"Tuần trăng mật" ngắn ngủi của Nga - Mỹ sau thảm kịch 11/9

Thứ Sáu, 10/09/2021, 10:15

Những tháng đầu tiên từ khi Mỹ tham chiến ở Afghanistan để trả đũa vụ 11/9 đã chứng kiến mối quan hệ nồng ấm chưa từng có giữa Washington và Moscow, khi cả hai bên có cùng quan điểm về cuộc chiến chống khủng bố.

Ngày 9/9/2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi điện trực tiếp cho người đồng cấp Mỹ George W. Bush để báo tin "sốc": Ahmad Shah Massoud, lãnh đạo lực lượng vũ trang Liên minh phương Bắc chống Taliban được Mosco ủng hộ, đã bị ám sát ở Afghanistan bởi hai kẻ đánh bom liều chết.

Tổng thống Putin và Tổng thống Bush nhân chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Nga, tháng 11/2001. Ảnh: Wacotrib
Ông Putin cũng cảnh báo Tổng thống Mỹ "có một điềm báo về điều gì đó sắp xảy ra, một thứ gì đó đã được chuẩn bị từ rất lâu". Hai ngày sau cuộc điện thoại, al-Qeada thực hiện vụ tấn công kinh hoàng chống lại nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người.

Thông tin về việc Nga cảnh báo Mỹ về vụ 11/9 từng nhiều lần được nhắc tới, song nó chỉ thu hút sự chú ý đặc biệt khi xuất hiện trong một cuốn sách xuất bản năm 2019 của George Beebee - một cựu chuyên gia phân tích cao cấp của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) dưới thời Tổng thống Bush.

Mỹ thừa nhận chiến dịch lúc đầu ở Afghanistan đã thành công một phần nhờ sự giúp đỡ của Nga. Ảnh: Getty Images

Không ai biết Mỹ đã phản ứng ra sao với lời cảnh báo của Tổng thống Nga, song hành động lúc bấy giờ của ông Putin được xem là một chỉ dấu cho thấy mong muốn hợp tác của Moscow, sau khi ông Putin, một nhà tình báo lão luyện, trở thành Tổng thống Nga - bà Angela Stent, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Trung tâm Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings nhận định.

Với Mỹ, "nhành ô liu" từ Nga là điều mà họ rất cần lúc bấy giờ, nhất là khi Tổng thống Bush chuẩn bị phát động một cuộc chiến ở Afghanistan. Dù khác biệt về khái niệm đâu là một tổ chức khủng bố, Nga lúc đó đồng thuận với Mỹ rằng chủ nghĩa khủng bố cần bị loại trừ và Moscow đã không phản đối chiến dịch quân sự chống Taliban của Tổng thống Mỹ Bush.

Afghanistan từ lâu một vấn đề phức tạp với Washington và Moscow, bởi Mỹ đã giúp lực lượng Mujahideen (Taliban sau này được thành lập bởi các thành viên có nguồn gốc từ Mujahideen) chiến đấu chống lại Liên Xô trong cuộc chiến tranh 1979-1989, vốn là một phần nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ.

Nhưng chính cuộc chiến Afghanistan biến Moscow trở thành vị "chuyên gia" duy nhất có thể đưa ra lời khuyên cho Mỹ về Afghanistan và những kinh nghiệm làm việc với Liên minh phương Bắc.

Nga được cho là đã chia sẻ hàng loạt thông tin tình báo chiến lược về Afghanistan với Mỹ, bao gồm dữ liệu giúp lực lượng Mỹ tìm đường xung quanh Kabul, các thông tin quan trọng khác về về hậu cần, địa hình và mạng lưới hang động ở Afghanistan.

Sự trợ giúp của Nga còn bao gồm việc "bật đèn xanh" để Mỹ mở căn cứ tại vùng Trung Á để phục vụ cuộc chiến ở Afghanistan, dù đây là khu vực có ý nghĩa chiến lược với an ninh địa chính trị của Nga.

Các tay súng chống Taliban ở Afghanistan. Ảnh: NYT

Taliban bị đẩy lùi, Liên minh phương Bắc tiến vào Kabul vào năm 2001, các quan chức Mỹ thừa nhận sự trợ giúp của Nga đã góp phần vào thành công của Chiến dịch Tự do Bền vững.

Ở chiều ngược lại, việc Mỹ trấn áp Taliban được Washington xem là đã giúp tăng cường an ninh cho Nga bằng cách "dọn dẹp sân sau" và giảm bớt mối đe dọa khủng bố đối với đất nước. Taliban từng không ít lần vướng cáo buộc có liên hệ với những tay súng khủng bố ở Chechnya.

Công cuộc hợp tác chống khủng bố giữa Nga-Mỹ, được Nga mô tả giống liên minh chống Hitler trong Thế chiến thứ hai, còn tạo đà để Washington mở đường cho Nga hiện đại hóa kinh tế, công nghiệp năng lượng cũng như thúc đẩy việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy vậy, "tuần trăng mật" trong quan hệ hai bên đã không kéo dài khi hai bên bắt đầu bộc lộ những khác biệt căn bản, trong đó có việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2002, hay việc Washington xâm lược Iraq năm 2003.  Sau cuộc cách mạng Cam năm 2004 ở Ukraine, thái độ về Mỹ của ông Putin thay đổi nhanh chóng. Nga chỉ trích Mỹ không tôn trọng Nga, mà luôn tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Moscow trên thế giới.

Thiện Nhân
.
.
.