề án 06 góp phần xây dựng xã hội văn minh, phòng ngừa tham nhũng vặt

Kỳ 1: Lật tẩy thủ đoạn trục lợi từ nỗi đau của người dân

Thứ Hai, 31/07/2023, 07:50

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, thông qua việc triển khai xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều đối tượng trục lợi bảo hiểm với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Không chỉ tạo văn minh xã hội, những ứng dụng từ CCCD, VNeID trong Đề án 06 còn góp phần phòng, chống hiệu quả tham nhũng vặt.

Xác thực sinh trắc góp phần làm rõ thủ đoạn trục lợi bảo hiểm

Đường dây lập khống hồ sơ bệnh án nhằm chiếm đoạt, trục lợi tiền bảo hiểm với số tiền lên tới 10 tỷ đồng vừa bị Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, triệt xóa vào cuối tháng 7. Có 3 đối tượng gồm Lê Thị Hà An (SN 1989), Nguyễn Thị Quỳnh Anh (SN 1988) và Thái Thị Mai (SN 1967) đều ở Nghệ An bị cơ quan CSĐT truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hai đối tượng Nguyễn Quốc Việt (SN 1984, trú tại khối 3, thị trấn Tân Kỳ), Trần Đức Lượng (SN 1982, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh) về tội "Giả mạo trong công tác" và "Gian lận bảo hiểm y tế".

Đường dây trên có sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng làm trong lĩnh vực bảo hiểm, bác sĩ tại những bệnh viện. Các đối tượng đã lợi dụng hiểu biết, vị trí công tác lập ra hàng trăm bộ hồ sơ khống trong khám, chữa bệnh nhằm trục lợi bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế để chiếm đoạt số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Kỳ 1: Lật tẩy thủ đoạn trục lợi từ nỗi đau của người dân -0
Cán bộ Công an cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân, giúp người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo minh bạch, phòng chống gian lận, tham nhũng.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bà Lê Minh Lý, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, qua việc xác thực vân tay người làm hồ sơ rút bảo hiểm một lần, đơn vị đã phát hiện 3 trường hợp dùng CCCD giả để trục lợi. Từ tháng 11/2022, thực hiện Đề án 06, tỉnh Bình Dương thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính và đặt lịch làm việc trực tuyến. Sau 8 tháng triển khai, có khoảng 20.000 người nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa được xác thực sinh trắc với bình quân mỗi ngày từ 200-220 người.

Đề cập đến việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên CCCD gắn chip, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá: Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip và trên dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tăng tiện ích, độ chính xác cho người dân, hạ chế và ngăn chặn tiêu cực khi đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ.

Trước đây, cán bộ y tế phải tự xác thực CCCD và thẻ bảo hiểm y tế bằng mắt thường khi đón tiếp bệnh nhân, quy trình phải thực hiện 4 bước. Trong đó, chỉ riêng việc đối chiếu so khớp thông tin bằng mắt thường, nhập thông tin vào hệ thóng, thời gian đi lại ở các địa điểm trên ước tính không dưới 10 phút, ngoài ra còn có thể phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ. Với quy trình xác thực sinh trắc, 4 bước trước đó được rút gọn còn 2 bước do đã kết hợp xác thực sinh trắc và tra cứu thẻ bảo hiểm y tế, phân luồng vào khám chữa bệnh ngay từ đầu. Thời gian trung bình xác thực từ 6-13 giây/lượt thực hiện với độ chính xác rất cao. Chỉ tính thời gian cao điểm triển khai thí điểm tại bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình và Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới (từ 5/4- 31/5) đã có 18.412 lượt thực hiện xác thực sinh trắc vân tay, chiếm 68% tổng số người dân từ đủ 14 tuổi trở lên đến khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Lợi ích của việc triển khai xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng rất to lớn. Trước đây cán bộ tại bộ phận "một cửa" phải tự kiểm tra xem CCCD thật hay giả và không có cơ sở gì để xác định chính xác; tự kiểm tra người xuất trình CCCD và thông tin trên CCCD có phải là một hay không, thì nay tại những đơn vị triển khai thí điểm đã bố trí riêng quầy thực hiện sinh trắc khi người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp (hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cấp lại sổ, điều chỉnh sổ, gộp sổ…).

