Đại biểu dự hội thảo tố ngành Thuế, Hải quan “còn nhũng nhiễu, phức tạp”

Thứ Sáu, 08/04/2022, 08:05

Nhiều vấn đề nóng được nêu tại Diễn đàn: "Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", được Thời báo Tài chính Việt Nam và Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp tổ chức ngày 7/4.

Diễn đàn được tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các nhà đầu tư hiểu rõ chính sách tài khoá hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chỉ ra các cơ hội đối với DN cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Hỗ trợ doanh nghiệp, không phân biệt trong và ngoài nước

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, xã hội của DN, người dân, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua. Ngay khi dịch COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp, chính sách về tài khoá nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch.

Chia sẻ thêm về các chính sách thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết hiện đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất và nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

“Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng. Khoản gia hạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với DN, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính, sự hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thuận lợi cho DN, các tổ chức kinh tế và người dân”, ông Minh thông tin.

Trước thắc mắc liệu có sự khác nhau giữa việc hỗ trợ DN trong và ngoài nước, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, các chính sách ở Việt Nam, trong đó có chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuế đất đều đã được áp dụng thống nhất, không có sự phân biệt giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong gói giải pháp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội bao gồm nhiều giải pháp riêng theo từng lĩnh vực và được cụ thể hóa để thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội thông tin: “Các DN có ý kiến nên thay đổi thời gian áp dụng việc giảm 30% thuế thu nhập DN. Nên tính đến thời điểm trước khi xảy ra COVID, do trong dịch bệnh, các DN đều không ghi nhận thu nhập. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan quản lý sớm ban hành các thông tư trước khi áp dụng các chính sách mới như việc giảm thuế VAT xuống 8%, qua đó tránh gây những mâu thuẫn, lúng túng”.

Còn GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE thì cho rằng, về thủ tục hành chính, dù nói cắt giảm nhưng mỗi khi có luật mới, nghị định mới được ban hành là lại có thủ tục mới và bao giờ cũng phức tạp hơn thủ tục cũ. Chưa kể, ngành Thuế và Hải quan thủ tục vẫn rất phức tạp, còn hiện tượng nhũng nhiễu; một số nơi đang làm nhưng tinh giản bộ máy dường như do ảnh hưởng dịch bệnh nên làm quá chậm.

Giải đáp về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã nghe ý kiến của các DN.“Chúng tôi xin tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền với lãnh đạo Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc cho DN phát triển, đồng thời chúng tôi cũng suy nghĩ về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước phát triển, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Phớc cho biết.

1.jpg -0
Chính sách thuế, phí được áp dụng thống nhất, không phân biệt doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Không lấy chênh lệch giá xăng làm nguồn thu

Trước tình hình giá xăng tăng cao gây áp lực lên nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm kiềm chế giá dầu nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ DN, nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng. “Xăng dầu là mạch máu cho giao thông. Giao thông vận tải chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh nhưng nay vừa bắt đầu phục hồi thì bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Trong 2-3 tháng giá xăng dầu tăng mạnh đã ảnh hưởng tới giao thông vận tải, nhiều DN phải sản xuất cầm chừng, hoặc dừng sản xuất. Đó là nguy cơ lớn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, toàn bộ hệ thống giao thông vận tải ách tắc thì phải đặt tầm quan trọng đủ để giải quyết giá xăng dầu nhanh, kịp thời để phát triển giao thông, vận tải”, GS Nguyễn Mại đặt vấn đề.

Vị GS này nêu 3 quan điểm. Một là quan điểm hệ thống toàn diện, không chỉ tính tới thu chi ngân sách mà cần coi đó là vấn đề phục hồi kinh tế. Hai là cần có quan điểm hỗ trợ cho DN phục hồi để kinh tế phát triển. Ba là tính tới lợi và hại: Petrovietnam tăng thu, tăng nộp thuế rất cao trong quý đầu năm thì phải tính đến nếu giải quyết bài toán xăng dầu để DN vận tải phát triển, họ cũng sẽ nộp cho ngân sách, không phải nhận trợ cấp nữa.

Giải đáp trực tiếp, Bộ trưởng Tài chính khẳng định: "Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế". Theo ông Phớc, Bộ Tài chính luôn có tính toán để làm sao đảm bảo tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế.

Hà An
.
.
.