Hoàn thiện khung khổ pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả

Thứ Sáu, 18/11/2022, 08:04

Ngày nay, với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội, tin giả đã và đang gây ra nhiều mối hiểm họa. Tin giả, xấu độc không những có sức công phá nền kinh tế mà còn đe dọa đến an toàn, an ninh của mỗi quốc gia. Trong phạm vi nhỏ hơn là quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân, tin giả cũng gây ra những tác hại khôn lường.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh câu chuyện doanh nghiệp phải chủ động xây dựng chiến lược để bảo vệ mình trước tin độc, tin giả thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần hoàn thiện khung khổ pháp lí để xử phạt mạnh tay hơn nữa đối với những hành vi tung tin giả gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng uy tín cá nhân và doanh nghiệp.

Tin giả- “bóng ma” đối với doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Khi mà những tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp hay là những thông tin sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức doanh nghiệp có thể phải lĩnh hậu quả ngay.

fake-news.jpeg -0
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, doanh nghiệp cần chủ động có chiến lược ứng phó với tin giả. Ảnh minh hoạ.

Hệ quả là cổ phiếu của doanh nghiệp có thể xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về "sức khỏe" của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, gây nên rất nhiều đối tác có thể cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động, tức là tin giả nhưng hậu quả rất thật. Và những yếu tố này gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp, nhưng điều đáng ngại hơn là tác động của tin giả này là nhiều lúc doanh nghiệp như đối đầu với "bóng ma".

Nó có thể làm cho một doanh nghiệp có thể sụp đổ, làm mất thương hiệu đã được tạo lập rất nhiều năm. Hiện nay, tin giả về doanh nghiệp thường xuất hiện theo 2 hướng. Một là đánh vào chất lượng sản phẩm và hai là đánh vào người lãnh đạo doanh nghiệp như bị bệnh hay bị bắt. Đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực để giải quyết vấn đề này.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect chia sẻ: Trong giai đoạn vừa qua, khi thị trường chứng khoán có nhiều biến động thì Vndirect cũng chịu rất nhiều thông tin sai lệch, bao gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về hoạt động tư vấn cho khách hàng, rồi cả những thông tin khác như Chủ tịch và Tổng giám đốc Vndirect bị bắt…

Trước những rủi ro đó, thay vì né tránh, Vndirect đã chọn cách đối mặt trực tiếp bằng cách truyền thông lại thông qua hình thức có thể là email, trao đổi trực tiếp và quan trọng nhất là truyền thông đến nhân viên của mình, đến các đối tác của mình, vì đó là những người gắn bó cùng với doanh nghiệp, những người rất tin tưởng vào mình, những người có khả năng giúp mình đính chính lại thông tin.

Bên cạnh đó, đối với những thông tin sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp, tác động tới cảm xúc của nhà đầu tư, công ty cũng đã chọn cách liên hệ trực tiếp với họ ngay khi có thông tin sai lệch để trao đổi, tư vấn, giải tích thấu đáo. Bước đầu những biện pháp này đã mang lại hiệu quả nhất định, giúp cho nhà đầu tư bình ổn lại tâm lý, bình tĩnh trở lại.

Đồng tình với cách thức doanh nghiệp chọn đối mặt trước tin đồn, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh: Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch và chủ động. Theo ông Vinh, trước một vấn đề mà công chúng đang quan tâm, thắc mắc, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp phải chủ động đưa ra thông tin ngay khi mình đo lường sức nóng vấn đề thì nó mới tạo ra niềm tin cho công chúng. Truyền thông bây giờ là đi bước một bước, đi trước là dự báo được câu chuyện gì sẽ cần phải nói, thông tin gì sẽ cần phải nói. Điều gì không phải là bí mật của doanh nghiệp, tổ chức thì phải đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các kênh truyền thông của chính mình như trên các trang điện tử, trang web, fanpage. Nếu có một chiến lược truyền thông thay đổi chủ động, tích cực, minh bạch thì tin đồn sẽ ít đất sống.

Cần sửa quy định về bồi thường thiệt hại do tin giả gây ra

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong việc xử lý tin đồn, tin giả, tin thất thiệt, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ. Pháp luật cũng phân định rất rõ, nếu anh lan truyền tin giả chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử lý vi phạm hành chính, mức phạt cũng lên đến mấy chục triệu, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm hay thiệt hại vật chất cho tổ chức, cá nhân thì hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự.

Đặc biệt, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, người ta cũng phân ra, ông chủ mưu đương nhiên là phải khác, ông thu lợi bất chính nhiều thì vai trò cũng khác đi, mức án cũng khác. Tuy vậy, để tăng sức răn đe, luật sư Nguyễn Danh Huế đề xuất nên sửa luật về bồi thường thiệt hại để có thêm công cụ pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Hiện nay, có tổ chức, doanh nghiệp bị tung tin đồn sai sự thật dẫn đến bị thiệt hại, để xác minh thiệt hại thì theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng rất lạc hậu. Để doanh nghiệp chứng minh thiệt hại đó là rất khó, đôi khi là cần hóa đơn, chứng từ, rồi rất nhiều quy trình tố tụng, ra toà còn xem xét, cân lên đặt xuống, "được vạ thì má sưng", nên chúng ta cần phải sửa cả pháp luật về bồi thường thiệt hại để khi có thiệt hại xảy ra, mà chỉ chứng minh đấy là thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp đã phải bỏ ra thì tòa phải chấp nhận.

Về quy trình tố tụng, đôi khi có những vụ rõ ràng rồi nhưng quy trình kiện dân sự, đâu đó có những phiên toà mất 1 năm sơ thẩm, sau đó đương sự kháng cáo mất thêm 1 năm nữa, xong có bản án cũng không biết bao giờ mới thi hành án được, đây cũng là bất cập của pháp luật mà nhiều doanh nghiệp bị vi phạm, bị thiệt hại về quyền lợi nhưng họ không dùng các công cụ pháp luật bảo vệ, bởi rất mất thời gian, tốn kém vật chất, hiệu quả không biết thế nào”- ông Huế chia sẻ.

 Đồng quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Cần phải khuyến khích cơ chế kiện đòi bồi thường đối với những vụ việc doanh nghiệp, tổ chức bị thiệt hai do tin đồn gây ra. Trong bối cảnh Internet, có thể chúng ta phải thay đổi, cải cách tư pháp làm sao có những phiên xử rút gọn, nhanh, đúng với tinh thần trên giao dịch hiện nay bởi hiện nay một giao dịch trên mạng xã hội mất có vài giây trong khi đó chúng ta xét xử tranh chấp đến hàng năm, điều này không tương thích. Chúng ta phải có cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, rõ ràng.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát Thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong 5 năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã tăng cường rất nhiều các biện pháp kỹ thuật để xác định được nhân thân, tăng cường năng lực rà quét và chủ động rà quét, tăng cường truyền thông về việc xử phạt đối với hành vi tung tin đồn thất thiệt, tin giả. Những giải pháp đồng bộ này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trên thực tế.

Tuy vậy, ông Lê Quang Tự Do cũng thừa nhận, cơ quan quản lý nhà nước đang bị quá tải, không thể đủ sức xử lý hết các vi phạm trong khi cơ chế xử lý ở Tòa án còn đang rất hạn chế. Vấn đề này chúng ta đang tìm cách khắc phục, các quy định pháp luật cũng đang được sửa đổi nhưng rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các bên liên quan.

Hùng Quân
.
.
.