Đề án 06 đã giúp giảm hơn 700 thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thứ Ba, 16/07/2024, 05:42

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đề án 06 của Chính phủ đã giúp các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa được 207 thủ tục hành chính (TTHC) tại 23 văn bản quy phạm pháp luật. Đây là kết quả rất lớn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ" của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 ngay từ khi đề án được triển khai.

Nhiều "điểm sáng" trong cải cách TTHC

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án 06 chính là giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Theo lộ trình Đề án 06 và các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đến năm 2025 sẽ có 100% các dịch vụ công trực tuyến theo quy định của pháp luật được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% người dân khi thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử, không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được gắn số định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC...

dang ky thi.jpg -0
Hơn 1 triệu thí sinh đã đăng ký thi THPT, đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 với phương châm "Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; Sự chủ động, tích cực vào cuộc của những người đứng đầu và việc triển khai Đề án 06 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định", qua 6 tháng 2024 triển khai Đề án 06, đã cho các kết quả đột phá và được thể hiện bằng các kết quả, con số "biết nói".

Bằng việc triển khai hiệu quả Đề án 06 đã giúp các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa được 207 TTHC. Tính đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 793/1.084 TTHC được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư (đạt tỷ lệ 73,15%). Đã có 7 bộ, cơ quan hoàn thành thực hiện 100% phương án đơn giản hóa TTHC. 9 bộ, cơ quan đạt trên 50%; 3 bộ đạt dưới 50%. Trong những kết quả đáng tự hào trên TP Hà Nội được xem là "điểm sáng" khi là địa phương dẫn đầu cả nước thực hiện phương án "ủy quyền giải quyết TTHC" với hơn 600 thủ tục được thực hiện ủy quyền từ thành phố về các sở, ngành; từ các sở ngành về UBND các quận, huyện, thụ xã và UBND cấp xã, thời gian ủy quyền tiếp tục tới hết năm 2025.

Cổng dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; cung cấp 4.535/6.283 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm 72,2% tổng số TTHC). Có hơn 16,39 triệu tài khoản (tăng 1,46 lần so với tháng 12/2023); hơn 328 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng 1,22 lần so với so với tháng 12/2023), hơn 28,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 14.528 tỷ đồng (tăng 1,35 lần so với so với tháng 12/2023). Tính trung bình mỗi ngày, có khoảng 120 nghìn hồ sơ trực tuyến và 60 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia. Về an toàn, an ninh thông tin, Cổng đã được kiểm tra, đánh giá và thực hiện giám sát an toàn thông tin 24/7, giúp phát hiện sớm các cuộc tấn công mạng để tổ chức công tác điều phối ứng cứu sự cố với các đơn vị liên quan hiệu quả, kịp thời.

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công

Theo báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, riêng đối với 76 dịch vụ công thiết yếu quy định tại Đề án 06 và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã hoàn thành, tích hợp, cung cấp 43/76 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhiều dịch vụ công mang tích bước ngoặt như "Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe" đã triển khai toàn trình.

Tính đến 20/6/2024, đã tiếp nhận hơn 350 nghìn hồ sơ đổi giấy phép lái xe, trả kết quả hơn 310 nghìn GPLX (đạt tỷ lệ 88,57%) trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trung bình một ngày cả nước cấp khoảng 1.500 hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân, giảm thiểu tình trạng cò mồi, môi giới. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các bộ, ngành, địa phương cũng đã ghi nhận, đánh giá cao công tác cải cách TTHC của Bộ Công an, lực lượng CSGT liên quan đến lĩnh vực này. Kết quả trên cũng góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ở các bộ, ngành, địa phương khi triển khai Đề án 06. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng biểu dương Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an cùng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cũng như các bộ ngành có liên quan trong việc đẩy mạnh dịch vụ công "Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng" trong thời gian qua. Đây là năm thứ 3 Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai dưới hình thức đăng ký trực tuyến. Tại kỳ thi năm 2024 đã có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 1.029.678 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm tỷ lệ 96,11%, tăng hơn 0,3% so với cùng kỳ năm 2023), tiết kiệm 297,3 tỷ đồng. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp Bộ Công an triển khai thu thập thông tin lịch sử thường trú của thí sinh về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ khai thác dữ liệu dân cư thay thế cho giấy xác nhận cư trú phục vụ xét ưu tiên theo nơi cư trú (đã tổng hợp danh sách 236.000 thí sinh thuộc diện xét ưu tiên theo nơi cư trú, gửi Bộ Công an rà soát, bổ sung thông tin).

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Đối với 2 dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi" đã triển khai chính thức trên toàn quốc từ 10/7/2023, đến nay, đã tiếp nhận 1.052.261 hồ sơ liên thông khai sinh (tăng 618.746 hồ sơ so với tháng 12/2023); 240.772 hồ sơ liên thông khai tử (tăng 206.954 hồ sơ so với tháng 12/2023). Các bộ, ngành và 63 địa phương hiện đang điều chỉnh hệ thống thông tin giải quyết TTHC đảm bảo triển khai Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ. Đến nay, phần mềm liên thông và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của 5 bộ, ngành và TP Cần Thơ đã kết nối và liên thông dữ liệu. Có 9/63 địa phương đã hoàn thành điều chỉnh theo đề nghị của Bộ Công an, hiện đang điều chỉnh theo đề nghị của Bộ Tư pháp.

Việc thu hút người dân tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được các địa phương quan tâm. Đã có 62/63 địa phương tham mưu HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí (tăng 9 địa phương so với tháng 12/2023). Đặc biệt, có 4 địa phương đã thông qua chính sách áp dụng mức phí "không đồng" đối với các TTHC. Riêng tại Hà Nội, việc áp dụng mức thu phí "không đồng" dự kiến ngân sách sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 37 tỷ đồng/năm.

Đã có 83,5% điểm bưu điện/bưu cục trong hệ thống mạng bưu chính thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC và hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến với trên 1,3 triệu lượt hướng dẫn. Về việc triển khai giải pháp chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ 1/7/2024 đã được Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo đến các bộ, ngành. Hiện, Bộ Công an đã thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 5 triệu tài khoản so với tháng 12/2023), vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trên 35 triệu tài khoản trước 1 năm; kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử. Bộ Công an cũng đã cung cấp 10 tiện ích trên VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với hơn 246,3 triệu lượt truy cập. Trung bình mỗi ngày có hơn 1,5 triệu lượt truy cập vào VNeID.

Hoàng Phong - Vũ Linh
.
.
.