Ưu tiên quỹ đất cho phát triển giáo dục

Thứ Tư, 28/08/2019, 09:30
Để đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình mới áp dụng từ năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo địa phương quyết liệt, tham mưu chính phủ phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chất, trong đó quy định rõ trách nhiệm của địa phương và sự hỗ trợ của trung ương...

Chỉ còn ít ngày nữa cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2019-2020. Trong điều kiện trên toàn quốc vẫn còn thiếu hàng nghìn phòng học kiên cố, nhiều thành phố lớn đang đứng trước bài toán quá tải sỹ số, quá tải trường học do tốc độ đô thị hóa tăng cao, việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của học sinh, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu triển khai đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021 đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Trước thềm năm học mới, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT xung quanh vấn đề này.

PV: Năm học mới 2019-2020 đang sắp sửa đến gần. Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch, chỉ đạo đối với các địa phương như thế nào để cơ sở vật chất không trở thành nỗi lo đầu năm học mới, thưa ông?

Ông Phạm Hùng Anh: Việc chuẩn bị cơ sở vật chất nói riêng và nhiều lĩnh vực khác cho năm học mới luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà năm nào Bộ GD&ĐT cũng đặt ra và có kế hoạch chỉ đạo cho các địa phương từ rất sớm. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương và nhà trường trong dịp nghỉ hè phải rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất để lên phương án cải tạo nhà cửa, phòng học; rà soát, thống kê cơ sở vật chất hiện có để sữa chữa, bổ sung, thay thế các công trình xuống cấp.

Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục kiên quyết không đưa những công trình xuống cấp vào sử dụng. Nếu như địa phương để xảy ra tình trạng như sụp nhà sụp cửa, trách nhiệm chính sẽ thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Cùng với đó là việc rà soát thiết bị dạy học, xem cái nào hỏng, thiếu để lên kế hoạch bổ sung. Các nội dung này Bộ đều có văn bản chỉ đạo rõ ràng, đầy đủ.

PV: Việc sáp nhập các điểm trường lẻ về điểm trường chính tại các địa phương hiện có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Ông Phạm Hùng Anh: Bộ GD&ĐT hiện đang triên khai rà soát sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các điểm trường lẻ theo Nghị quyết Trung ương. Theo thống kê hiện nay, cả nước còn nhiều điểm trường lẻ chủ yếu tập trung vào mầm non, tiểu học. Thực tế cho thấy, nếu tiếp tục duy trì điểm trường lẻ với quy mô từ 5-7 lớp sẽ khiến học sinh không có cơ hội tiếp cận dịch vụ cao hơn so với điểm trường chính. Việc đầu tư nâng cao chất lượng trường lớp, chất lượng dạy học cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn...

Hiện tại các địa phương đang thực hiện chủ trương này khá tốt, số trường giảm, số phòng học tăng, số cán bộ quản lý giảm. Mặt được của việc tổ chức, sắp xếp lại được nhìn thấy rất rõ, tập trung đầu tư, đưa các cháu đến các điểm trường chính có điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, một số địa phương do thực hiện một cách cơ học, không có sự chuẩn bị nên dẫn đến một số bất hợp lý.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ là không sát nhập các cấp học khác nhau; chỉ sát nhập các trường trong khu vực; không sát nhập cơ học... và mục tiêu của việc sát nhập là phải lấy chất lượng giáo dục đặt lên hàng đầu.

PV: Để triển khai chương trình GDPT mới, có hai điều kiện tối thiểu cần đảm bảo là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất đã và đang được thực hiện thế nào khi chương trình GDPT mới sẽ được áp dụng đối với lớp 1 từ năm 2020-2021, thưa ông?

