Đại biểu đề nghị thu tiền xét nghiệm sàng lọc, điều trị COVID -19
Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ kinh phí xét nghiệm, sàng lọc COVID-19, giảm gánh nặng ngân sách.
Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Trong danh sách đăng ký, còn 61 đại biểu chờ phát biểu. Sau ngày thảo luận đầu tiên, đã có 60 đại biểu phát biểu ý kiến.
Kiến nghị thu một phần chi phí xét nghiệm, điều trị COVID-19
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, Chính phủ đã vận động linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Việc chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt sang trạng thái bình thường mới đang đặt ra vấn đề cần phải tập trung giải quyết, trong đó người dân tiếp tục là chủ thể phải thích ứng vì vậy cần có giải pháp nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ bản than và bảo vệ cộng đồng.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng chống dịch để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế nhanh chóng phục hồi; tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các giải pháp, khuyến cáo ngành chức năng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa đảm bảo đời sống, sản xuất người dân.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; tiếp tục rà soát bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo trước tình hình diễn biến dịch phức tạp theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, điều kiện hỗ trợ, nghiên cứu hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các nhóm đối tượng là lao động tự do, vì ngân sách địa phương đã dành phần nhiều cho công tác phòng chống dịch.
Rà soát điều chỉnh các chính sách hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đảm bảo sức khỏe, động viên tinh thần hơn nữa lực lượng này; có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trước mắt và lâu dài như tiếp tục tiêm vaccine cho trẻ em, trẻ vị thành niên. Quan tâm hỗ trợ trẻ bị mồ côi do cha mẹ mất vì dịch bệnh được phát triển toàn diện.
Đại biểu Thái Thu Xương kiến nghị cần có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ kinh phí xét nghiệm, sàng lọc, điều trị COVID -19, nhằm làm giảm gánh nặng cho ngân sách.
Đồng tình với quan điểm điều chỉnh phù hợp biện pháp chống dịch, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) thẳng thắn chỉ ra những vấn đề như công tác dự báo tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng, nhiều tỉnh ban hành quy định không nhất quán, gây khó khăn cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, tỉ lệ tiêm chủng vaccine nhiều địa phương còn thấp...
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên xem xét, đánh giá lại quy định tạm thời về việc phê chuẩn an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh, giảm số ca mắc, giảm số ca tử vong trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
“Từ thực tế người từ các tỉnh phía Nam trở về quê, dù nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, được cách ly tại nhà nhưng do điều kiện gia đình, do ý thức hạn chế nên đã làm lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, dẫn đến phát sinh các ổ dịch khó kiểm soát” – đại biểu cho biết và kiến nghị những nơi có điều kiện vẫn nên cho cách ly tập trung để tránh lây lan cho cộng đồng.
“Kinh phí cho việc xét nghiệm, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao là rất lớn, nhất là tại các bệnh viện. Nếu như không có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ đối với xét nghiệm, sàng lọc các đối tượng nêu trên thì sẽ là gánh nặng cho các cơ sở khám, chữa bệnh và ngân sách địa phương” – đại biểu đề nghị
Có giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học trực tuyến
Nói về vấn đề dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đề nghị cần tìm ra các giải pháp phù hợp hơn công tác giáo dục trong thời điểm hiện nay. “Việc dạy học trực tuyến đã được triển khai trên toàn quốc, tuy nhiên vẫn còn một số em học sinh rất khó khăn trong tiếp cận tiểu học việc học trực tuyến do nhiều nguyên nhân khác nhau, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, phải có giải pháp, chính sách đảm bảo sự đồng đều việc tiếp cận và đảm bảo chất lượng học tập của học sinh trong điều kiện hiện nay” – đại biểu kiến nghị.
Đồng thời cho rằng, cần phải triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa để nâng cao chất lượng bài giảng, phát huy khả năng tự học của học sinh và sinh viên.
Cũng phát biểu về nội dung dạy và học trong bối cảnh dịch bùng phát, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đánh giá việc học online không thể thay thể việc học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu để đảm bảo cung cấp kiến thức và an toàn cho người học.
Về những tồn tại, đại biểu Nguyễn Thị Hà kể ra việc đường truyền không ổn định, thầy cô giáo lớn tuổi gặp khó khi sử dụng công nghệ, thiết bị còn hạn chế cả về chất và lượng, việc quản lý học sinh chưa hiệu quả. Theo đại biểu, việc học trực tuyến kéo dài còn gây nên những tác động tiêu cực tới sức khỏe của cả người dạy và người học. Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng do bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè. “Đặc biệt, giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy, trăm mắt nhìn, khán thính giả không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh, dư luận và cả mạng xã hội”, bà Hà nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng kiến nghị cơ quan chuyên môn cần xem xét lại tình trạng nhiều thí sinh điểm rất cao, điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt đại học do một số trường có điểm chuẩn tăng mạnh.