Bàn giải pháp để không còn cắt điện, mất điện giữa mùa nóng

Chủ Nhật, 11/06/2023, 06:10

Trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, tình hình cung ứng điện quá tải buộc phải cắt điện khẩn cấp ở nhiều nơi, đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Trước thực trạng này, chuyên mục "Trò chuyện Chủ Nhật" có cuộc trao đổi với Giáo sư, TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học Công nghệ -  Hội Điện lực Việt Nam.

PV: Thưa Giáo sư, TSKH Trần Đình Long, vừa qua một số nơi đang xuất hiện tình trạng thiếu điện kể cả cho sản xuất cũng như đời sống người dân. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này?

Giáo sư, TSKH Trần Đình Long: Tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của người dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thuỷ điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.

1.jpg -0
Giáo sư, TSKH Trần Đình Long.

Nguồn cung điện trong cả nước đều thiếu và thiếu nhiều nhất ở miền Bắc. Tình trạng này không phải năm nào cũng diễn ra. Đây là yếu tố khách quan, nằm ngoài khả năng tính toán của ngành điện. Bên cạnh nguồn cung thiếu, mức độ tăng phụ tải trong những ngày nắng nóng rất cao, có ngày tăng lên 30-40%. Do vậy, để đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, sinh hoạt trong thời điểm này là rất khó.

Việc cung ứng điện phụ thuộc rất nhiều vào cân đối nhu cầu và khả năng đáp ứng, trong khi khả năng đáp ứng là hữu hạn. Bởi nguồn là: Nước, nhiên liệu, khí, dầu, than bị ràng buộc nhiều yếu tố trong khi mình không chủ động được và phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Nguồn nước ở các nhà máy thuỷ điện quá thấp không đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong khi đó nhu cầu tiêu thụ điện lại gia tăng, nắng nóng càng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, thông gió, sử dụng nhiều năng lượng, như chạy điều hoà cũng sẽ đào thải khí nóng ra môi trường và hiệu ứng nhà kính càng làm không khí thêm oi bức, theo đó nhu cầu tiêu thụ điện tăng rất cao mà ngành điện không có đủ khả năng cung ứng điện đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất.

Vì vậy, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như năm nay, EVN không có khả năng cân đối giữa cung- cầu. Khi cung không đáp ứng được nhu cầu chỉ có giải pháp duy nhất là lập lại cân bằng cung cầu của hệ thống, tránh cho hệ thống bị sụp đổ thì phải cắt bớt nhu cầu. Do vậy, chỉ có giải pháp duy nhất là cắt điện, cắt điện luân phiên và cắt điện theo thời điểm…, như vậy dẫn tới rất nhiều thiệt hại cho sản xuất và phiền toái trong sinh hoạt của người dân.

PV: Nhiều nơi vẫn bị cắt điện không báo trước và EVN giải thích là do sự cố, vậy ông nghĩ sao về vấn đề này? DN phải ứng phó như thế nào để giảm thiểu tối đa thiệt hại?

Giáo sư, TSKH Trần Đình Long: Gọi là sự cố đột xuất thì ngành điện phải chịu trách nhiệm, tức là EVN phải làm như thế nào để giảm tới mức thấp nhất những khả năng quá tải, hư hỏng của lưới điện. Trừ những trường hợp như mưa giông, giông sét, mưa bão mà không chủ động được. Còn tình hình quá tải đến mức mà hỏng lưới điện là trách nhiệm của phía vận hành, anh phải có những giải pháp để giảm tải, giải pháp luân phiên để cho sự cố giảm xuống ở mức tối thiểu.

Để ứng phó với tình trạng mất điện, DN cần phải tính toán và tìm giải pháp ứng phó, tạm thời ngừng sản xuất. Trong lúc khó khăn như hiện nay, DN nên có nguồn điện dự phòng riêng cho mình, có thể nguồn dự phòng không thể đủ cho hết công suất của xí nghiệp nhưng cũng đủ để vận hành những khâu rất quan trọng. Ví dụ xí nghiệp đông lạnh, nếu mất điện lâu, kéo dài sẽ bị hỏng sản phẩm, do vậy, cần có nguồn điện để đảm bảo những khâu quan trọng nhất của nhà máy có thể tiếp tục hoạt động. Tất nhiên là sẽ tốn kém. Trường hợp quy định cắt điện báo trước bao nhiêu giờ, mức độ bao nhiêu thì cần phải tôn trọng các quy định.

