Nước Mỹ 18 năm sau vụ khủng bố tồi tệ nhất lịch sử

Thứ Tư, 11/09/2019, 08:12
Đã gần hai thập kỷ kể từ ngày đen tối nhất lịch sử nước Mỹ, vụ tấn công ngày 11-9 đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, làm rúng động cả thế giới và cuốn nước Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu.
Trung tâm Thương mại Thế giới chỉ còn đống tro bụi khổng lồ. Ảnh Getty Images. 

19 kẻ khủng bố, 5 bị cáo nhưng phiên tòa xét xử thậm chí chưa thể bắt đầu.

Khalid Shaikh Mohammed được xác định là “đầu não” dàn dựng và thực hiện loạt khủng bố bắt cóc máy bay và tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới – niềm tự hào của nước Mỹ giàu mạnh, và Lầu Năm Góc ngày 11-9-2001. Khalid Shaikh Mohammed, 55 tuổi, một người đàn ông gốc Pakistan, bị giới chức nước này bắt giữ năm 2003. Một tòa án chiến tranh kết hợp giữa tòa án binh và tòa án liên bang được chính phủ Mỹ thành lập để xét xử Mohammed và 4 đồng phạm khác trong vụ 11-9. Phiên tòa này mới được ấn định bắt đầu ngày 11-1-2021, tức là ngót 20 năm sau vụ việc đen tối nhất lịch sử nước Mỹ.

Khalid Shaikh Mohammed tự nhận mình là “kiến trúc sư trưởng” lên kế hoạch toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện vụ khủng bố. Cấp phó của Mohammed là Ramzi bin al-Shibh, người tổ chức huấn luyện không tặc tại Hamburg, Đức, và chịu trách nhiệm hậu cần cho cuộc tấn công. “Tôi chịu trách nhiệm về vụ khủng bố 11-9 từ A tới Z”, Mohammed nói trong lời khai do Lầu Năm Góc công bố năm 2007. Ba nhân vật còn lại là: Walid bin Attash, Mustafa al Hawsawi và Ammar al-Baluchi, mỗi người một vị trí và trách nhiệm cụ thể.

Phiên tòa bị trì hoãn suốt 18 năm vì nhiều tranh cãi liên quan đến quyền hạn của quân đội và hệ thống tư pháp của Mỹ. Tổng thống Barack Obama từng tìm cách chuyển vụ án cho tòa án liên bang ở New York nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt từ dân chúng và đảng Cộng hòa. Những bằng chứng và lời khai của các bị cáo được coi là chưa đủ độ tin cậy do được thu thập bằng biện pháp tra tấn khiến quá trình điều trần kéo dài ngoài mọi dự đoán.

Hình ảnh niềm tự hào nước Mỹ bị tấn công bởi chiếc máy bay bị bắt cóc. Ảnh Getty Images. 

Để chờ đến ngày phiên tòa vụ 11-9 chính thức bắt đầu và chọn lựa bồi thẩm đoàn, Trại Công lý tại Guantanamo phải tổ chức 38 phiên điều trần với phiên mới nhất được tổ chức vào ngày 10-9 (giờ địa phương), đúng 1 ngày trước lễ kỷ niệm 18 năm vụ khủng bố xảy ra. Đây cũng là phiên điều trần dài nhất trong suốt quá trình xử lý vụ án, kéo dài gần 3 tuần. Bản thân Guantanamo cũng chưa sẵn sàng cho phiên tòa lịch sử, dự kiến kéo dài ít nhất 9 tháng.

Chỉ thị mới nhất của thẩm phán W. Shane Cohen cho biết còn 11 phiên điều trần nữa dự kiến diễn ra trong năm 2020, đồng thời, yêu cầu các công tố viên trong năm 2020 báo cáo rõ kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất và nơi ăn ở cho những người tham gia phiên tòa, bao gồm thẩm phán, nhân viên tòa án, bồi thẩm đoàn, luật sư, thư ký, phiên dịch viên và phóng viên. Tuy vậy, vẫn không có điều gì đảm bảo phiên tòa sẽ diễn ra đúng như kế hoạch do vị thẩm phán đặt ra trong chỉ thị dài 10 trang. Qua gần hai thập kỷ chờ đợi, nhiều nhân chứng của vụ án đã qua đời. Thành viên trong các đoàn luật sư của năm nghi phạm cũng có người rời đi vì quá già.

