Đề nghị quy định đường cao tốc tối thiểu phải 4 làn đường và có làn dừng khẩn cấp

Thứ Sáu, 15/03/2024, 15:51

Dự thảo Luật Đường bộ mới nhất so với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), đã được chỉnh lý có 87 điều, giảm 5 điều.

Chiều 15/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 30, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng. Dự thảo luật mới nhất so với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), đã được chỉnh lý có 87 điều, giảm 5 điều.

Quy định cao tốc tối thiểu phải 4 làn đường, có làn dừng khẩn cấp là xác đáng

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quy định đường cao tốc tối thiểu phải là 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp. "Thường trực UBQPAN thấy rằng ý kiến nêu trên là xác đáng" – Trung tướng Lê Tấn Tới nói và cho rằng, theo báo cáo, thời gian qua xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên một số tuyến đường cao tốc, trong đó có đường cao tốc chỉ bố trí 2 làn xe (1 làn xe chạy mỗi chiều), không có dải phân cách cứng, gây chú ý trong dư luận. Thực tế, giai đoạn vừa qua, do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe nhằm bảo đảm kết nối thông tuyến, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe khi đưa vào khai thác đã gặp một số khó khăn, bất cập nhất định.

điều hành.jpg -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Từ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe, nhưng việc triển khai theo định hướng này vẫn rất khó khăn do không thể cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện. "Đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực. Mặt khác, đây là vấn đề thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, quy định chi tiết. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị không quy định cụ thể những nội dung này trong dự thảo luật" – Trung tướng Lê Tấn Tới nêu.

Giao Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc

Về phí sử dụng đường cao tốc, Chủ nhiệm UBQPAN cho biết, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết quy định thu phí sử dụng đường cao tốc trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác. Thường trực UBQPAN thấy rằng, để thực hiện chủ trương của Quốc hội tại các Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu phí trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, kết quả cho thấy: các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ; người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn; hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn). Vì vậy, Thường trực UBQPAN nhất trí với nội dung này trong dự thảo Luật Chính phủ trình và đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phí và lệ phí như quy định tại Điều 90 dự thảo Luật.

ltt.jpg -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về phân chia nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ trong trường hợp ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng đầu tư, Thường trực UBQPAN cho rằng, vừa qua Quốc hội đã ban hành một số Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ, đường bộ cao tốc theo phương thức hòa chung ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí hiện hành chưa có quy định về phân chia nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ trong trường hợp này. Vì vậy, để có cơ sở thực hiện phân chia nguồn thu từ phí phù hợp với các dự án đầu tư xây dựng theo phương thức này, “Thường trực UBQPAN đề nghị cho bổ sung khoản 3 Điều 54 giao Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc và khoản 2 Điều 90 quy định sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Phí và lệ phí như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý” – Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới nói.

Ngân sách Trung ương hay địa phương đầu tư phát triển quốc lộ?

Quan tâm đến quy định về phân cấp quản lý ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Ngân sách đã quy định rất chặt chẽ, không phải là thiếu sót của Luật Ngân sách, trong đó ngân sách là thống nhất cấp quốc gia và đảm bảo vai trò chủ đạo ngân sách trung ương. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phê duyệt quy hoạch về phát triển giao thông quốc gia để trong trung và dài hạn phân bổ nguồn lực để quyết tâm hoàn thành theo thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc xương sống nhằm kết nối vùng. Do vậy, ngân sách quốc gia phải tập trung các nguồn lực ngắn hạn và dài hạn để đầu tư các quốc lộ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, an toàn và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển.

đại biểu.jpg -0
đb1.jpg -1
Các đại biểu dự phiên họp.

Còn các địa phương nên tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện, còn trách nhiệm của Trung ương là đầu tư các tuyến quốc lộ để tạo sự kết nối liên thông. Một số địa phương tham gia đầu tư quốc lộ có thể xem xét như trường hợp đặc thù, chứ không phải vì có thể sử dụng ngân sách; dùng ngân sách địa phương này chi cho địa phương khác cũng hết sức hãn hữu, bởi ngân sách là thu chi của một cấp chính quyền do HĐND và nhân dân địa phương đó quyết định, nếu chi phải đúng thẩm quyền và quyết toán được. “Do vậy, chỉ xảy ra trong một số trường hợp như thiên tai, bão lũ, công trình phúc lợi, xã hội, xóa đói giảm nghèo… Vì vậy, không nên luật hóa vào trong luật, nhưng có thể phân cấp để địa phương tham gia vào quá trình đầu tư, tham gia vào quá trình giải phóng mặt bằng; nếu đủ điều kiện có thể làm chủ đầu tư cao tốc, nhưng đây vẫn chủ yếu là trách nhiệm của ngân sách quốc gia” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, những năm qua, các địa phương thu ngân sách cao, có điều kiện tốt, nên Quốc hội đã thống nhất chủ trương sử dụng phần ngân sách của các tỉnh để tham gia cùng ngân sách trung ương, thực hiện việc xây dựng một số đường quốc lộ. Tuy nhiên, về lâu dài, ngân sách của trung ương cơ bản giữ vai trò chủ đạo. Việc tập trung nguồn lực quốc gia để xây dựng hệ thống cao tốc quốc lộ trong những năm gần đây và trong thời gian sắp tới cũng chỉ tiếp tục trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, việc phối hợp ngân sách địa phương và Ngân sách trung ương là tạm thời trong hoàn cảnh trước mắt, không nên vì tình hình đó mà sửa nguyên tắc trong Luật Ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục cùng với Chính phủ tiếp thu các nội dung để hoàn thiện dự án Luật Đường bộ.

Phương Thuỷ
.
.
.