Công cuộc “xóa đói, giảm nghèo” trong giáo dục là vấn đề cần nhìn thẳng

Thứ Sáu, 23/12/2022, 18:57

Trong khi các vùng khác đã đi xa thì chúng ta vẫn đang “xóa đói, giảm nghèo” trong giáo dục”. Công cuộc “xóa đói, giảm nghèo” trong giáo dục sẽ là vấn đề cần nhìn thẳng, cần đối mặt của cả vùng trong giai đoạn tới đây.

Ngày 23/12, tại tỉnh Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Diện tích toàn vùng chiếm 35% diện tích cả nước, dân số chiếm hơn 15% cả nước, đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,2%, địa hình phần lớn khó khăn, trắc trở, đến nay, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước.

bộ trưởng bộ gd đt nguyễn kim sơn phát biểu tại hội nghị.jpg -0
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần ưu tiên đột phá là giải pháp chính sách cho giáo viên.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2021-2022, 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có trên 3,3 triệu trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%, đứng thứ nhất toàn quốc. Tỷ lệ học sinh tiểu học đến trường đạt 99,9%, tương đương so với mức bình quân chung cả nước và tương đương với các vùng khác. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS cao hơn trung bình chung cả nước và chỉ đứng sau Đồng bằng sông Hồng. Đến nay, về cơ bản, toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban dân tộc hầu a lềnh phát biểu tại hội nghị.jpg -0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị.

Mặc dù thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước tăng 40,2% so với năm 2011, trong đó, tổng chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 88,5%.

Nhìn chung, dù đã có nhiều nỗ lực, song vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng” và là “lõi nghèo” của cả nước. Giáo dục và đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của vùng thấp nhất cả nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gắn liền với giáo dục dân tộc thiểu số, có những đặc thù khác với các vùng khác, khi số lượng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn nhiều nhất cả nước, số xã đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước. Bộ trưởng Hầu A Lềnh mong rằng, những chính sách sẽ sớm được cụ thể hóa thành các đề tài, đề án triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Chúng ra cần rà soát từng vấn đề khó khăn, phân tích nguyên nhân để tìm giải pháp khả thi”.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhắc tới Chiến lược giáo dục với 3 vấn đề chung cần quan tâm. Thứ nhất: Kinh tế đất nước phát triển ngày càng nhanh hơn, đặt ra yêu cầu cao cả về cơ cấu, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Thứ hai: Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, vậy phương thức phát triển có thay đổi như thế nào? Ngành Giáo dục có định hướng, lộ trình ra sao? Thứ 3: Kiến thức mới hiện rất nhiều, khối lượng kiến thức phong phú, vậy cách tiếp cận giáo dục sẽ thay đổi thế nào cho phù hợp?...

chủ nhiệm ủy ban văn hóa, giáo dục của quốc hội nguyễn đắc vinh phát biểu tại hội nghị.jpg -0
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Vấn đề số 1 của chúng ta là phổ cập dân trí mới là quan trọng hàng đầu, sau đó mới nói về các câu chuyện khác. Mục tiêu là giảm thấp nhất mù chữ, tái mù chữ. Con em đồng bào dân tộc được đi học, có con chữ, có trình độ giáo dục tối thiểu để có thể thay đổi được đời sống của chính mình”, Bộ trưởng nói và cho biết, vấn đề cần ưu tiên đột phá là chính sách về giáo viên - bằng mọi biện pháp giải quyết các vấn đề đặt ra về giáo viên, số lượng, chất lượng và cơ sở vật chất, trường lớp, để cố gắng đến năm 2030 toàn vùng sẽ không còn phòng học tạm.

“Bên cạnh việc chúng ta đầu tư cho một số trường, các trung tâm, các trường chuyên, các trường phục vụ cho mục tiêu mũi nhọn, nhưng ở những vùng khác vẫn để phòng tạm, nhà mượn là điều khó chấp nhận được. Do đó, mong các địa phương lưu ý, lãnh đạo các địa phương chia sẻ. Trước khi hội nhập quốc tế, việc hội nhập quốc gia về giáo dục của vùng cũng rất quan trọng. Việc lớn bắt đầu từ việc nhỏ và chúng ta sẽ bắt đầu làm từ những việc nhỏ, để 3-5 năm tới sẽ nhìn thấy những chuyển biến tốt hơn của giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ,”, Bộ trưởng Sơn lưu ý.

Thu Phương
.
.
.