Ông Phạm Hùng Anh: Hiện nay cơ sở vật chất trường lớp học cả nước tính trung bình đối với mầm non đạt tỷ lệ 0,94-09,95 phòng học trên lớp, tiểu học đạt khoảng 0,96 phòng học trên lớp. Đối với việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho bậc tiểu học học 2 buổi/ngày, cơ bản có đủ bởi với tiểu học đạt 72% của 0.96 là phòng học kiên cố hóa, xấp xỉ 25% là phòng học bán kiên cố, phòng học tạm.

Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT.

Để đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình mới áp dụng từ năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo địa phương quyết liệt, tham mưu chính phủ phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chất, trong đó quy định rõ trách nhiệm của địa phương và sự hỗ trợ của trung ương.  

PV: Khi triển khai chương trình GDPT mới, các địa phương cần ưu tiên cho các hạng mục nào, phải lưu ý gì để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, lãng phí, thưa ông?

Ông Phạm Hùng Anh: Việc triển khai chương trình GDPT mới sẽ được thực hiện đầu tiên đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021. Do vậy, nhiệm vụ được ưu tiên đầu tiên là tập trung đáp ứng phòng học cho lớp 1 học 2 buổi/ngày, kế tiếp ưu tiên đối với các lớp học khác ở bậc tiểu học theo lộ trình triển khai chương trình. Sau đó, mới tập trung ưu tiên cho phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm ở bậc THCS và THPT.

Quá trình chuẩn bị này được thực hiện theo Quyết định 136 của Chính phủ nhằm tránh trường hợp cơ sở giáo dục, địa phương khi có kinh phí không chuẩn bị cho lớp 1 mà lại ưu tiên cho phòng học bộ môn dẫn đến tình trạng lãng phí. 

PV: Tình trạng quá tải sỹ số đang diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn, nơi có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Theo ông, Hà Nội và các địa phương cần phải giải quyết bài toán quá tải sĩ số, quá tải trường lớp như thế nào.

Ông Phạm Hùng Anh: Hiện các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang đứng trước bài toán mật độ dân số đông, cơ sở giáo dục thiếu quỹ đất dẫn đến quá tải trường lớp, tỷ lệ học sinh trên lớp quá đông. Đơn cử như tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), trong quy hoạch phát triển năm 2020 dự kiến khoảng 25 vạn dân, nhưng đến thời điểm năm 2019 đã xấp xỉ 29 vạn dân.

Dự báo 2025-2030 sẽ rơi vào khoảng 45 vạn dân. Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã gây áp lực lên toàn bộ hệ thống hạ tầng từ nhà cửa, công viên cho đến trường học. Tôi cho rằng, giải pháp đầu tiên và lâu dài làm các thành phố, quận huyện phải làm tốt câu chuyện quy hoạch, dự báo tốt, tập trung ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển giáo dục.

Thực tế hiện nay cho thấy, quỹ đất vẫn chủ yếu tập trung phát triển dân cư, nhà máy, đất dành cho giáo dục chưa được quan tâm. Nhận thức được vấn đề này, một trong những 9 nhiệm vụ mà Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung giải quyết trong năm học 2019-2020 là đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch trường lớp, trong đó ưu tiên phát triển trường học.

Hiện Hà Nội đang là một trong số các địa phương làm khá tốt vấn đề này. Ngoài việc cải tạo, sữa chữa, xây mới hàng ngàn phòng học trong hệ thống trường công lập, thành phố chủ trương khuyến khích phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập để đáp ứng yêu cầu của người dân…

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa tại nhiều khu vực tăng nhanh nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài việc tập trung ưu tiên quỹ đất cho giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành một số giải pháp tình thế nhưng đã có tác dụng nhất định như Bộ yêu cầu diện tích tối thiểu ở thành phố lớn là 8m2 cho khu vực nội đô, với khu vực đồng bằng là 12m2.

Bộ GD&ĐT cũng cho phép các trường ở nội đô có đủ điều kiện về nền móng, kết cấu công trình có thể được nâng tầng; rà soát lại, ưu tiên dành các phòng có diện tích lớn bố trí lớp học cho học sinh.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.