Trường hợp có tranh chấp điện, bên cung cấp điện bảo cắt mà phía khách hàng bảo không được cắt thì lúc bấy giờ có cơ quan quản lý nhà nước tức là Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương để nhờ những cơ quan quản lý xem ở mức độ như vậy thì điện lực có quyền cắt khoảng bao nhiêu.

Điện hiện nay đang thiếu hụt rất nhiều, do vậy ngành điện và các địa phương cần phải có chính sách rõ ràng và minh bạch trong việc ưu tiên cho sản xuất thì ngành nào ưu tiên số 1, 2 và vào khung giờ nào, sinh hoạt ưu tiên vào khung giờ nào. Với DN có đơn hàng gấp thì cũng cần có sự trao đổi với chính quyền địa phương và ngành điện để có giải pháp tối ưu, cân đối nguồn điện, ví dụ như điều chỉnh ca sản xuất vào khung giờ từ 0h đến 5h sáng. Để đảm bảo sản xuất, DN cần sắp xếp lại thời gian làm việc, bảo đảm sử dụng tối ưu hiệu quả nguồn điện trong khoảng thời gian được cấp.

Ngoài ra, khu vực sản xuất cần chủ động mua sắm nguồn điện dự phòng, ví dụ dầu diesel hoặc các nhiên liệu khác để làm sao đảm bảo sản xuất không bị ảnh hưởng nhiều. DN phải chủ động, tình trạng này có thể còn lặp đi, lặp lại nhiều ở trong tương lai. Về phía ngành điện, cần phải báo trước cho DN, ví dụ như tình hình căng thẳng điện hiện nay, trong tháng 6 trong khoảng từ ngày bao nhiêu đến thời gian nào sẽ cắt bớt nguồn điện của DN ở mức là bao nhiêu để DN biết và chủ động trong việc sản xuất.

1-2.jpg -0
Từ ngày 1/6, hồ thuỷ điện Thác Bà đã dưới mực nước chết.

PV: Tình trạng thiếu điện đang hiện hữu, theo ông, ngành điện nên có giải pháp gì?

Giáo sư, TSKH Trần Đình Long: Tôi cho rằng giải pháp quan trọng nhất hiện nay là lập lại cân bằng cho hệ thống, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn. Để làm được thì trước hết phải cắt nhu cầu. Thay đổi tư duy của người sử dụng điện. Trước nay ta chỉ quan tâm đến khả năng đáp ứng nhu cầu mà không để ý đến vấn đề quản lý nhu cầu sử dụng.

Trong khi tất cả nước phát triển, người ta vẫn luôn chú trọng đến việc quản lý nhu cầu sử dụng. Bởi, ý thức của người dùng điện rất quan trọng. Mỗi một khách hàng sử dụng điện có ý thức sử dụng điện hợp lý, ở thời điểm cao điểm, thì nên tắt, không dùng những thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng, chờ nhiệt độ thấp đi, nhu cầu điện thấp thì chúng ta đưa vào sử dụng. Để vượt qua được mùa hè này thì tiết kiệm điện và giải pháp tốt nhất là quản lý nhu cầu điện là rất quan trọng.

Với tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,5 - 7% hàng năm, nhu cầu năng lượng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nhu cầu điện dự báo vẫn tăng khoảng 10% trong thập kỷ tới, do đó việc đảm bảo phát triển đầy đủ và kịp thời hạ tầng cơ sở hệ thống năng lượng là thách thức hàng đầu. Tuy nhiên, trong thời gian qua không có nguồn điện nào được bổ sung vào hệ thống điện. Điện hạt nhân đã loại bỏ, điện than không còn phù hợp, thủy điện càng teo tóp, cũng như để nhiều hậu quả khó lường…, trong khi đó, trong hội nhập, cam kết phát triển sạch, phát triển bền vững cùng với thế giới, do đó cần phải đầu tư hạ tầng ngành điện đáp ứng sự phát triển đa dạng nguồn điện, phục vụ phát triển kinh tế đất nước cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Ngành điện là ngành tiêu tốn rất nhiều tiền, vốn đầu tư cao, thậm chí một số nước phát triển họ còn phải đi vay để đầu tư cho ngành điện, về phía Việt Nam nhiều năm cũng đã cố gắng khả năng tăng cường sản xuất của các nguồn điện. Tuy nhiên, hạn chế về vốn đầu tư, về những ràng buộc khác, người ta tính toán với mức tăng trưởng về kinh tế - xã hội hiện nay thì mức tăng trưởng của ngành điện, trong đó có nguồn điện và lưới điện là ở mức bao nhiêu là hợp lý. Bởi, nếu chúng ta bỏ quá nhiều tiền vào đầu tư cho ngành điện thì không có tiền, phải đi vay. Hiện nay, nợ của EVN để đầu tư xây dựng các nguồn điện từ những năm trước bây giờ tồn tại cũng khá nhiều, tỷ giá hối đoái thay đổi bất lợi cho đồng Việt Nam nên không thể bỏ quá nhiều tiền để đầu tư vào các công trình điện.

