Bài 4: Cơ sở dữ liệu dân cư - Nguồn tài nguyên số nền tảng
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an xây dựng thành công là 1 trong 3 dữ liệu tài nguyên lớn của quốc gia. Khai thác hiệu quả từ Cơ sở dữ liệu lớn này sẽ giảm được chi phí đầu tư mới, không trùng lắp và hiệu quả.
Các bộ, ngành, địa phương tích hợp, kết nối và khai thác sử dụng nhằm thúc đẩy số hóa, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện sự phục vụ của cơ quan Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn xã hội.
Vận hành với 17 trường thông tin
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng lực lượng CAND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Bộ Công an đã xác định tăng cường phát triển, ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các mặt công tác Công an, nhất là công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và chủ động, tích cực tham gia vào lộ trình thực hiện mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân Việt Nam được số hóa, bổ sung, cập nhật thường xuyên hằng ngày từ cơ sở bởi hàng vạn cán bộ Cảnh sát khu vực, Công an xã trên toàn quốc. Từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân toàn quốc (đối với người được cấp thẻ Căn cước công dân thì mã số định danh cá nhân chính là số thẻ căn cước công dân; đối với người chưa được cấp thẻ, đã thông báo bằng văn bản đến cho công dân có kèm theo mã QR)…
Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, từ nền tảng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã xây dựng và đưa vào thực tế triển khai hiệu quả các giải pháp ứng dụng, bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà người dân, doanh nghiệp phải chi trả trong quá trình thực hiện TTHC.
Bộ Công an đã triển khai các phân hệ phần mềm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 dùng chung trên toàn quốc với 4 phần mềm, gồm: Phần mềm quản lý công dân vùng dịch; phần mềm quản lý công dân diện hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; phần mềm quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; phần mềm quản lý công dân diện F0 và truy vết F1,… Tính đến ngày 29/11/2021, Hệ thống đã quản lý 98.713.820 nhân khẩu trên cả nước; đã tiếp nhận và xử lý 882.860 hồ sơ thường trú, 349.557 hồ sơ tạm trú; quản lý người thuộc diện nhận trợ cấp theo Nghị quyết 68/NQ-CP là 2.097.268 trường hợp; xác thực bảo hiểm xã hội 32.979.240 công dân; cấp 6.506.910 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 10/11, Bộ Công an đã cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Bộ Y tế hiện nay đang triển khai các biện pháp để thu thập thông tin tiêm chủng, làm sạch dữ liệu, ban hành quy trình tiêm chủng đảm bảo dữ liệu được cập nhật, xác thực cho 3 ứng dụng (VNEID, PCCOVID và Sổ sức khỏe điện tử) thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết quả đã xác thực: Hơn 51 triệu dữ liệu về mũi tiêm. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo trong việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu đọc mã QR góp phần kiểm soát việc đi lại phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là những nơi công cộng tập trung đông người, bến tàu xe… Hiện nay, Bộ Công an đang chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, trước mắt là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh ứng dụng phát triển kinh tế - xã hội
Cũng theo Thượng tá Vũ Văn Tấn, để phát huy hiệu quả và khai thác tối đa các giá trị từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an cùng văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trình Thủ tướng ban hành trong tháng 12/2021. Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể với 5 nhóm tiện ích: Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; phục vụ làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh; Quyết định số 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Bộ Công an đang khẩn trương triển khai xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử để cung cấp danh tính điện tử, xác thực cho các giao dịch dựa trên dữ liệu “gốc” và bổ sung, làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần đơn giản hóa, liên thông trong thực hiện các thủ tục hành chính, giảm thiểu các giấy tờ, thời gian đi lại của công dân.
