Bí ẩn người trợ giúp cho không tặc tiến hành vụ khủng bố 11/9

Thứ Hai, 06/09/2021, 14:30

Ngày 11/9 tới đây sẽ đánh dấu 20 năm vụ tấn công khủng bố năm 2001, sự kiện đẫm máu nhất lịch sử của Mỹ và là chất xúc tác cho “cuộc chiến chống khủng bố” kéo dài 2 thập kỷ của Washington tại các chiến trường chính như Afghanistan và Iraq.

Bí ẩn người trợ giúp cho không tặc tiến hành vụ khủng bố 11/9  -0
Niềm tự hào của Mỹ, tòa tháp đôi World Trade Center, bị tấn công ngày 11/9/2001. Ảnh AP. 

Trang Sputnik đưa tin, Danny Gonzalez, cựu đặc vụ của FBI cáo buộc rằng ít nhất 2 trong số 19 kẻ bắt cóc và đâm máy bay vào các tòa nhà của Mỹ ngày 11/9/2001, đã nhận được sự hỗ trợ từ nhân viên tình báo của Arab Saudi làm việc tại Mỹ.

Gonzalez từng tham gia trong “Chiến dịch Encore”, một cuộc điều tra tình báo của FBI được thành lập vào giữa những năm 2000 để làm rõ các hoạt động của Nawaf al-Hazmi và Khalid al-Mihdhar, 2 không tặc tham gia vào vụ khủng bố 11/9 và từng sống ở San Diego, Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, Gonzalez cho biết rằng “19 tên không tặc không thể tự mình thực hiện vụ khủng bố khiến 3.000 người thiệt mạng”.

Đặc vụ kỳ cựu này hiện cũng đang tham gia vào nỗ lực chung của các gia đình nạn nhân vụ 11/9 kêu gọi giải mật các tài liệu tiết lộ phạm vi vai trò của Arab Saudi trong các cuộc tấn công. Ông Gonzalez cũng khẳng định với CBS News rằng “không cần phải là một đặc vụ FBI với 26 năm kinh nghiệm mới nhận thấy rằng những kẻ khủng bố đã được hỗ trợ từ ai đó”.

Theo Gonzalez, một số công dân của Arab Saudi, bao gồm Omar al-Bayoumi, một người bị nghi là nhân viên tình báo của Arab Saudi, đã hỗ trợ Hazmi và Mihdhar. Bayoumi được cho là “tình cờ” gặp Hazmi và Mihdhar tại một nhà hàng ở Los Angeles và thúc giục những tên này chuyển đến San Diego. Một cựu điệp viên Mỹ cáo buộc rằng Bayoumi đã giúp 2 tên này tìm một căn hộ tại San Diego và mở tài khoản ngân hàng. 2 tên này tiếp tục tham gia khóa đào tạo lái máy bay tại một trung tâm gần đó và sau này, trở thành 2 trong số 5 kẻ khủng bố đã bắt cóc và lao máy bay vào Lầu Năm Góc.

Ken Williams, một cựu đặc vụ FBI khác hiện đang làm việc với các gia đình nạn nhân vụ 11/9, từng cảnh báo cấp trên của mình về việc những kẻ khủng bố có khả năng tham gia vào các khóa huấn luyện bay tại Arizona. Dù vậy, ông này không thể đi vào chi tiết bởi có “điều gì đó” cản trở.

Hai cựu đặc vụ này khẳng định rằng những gì người Mỹ biết về sự kiện 11/9 sẽ thay đổi nếu hồ sơ của “Chiến dịch Encore” được phép công bố.

Bí ẩn người trợ giúp cho không tặc tiến hành vụ khủng bố 11/9  -0
Những gì còn sót lại của tòa tháp đôi World Trade Center. Ảnh AP. 

Arab Saudi đã lên tiếng phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công 11/9. Trong khi đó, Bayoumi từng khẳng định rằng ông ta chỉ tình cờ gặp Hazmi và Mihdhar và giúp đỡ những tên này vì nghĩ “họ cần được trợ giúp”. Báo cáo cuối cùng của Ủy ban 11/9 của Mỹ được công bố vào năm 2004 đã không nêu ra bất kỳ hành vi sai trái nào của Bayoumi, nhấn mạnh rằng “không có bằng chứng đáng tin cậy” cho thấy nhân viên tình báo Arab Saudi này cố ý hỗ trợ các nhóm cực đoan.

Nhà Trắng hôm 3/9 thông báo sẽ bắt đầu quá trình xem xét các tài liệu tuyệt mật liên quan đến vụ tấn công 11/9 có thể được cân nhắc giải mật và công bố vào cuối năm nay. Động thái này diễn ra trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng khi các gia đình nạn nhân vụ 11/9 kiện chính phủ Arab Saudi vì bị cáo buộc liên quan đến các hành động khủng bố. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng được yêu cầu phải làm “điều gì đó” trước lễ tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố.

Vụ khủng bố 11/9 đã giết chết gần 3.000 người ở Manhattan (New York), Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở Pennsylvania - nơi một trong những chiếc máy bay bị cướp lao xuống đất sau khi hành khách cố gắng giành lại quyền kiểm soát từ không tặc. Hàng nghìn người khác, từ cảnh sát, lính cứu hỏa đến nhân viên dọn dẹp và cư dân New York bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe do khói bụi từ đống đổ nát của tòa tháp đôi World Trade Center.

19 tên không tặc, bao gồm 15 tên mang quốc tịch Arab Saudi, được cho là phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho các cuộc tấn công, trong khi thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda, Osama bin Laden - kẻ từng tổ chức các cuộc tấn công chống lại các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài trong suốt những năm 1990, cũng bị buộc tội lên kế hoạch vụ 11/9 từ một hang động ở Afghanistan. Trong 3 năm đầu tiên sau các cuộc tấn công, bin Laden phủ nhận có dính líu đến các hành động khủng bố. Mỹ và các đồng minh NATO đã đổ bộ Afghanistan vào cuối năm 2001 sau khi Taliban từ chối giao nộp bin Laden, nhưng lực lượng của Mỹ không thể tìm được trùm khủng bố tại đây. Bin Laden được cho là đã bị giết trong một cuộc đột kích do lực lượng đặc nhiệm của Mỹ tiến hành vào một dinh thự ở Abbottabad, Pakistan vào tháng 5/2011.

Sự kiện 11/9 cũng được dùng làm cái cớ cho cuộc đổ bộ vào Iraq năm 2003, với việc chính quyền Bush tích cực tuyên bố trước cuộc chiến rằng Tổng thống Iraq Saddam Hussein hợp tác với al-Qaeda, mặc dù chính phủ của ông Hussein trước đây từng có một cuộc xung đột gay gắt với nhóm khủng bố này. Năm 2007, 4 năm sau cuộc đổ bộ, Giám đốc CIA thời Bush, George Tenet, thừa nhận trong chương trình “60 Minutes” rằng Mỹ “chưa bao giờ có thể xác minh rằng Iraq có bất kỳ quyền hạn, chỉ đạo hay đồng lõa với al-Qaeda trong vụ 11/9 hay bất kỳ hành động chống Mỹ nào”.

Duy Tiến (Biên dịch)
.
.
.