PV: Vậy, để thu hút đầu tư vào ngành điện thì cần phải làm gì, thưa ông?

Giáo sư, TSKH Trần Đình Long: Thực ra khả năng huy động các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh tham gia vào phát triển năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là một yếu tố rất quan trọng và Chính phủ đã mở cửa thị trường điện để thu hút được vốn đầu tư của các thành phần khác. Chính nhờ việc mở cửa đầu tư phát triển ngành điện, những năm vừa qua, Việt Nam cũng đã có những chiến lược rất lớn về thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào phát triển ngành điện, cụ thể là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió. Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây là khi đầu tư cần phải tuân thủ đúng theo Luật. Nhà đầu tư khi quyết định bỏ tiền đầu tư xây dựng các công trình điện phải tìm cho được khách hàng tiêu thụ cho nguồn mà mình sẽ phát ra. Đây là điều kiện tiên quyết để cho bên mua điện có sự chủ động và để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư.

Với chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, cũng phải nói rằng 5-7 năm trước đây đã có một chính sách về giá điện hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền vào đầu tư xây dựng các nguồn điện, phát triển rất nóng đến mức không biết bán điện cho ai, hoặc lưới điện phát triển theo không kịp gây nên hiện tượng nghẽn mạch và chủ đầu tư không phát được điện. Điều này gây ra thua lỗ cho các nhà đầu tư. Vì vậy, nhà nước đã có quy định trước khi DN xin giấy phép đầu tư và triển khai xây dựng các nguồn điện, phải biết rõ ràng là khách hàng tiêu thụ sản phẩm của mình là ai, và phải ký được hợp đồng mua bán điện trước khi bỏ tiền ra xây dựng các nguồn điện.

PV: Ông đánh giá như thế nào về cơ cấu nguồn điện ở Quy hoạch điện VIII so với trước và những thách thức phải đối mặt, giải pháp tháo gỡ là gì, thưa ông?

Giáo sư, TSKH Trần Đình Long: Ở quy hoạch này, có rất nhiều điểm khác. Khác biệt rõ nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) tăng rất cao. Do đó, đòi hỏi đầu tư rất lớn và cũng cho thấy sự không ổn định cũng rất cao khi các nguồn điện NLTT phụ thuộc vào thời tiết.

Than thì có sẵn ở kho, cứ có đủ than là đủ điện, nhưng mặt trời chỉ có ban ngày, không có ban đêm, còn gió lúc có lúc không… nên không chủ động được.

Do vậy, nguồn khí thiên nhiên có được bao nhiêu thì cần khai thác tối đa. Vừa ổn định hơn, lại đảm bảo được yêu cầu về môi trường. Còn NLTT, chúng ta phải tính đến lưu trữ. Tuy nhiên, vấn đề về pin lưu trữ cũng rất tốn kém, tuổi thọ không cao và còn nhiều nghiên cứu cần tính toán cho vấn đề môi trường. Bởi vậy, tôi cho rằng, Việt Nam nên sử dụng hình thức nhà máy thuỷ điện tích năng. Cụ thể, xây nhà máy điện vừa có khả năng bơm nước, vừa có khả năng phát điện. Nước ta rất nhiều tiềm năng như vậy. Ví dụ, dọc bờ biển, tìm địa thế xây dựng một hồ chứa. Ban ngày nhiều điện mặt trời thì dùng điện đó bơm nước biển lên hồ, ban đêm không có thì xả nước từ hồ xuống để phát điện. Công nghệ đó thiết thực và khả thi trong giai đoạn hiện nay. Nên thí điểm một số công trình. Nếu thấy có lợi thì làm rộng rãi. Thời gian thí điểm xây dựng hệ thống này cũng tương đương làm một nhà máy thuỷ điện, mất khoảng 3-5 năm. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu nguồn điện NLTT đến năm 2030 thì cần bắt tay vào việc thí điểm càng sớm càng tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.