Năm thảm kịch máy bay thương mại bị bắn rơi kinh hoàng nhất lịch sử
Hơn một ngàn người đã thiệt mạng khi những chiếc máy bay thương mại bị bắn rơi trong hơn 4 thập kỷ gần đây, cho thấy nguy cơ máy bay chở khách trở thành mục tiêu của tên lửa do lỗi của con người.
- (NÓNG TUẦN QUA) Tên lửa Iran bắn trúng máy bay chở 176 người, Ấn Độ muốn sở hữu toàn bộ Kashmir
- Iran thừa nhận bắn nhầm máy bay Ukraine
- Thảm kịch Mỹ bắn rơi máy bay thương mại Iran cách đây hơn 3 thập kỷ
Máy bay Ukraine bị bắn rơi trên đất Iran
Chuyến bay mang số hiệu PS752 của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) sáng sớm 8-1 đã bốc cháy trên không rồi rơi chỉ hai phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Imam Khomeini ở thủ đô Tehran của Iran, vài giờ sau khi Tehran tấn công tên lửa vào căn cứ có lực lượng Mỹ đồn trú ở Iraq để trả thù vụ sát hại tướng Qassem Soleimani diễn ra vài ngày trước.
Phần đầu chiếc máy bay xấu số của Ukraine. Ảnh: Reuters |
Sự cố khiến toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng.
Dựa trên phân tích thông tin tình báo và các dữ liệu vệ tinh, radar, quân đội Mỹ nhận định Iran đã bắn nhầm chiếc phi cơ, cho rằng tên lửa Tor-M1 do Nga sản xuất là tác giả của vụ việc. Các đồng minh của Washington sau đó lên tiếng ủng hộ quan điểm này.
Iran ban đầu bác bỏ cáo buộc và tuyên bố sẽ mời chuyên gia Mỹ cùng các nước tham gia điều tra về vụ việc để làm sáng tỏ vụ việc. Ngày 11-1, Iran chính thức thừa nhận bắn rơi chiếc phi cơ và cam kết điều tra và trừng trị những người có trách nhiệm, song không giúp nước này tránh cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ khi căng thẳng với Mỹ bùng nổ năm 2018.
Thảm kịch MH17 ở Ukraine
Tháng 7-2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đã trúng tên lửa và rơi ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, nơi chiến sự giữa Kiev và lực lượng ly khai thân Nga diễn ra.
Một nhân viên cứu hộ tìm kiếm bên những mảnh vỡ của chiếc MH17. Ảnh: AP |
Toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, 2/3 trong số đó là công dân Hà Lan. Những công dân còn lại đến từ Malaysia và một số nước khác.
Cuộc điều tra do các nước phương Tây tiến hành, không có sự hiện diện của Nga, ra kết luận rằng chiếc máy bay đã rơi sau khi trúng tên lửa phòng không BUK do Nga sản xuất và được vận hành bởi những người có liên hệ với Moscow. Bằng chứng của cáo buộc trên không được công bố, khiến Moscow phản ứng.
Một cuộc điều tra do Nga tiến hành cho thấy phòng không Ukraine đã bắn nhầm máy bay Malaysia. Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Mohamed Mahathir thì cho rằng những lời buộc tội nhằm vào Nga là vì mục đích chính trị và khẳng định Moscow không liên quan đến vụ bắn hạ.
Ukraine bắn nhầm máy bay Nga
Trớ trêu thay, Ukraine có liên quan đến ba thảm kịch máy bay thương mại bị bắn nhầm trong thế kỷ này, khi vào ngày 4-10-2001, một khẩu đội tên lửa phòng không của Kiev đã khai hỏa nhầm vào máy bay Tupolev Tu-154 số hiệu RA-85693 của hãng hàng không Siberia Airlines khiến chiếc máy bay nổ tung trên không.
Chiếc Tupolev 54 trước khi bị bắn rơi. Ảnh: AS |
Reuters cho biết, 78 người, đa phần là những người gốc Nga ở Israel, đang thực hiện hành trình từ Tel Aviv của Israel tới Novosibirsk của Nga, thiệt mạng khi máy bay chở họ cách bán đảo Crimea chưa đầy 300km.
Tổng thống Ukraine sau một tuần thừa nhận báo cáo của các nhà điều tra rằng quân đội nước này đã vô tình bắn rơi máy bay Nga trong một cuộc tập trận.
Mỹ bắn rơi máy bay thương mại của Iran
Ngày 3-7-1988, chính căng thẳng giữa Mỹ và Iran trên Eo biển Hormuz đã dẫn đến một trong những sự cố hàng không thảm khốc nhất lịch sử thế giới mà đến nay người Iran vẫn không thể quên và khiến họ khó lòng tha thứ: Sự cố máy bay IR655 bị bắn hạ.
Hình ảnh mô phỏng vụ nã tên lửa vào máy bay Iran do Mỹ tiến hành. Ảnh: ITN |
Theo New York Times, sự việc khi đó xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh Iran – Iraq đang đi vào hồi khốc liệt nhất. Trong cuộc chiến này, Iraq tấn công Iran trước dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.
Chiếc IR655 đã bị bắn rơi do hai tên lửa phóng từ tuần dương hạm USS Vincennes của Mỹ đang tuần tra ở eo biển Hormuz. Tàu tuần dương này đã nhầm lẫn chiếc máy bay thương mại trên một là chiến đấu cơ. Tất cả 290 người trên khoang đã thiệt mạng, trong đó có tới 66 trẻ em.
Gần 8 năm sau thảm họa, Chính phủ Mỹ mới miễn cưỡng chi hơn 60 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân xấu số Iran. Nhưng đến nay, chưa có lời xin lỗi chính thức nào được đưa ra.
Liên Xô bắn rơi máy bay Hàn Quốc
Tháng 1-1983, khi Chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô ở giai đoạn căng thẳng nhất, một máy bay chiến đấu Liên Xô bắn rơi chuyến bay số hiệu 007 của hãng hàng không Korean Air Lines khi chiếc máy bay lạc vào không phận Liên Xô trên quần đảo Sakhalin.
Chiếc Boeing 747 trước khi bị bắn rơi. Ảnh: INT |
Phương Tây nói rằng toàn bộ 269 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc Boeing 747 thiệt mạng, trong khi Liên Xô khẳng định máy bay đang thực hiện nhiệm vụ gián điệp và không có hành khách ở trên. Mỹ bác bỏ giả thuyết này.
Trong nhiều tuần sau đó, Mỹ, Nhật và Liên Xô đã mở các chiến dịch tìm kiếm hộp đen máy bay trên biển Okhotsk nhưng không thành công. Sự việc gợi nhớ lại vụ Liên Xô bắn hạ chuyến bay 902 của Korean Air Lines hồi năm 1978 nhưng chỉ có hai hành khách thiệt mạng, tất cả những người còn lại đều sống sót.