Tiếp tục thảo luận về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Thứ Ba, 19/10/2021, 09:15

Mặc dù xác định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là vô cùng cần thiết nhưng đến nay, khi dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chuẩn bị được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đây vẫn là một trong những vấn đề được cho là cần tiếp tục thảo luận.

Theo dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt. Quỹ được hình thành từ vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; nguồn thu trích tỷ lệ phần trăm từ tổng thu thuế VAT của hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh; nguồn thu từ phát hành và phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước, sau khi đã trừ chi phí phát hành và các chi phí khác theo quy định hiện hành; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Việc thành lập và vận hành Quỹ nhằm xúc tiến điện ảnh, hỗ trợ quảng bá điện ảnh Việt Nam  ra nước ngoài. Quỹ hỗ trợ cho các dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của các tác giả trẻ và hỗ trợ cho các dự án sản xuất phim tiếp theo của nhà sản xuất, đạo diễn có phim đạt giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, có hiệu quả xã hội. Quỹ còn hỗ trợ hoạt động quảng bá, phát hành, phổ biến phim Việt Nam ở trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển tài năng trẻ và nguồn nhân lực điện ảnh.

quy-dien-anh.jpg -0
Cảnh phim “Miền ký ức” – tác phẩm dự Liên hoan phim Busan 2021.

Mới đây, thay mặt Ban tổ chức “Ai góp ý giơ tay lên” số 2 – diễn đàn góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng cần có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và quỹ cần được quản lý bởi Hội đồng chuyên môn. Bởi lẽ, Luật Điện ảnh hiện hành hầu như không có điều khoản nào cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để làm những phim có tính nghệ thuật hoặc hỗ trợ đưa phim đi dự các Liên hoan phim. Nếu không có quỹ để phục vụ cho mục đích đó thì có thể dẫn đến việc Nhà nước hoàn toàn đứng ngoài các tác phẩm có thể đưa tiếng nói Việt Nam, xác lập vị thế văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế…

Khẳng định sự cần thiết của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, tuy nhiên, quỹ lấy vốn từ đâu và vận hành như thế nào để thực sự hiệu quả lại là băn khoăn chung của nhiều người làm điện ảnh. Trao đổi tại toạ đàm “Luật Điện ảnh (sửa đổi) với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam” mới đây, bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment cho rằng, doanh nhân trong lĩnh vực điện ảnh muốn ủng hộ điện ảnh nước nhà, muốn ủng hộ quỹ và có thể kêu gọi doanh nghiệp đóng quỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn về hiệu quả hoạt động của quỹ, về việc họ sẽ được điều gì khi đóng góp vào quỹ chung… Bà Lê Thị Phương Thảo cũng cho rằng, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, doanh nghiệp nào cũng khó khăn nên việc lập quỹ sẽ không được tất cả các doanh nghiệp ủng hộ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông nhận định: Quy định doanh nghiệp tư nhân đóng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh làm khó cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, 2 năm vừa qua, doanh nghiệp điện ảnh “đóng băng” vì dịch bệnh, đã rất khó khăn. 

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực điện ảnh, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết, khi Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được đưa vào Luật Điện ảnh 2006 đã tạo nên tâm lý tích cực, sự hy vọng lớn đối với điện ảnh, đặc biệt những nhà làm phim trẻ và những người yêu nghệ thuật điện ảnh nhưng thực tế còn nhiều khó khăn nên chưa hình thành được. Lần này ban soạn thảo vẫn đưa vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) bởi nhiều lý do. Bảo vệ xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo luật cũng là bảo vệ mong muốn, nguyện vọng, tâm huyết của toàn ngành điện ảnh trong việc hỗ trợ các nhà làm phim trẻ, những người yêu nghệ thuật cần sự hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đưa vào dự thảo luật, ban soạn thảo cũng cho rằng, theo sự phát triển của các chính sách hiện nay, quỹ này có thể không hoàn toàn sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện mục tiêu điện ảnh. Việc tiếp tục đề xuất xây dựng quỹ, ban soạn thảo cũng mong muốn nhận được sự góp ý của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia.

Bày tỏ chia sẻ với các tổ chức, cá nhân về mong muốn có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, khi tiếp cận với nội dung dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Ủy ban có những băn khoăn, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc. Cụ thể, một số nhiệm vụ chi, thu cho quỹ trong dự thảo có thể trùng với nhiệm vụ chi, nhiệm vụ thu của ngân sách nhà nước. Nguồn để hình thành quỹ, khả năng độc lập chưa cao, tính ổn định chưa rõ. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến đặt ra nguồn lực của nhà nước có bảo đảm không? Đặc biệt, nguồn hỗ trợ, tài trợ, nguồn thu từ tổ chức, cá nhân cũng khá khó khăn... Khi quy định nguồn thu như thế, ban soạn thảo đã đánh giá kỹ tác động chưa, có khả thi hay không, có ảnh hưởng đến doanh nghiệp hay không, có ổn định, độc lập để duy trì lâu dài hay không? Làm thế nào để bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý quỹ hiệu quả, đáp ứng mong mỏi, niềm tin của các tổ chức cá nhân? Vì thế, nếu quy định trong luật thì phải rà soát, hoàn thiện thêm, làm rõ những băn khoăn đặt ra. Hiện tại, quy định về quỹ cũng là 1 trong 3 nội dung cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra thống nhất trình ra Quốc hội thảo luận…

N.Nguyễn
.
.
.