Theo đó, khi đến nộp hồ sơ, người dân sẽ được cán bộ bộ phận "một cửa" hướng dẫn đến quầy sinh trắc trước khi thực hiện quy trình nộp hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện đối chiếu hồ sơ và sinh trắc vân tay với CCCD gắn chip. Trường hợp sinh trắc thành công, cán bộ tiếp nhận hồ sơ thực hiện lưu lại thông tin để đảm bảo trong quá trình xử lý hồ sơ và tra cứu hồ sơ sau này, tiếp nhận hồ sơ theo quy định. Trong quá trình thí điểm, các cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện sinh trắc cho trên 16.000 người đến nộp hồ sơ, qua đó phát hiện 3 trường hợp sử dụng thẻ CCCD giả để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại Bình Dương.

Gia tăng những giá trị và lợi ích

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ tổ chức giữa tháng 7 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đánh giá là một trong số ít đơn vị đầu tiên tham gia kết nối, đồng bộ, xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hơn 88 triệu thông tin nhân khẩu (trong đó có hơn 78 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ chiếm 91% tổng số người tham gia) được xác thực đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng bộ 124 triệu bản ghi thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng bộ 124 triệu bản ghi thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ hiển thị thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội và sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đây là tiền đề quan trọng để cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip và dữ liệu Cơ sở quốc gia về dân cư vào các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Việc triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip đã được triển khai ở 12.504 cơ sở khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ 97,6% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Đã có trên 31 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua CCCD gắn chip thành công phục vụ khám chữa bệnh. Với việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip và ứng dụng VNeID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giúp tiết kiệm chi phí in ấn thẻ bảo hiểm y tế lên tới gần 5 tỷ đồng. Thống kê, số lượng thẻ bảo hiểm y tế cấp mới, cấp lại năm 2022 là 9,9 triệu thẻ đã không phải in mới.

Khi liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng được triển khai thí điểm ở 2 tỉnh Hà Nội và Hà Nam, đã tiếp nhận và giải quyết 42.649 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và 1.465 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí. Như vậy, với việc thực hiện 1 lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, chỉ tính riêng số lượng hồ sơ trong quá trình triển khai làm điểm đã giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân ước khoảng 8,2 tỷ đồng.

Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, công dân nộp hồ sơ thực hiện 3 thủ tục hành chính cùng lúc, không phải khai báo, cung cấp thông tin nhiều lần, đã cắt giảm 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin. Cùng với việc đem lại lợi ích cho người dân, còn góp phần giúp cơ quan Nhà nước hạn chế, phòng ngừa tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, tránh tình trạng "tham nhũng vặt".

Thời gian tới khi triển khai 2 dịch vụ công liên thông này ra toàn quốc, số tiền tiết kiệm chi phí về thủ tục hành chính cho người dân sẽ là rất lớn, ước chừng hàng trăm tỷ đồng. Khi thực hiện những dịch vụ công liên thông trên hoàn toàn trên môi trường số giúp người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ chính quyền các cấp, ngăn ngừa việc "tham nhũng vặt", người dân cũng không phải đi lại, vất vả, khó khăn, tiết kiệm thời gian, công sức…

Đánh giá về những lợi ích của Đề án 06 trong phòng, chống tham nhũng, cụ thể là việc ứng dụng CCCD, VNeID với công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định: Lợi ích thứ nhất là giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ người dân phải mang theo khi làm thủ tục cũng như hỗ trợ tối đa nhân viên y tế. Chỉ tính với 10.115 lượt xác thực sinh trắc thành công trong thời gian triển khai thí điểm, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh vào khoảng 268 triệu đồng. Với 170 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng năm nếu triển khai đồng loạt trong thời gian tới sẽ tiết kiệm cho người bệnh con số lên tới 4.500 tỷ đồng mỗi năm.

Lợi ích thứ 2 đó chính là đảm bảo công bằng trong việc lấy số thứ tự vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cùng với đó, góp phần giảm tải thời gian, hiện tượng ùn tắc cho cơ sở y tế tại bộ phận tiếp đón và khắc phục được tình trạng mượn thẻ bảo hiểm y tế. Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cùng triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc sẽ giúp nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu. Quá trình thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử hạn chế gian lận, trục lợi trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nâng cao công tác quản lý Nhà nước cũng như đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân.

(Còn nữa)

Hoàng Phong
.
.
.