Theo Thượng tá Vũ Văn Tấn, với những kết quả đạt được như trên mới chỉ là bước đầu, để đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, xã hội, Bộ Công an đã xác định được những chiến lược trọng tâm để triển khai thực hiện gồm: Tập trung triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, để phát huy những giá trị to lớn của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiệu quả của định danh và xác thực điện tử, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 8676/VPCP-KSTT ngày 26/11/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an cùng Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng “Đề án đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và chuyển đổi số quốc gia”. Trong đó, tập trung vào các nội dung: (1) Đẩy nhanh triển khai dịch vụ công qua cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân, lấy người dân là trung tâm; (2) Phối hợp các bộ, ngành thực hiện công tác Hộ tịch (cấp Giấy khai sinh, khai tử thuộc lĩnh vực tư pháp); hỗ trợ triển khai các chính sách an sinh xã hội bảo đảm đúng người; tích hợp thông tin trên các giấy tờ của công dân vào Thẻ Căn cước công dân và sử dụng ứng dụng VneID; (3) Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu điện tử tập trung, dùng chung cho các bộ, ngành; sẵn sàng phân tích dữ liệu, dự báo xu hướng trong lĩnh vực điều tra dân số và di biến động về dân cư phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tiếp đó là hoàn thiện cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử. Trước đấy, thực hiện Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ, Bộ Công an đã hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 “Quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh”. Theo Quyết định số 34/QĐ-TTg của Chính phủ, Bộ Công an có trách nhiệm: “Xây dựng, quản lý, bảo vệ và vận hành Hệ thống định danh và xác thực điện tử bảo đảm thông suốt, liên tục, ổn định, an toàn, an ninh trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử...” để cung cấp nền tảng định danh và xác thực điện tử, xác thực số với danh tính điện tử “gốc” cho từng công dân Việt Nam, người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Hệ thống này sẽ tích hợp, đồng bộ dữ liệu cần thiết để rút ngắn, tiến tới xóa bỏ các loại giấy tờ không cần thiết; các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng danh tính số của người dân trong cung cấp dịch vụ công hoàn toàn miễn phí, bảo đảm an toàn, bảo mật; người dân được xác thực, chứng nhận danh tính điện tử trong thực hiện các giao dịch, thủ tục trên mạng mà không cần đến trực tiếp, không cần sao chụp hoặc nộp lại các loại giấy tờ.
Theo lộ trình, Quý II năm 2022, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT và các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trong đó mở rộng việc ứng dụng Hệ thống định danh và xác thực điện tử vào việc định danh đối với cả các tổ chức (bao gồm doanh nghiệp và tổ chức khác) để đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
Cùng với việc triển khai 2 nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, để phát huy tối đa giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh nhằm tạo các hệ thống nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội. Bộ Công an đề nghị Bộ TTTT với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu cho Chính phủ về Chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử một số nội dung như: Phối hợp với Bộ Công an hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; phối hợp với Bộ Công an xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định định danh và xác thực điện tử; Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; phối hợp với Bộ Công an phổ cập danh tính điện tử toàn dân với mục tiêu có khoảng 30% người dân sử dụng ứng dụng VneID.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về viễn thông, chữ ký số công cộng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, đường truyền kết nối, quản lý, duy trì, vận hành, phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác. Đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các Nghị quyết, Đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai thực hiện chuyển đổi số đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Đón đọc Kỳ cuối: Biến “nguy” thành “cơ”
Bộ Công an đã triển khai kết nối với một số Bộ, ngành nhằm phát huy những giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Văn phòng Chính phủ để xác thực, cung cấp thông tin phục vụ triển khai dịch vụ công; Bộ Tư pháp để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh, trao đổi thông tin hộ tịch của người dân; Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin người tham gia bảo hiểm; triển khai các phân hệ phần mềm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; kết nối, liên thông kỹ thuật với các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Hiện nay, toàn quốc đã thu thập đã rà soát, làm sạch dữ liệu trên hệ thống và củng cố hồ sơ sổ sách, tàng thư cấp số 98.560.038/102 triệu số định danh; cung cấp dữ liệu và chỉ thực hiện thu thập bổ sung thông tin sinh trắc học (vân tay và ảnh mặt) của hơn 60 triệu người dân phục vụ công tác cấp CCCD gắn chip, đã in và trả trên 55 triệu thẻ CCCD gắn chip cho công dân.