Người sống sót đối mặt với nỗi đau tinh thần lẫn thể xác

Tổng cộng 2.976 người thiệt mạng và gần 6.000 người bị thương sau vụ khủng bố liên hoàn 11-9. Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng chia sẻ rằng ngoài đám cưới con gái của ông, vụ 11-9 là sự kiện sâu sắc nhất trong cuộc đời ông.

Vào 8h45 sáng hôm đó, chiếc máy bay chở khách Boeing 767 bị cướp của Mỹ đã đâm vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York. Chiếc máy bay chứa 20.000 gallon nhiên liệu đã đâm vào vị trí gần tầng 80 của tòa nhà chọc trời 110 tầng. Chỉ 18 phút sau, một chiếc Boeing 767 thứ hai - Chuyến bay 175 của hãng hàng không United Airlines bay gần tầng 60 của tòa tháp phía nam. Hơn 1 tiếng sau khi tòa tháp đầu tiên bị tấn công, lúc 9h59, tòa tháp phía nam đã đổ sập trong vòng chưa đầy 10 giây. 29 phút sau, tòa tháp phía bắc đổ sập xuống đất - chỉ 102 phút sau khi bị đâm.

Những nhân viên cứu hộ, những người có mặt sớm tại hiện trường hoặc làm việc tại hiện trường sau vụ tấn công có nhiều khả năng bị ung thư. Ảnh AP.

Gần 18 năm trôi qua kể từ ngày đen tối nhất lịch Mỹ sau Thế chiến II, hàng trăm thi thể nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng. Gần 60.000 người vẫn nằm trong diện phải theo dõi sức khỏe vì ảnh hưởng của bụi và hóa chất khi tòa tháp đôi tại WTC sụp đổ. Khoảng 2.000 người được chẩn đoán ung thư liên quan đến sự kiện 11-9.

Jacquelin Febrillet, mới 26 tuổi khi không tặc lao máy bay vào WTC, cách nơi cô làm việc hai tòa nhà. 18 năm sau, Febrillet bị ung thư vú di căn và nguyên nhân có thể do khói độc từ vụ tấn công. “Tôi đã ở đó vào ngày 11-9. Nhiều năm sau, tôi vẫn làm việc ở đó, chúng tôi chưa từng được cảnh báo chuyện gì có thể xảy ra”, Febrillet, bà mẹ ba con, nói.

Richard Fahrer, năm nay 37 tuổi, dù không ở hiện trường hôm xảy ra khủng bố, nhưng thường xuyên làm khảo sát đất đai trong thời gian 2001 - 2003 ở phía Nam Manhattan, nơi WTC sập, khi đó anh mới 19 tuổi. 18 tháng trước, anh được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng xâm lấn, căn bệnh thường xuất hiện ở đàn ông lớn tuổi và trong gia đình Fahrer không ai có tiền sử bệnh.

Febrillet và Fahrer đại diện cho một nhóm bệnh nhân, những người sống hoặc làm việc gần WTC, dù không nằm trong số hàng nghìn nhân viên cấp cứu có mặt khi khủng bố xảy ra hay những người đã dành nhiều tháng trời dọn dẹp hiện trường, nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng không kém. Những năm vừa qua, New York tiếp tục chứng kiến số người mắc bệnh ung thư hoặc những bệnh nghiêm trọng khác vì liên quan tới đám khói độc bao phủ Manhattan trong vài tuần sau vụ tấn công.

Vụ tấn công 11-9 giải phóng một lượng hóa chất lớn chưa từng có vào không khí, bao gồm dioxin, amiăng và nhiều chất gây ung thư khác. Lính cứu hỏa, những người có mặt đầu tiên tại hiện trường và tình nguyện viên giúp đỡ dọn dẹp trong nhiều tháng là nhóm người đầu tiên bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu cho thấy họ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư và tim mạch. 

Theo Chương trình Sức khỏe Trung tâm Thương mại Thế giới, 10.000 người trong số họ bị chẩn đoán mắc ung thư. Cuối tháng 6 vừa qua, 21.000 người không thuộc nhóm có mặt đầu tiên, cũng được đưa vào chương trình. Con số này nhiều gấp đôi so với tháng 6-2016. Trong số này, gần 4.000 người mắc ung thư, phổ biến nhất là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư da.

Người dân New York sững sờ trước thảm họa. Ảnh Getty Images. 

Mỹ sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố

Sự kiện 11-9 là vụ tấn công do nước ngoài tổ chức trên lãnh thổ Mỹ gây thiệt hại lớn nhất kể từ sau trận chiến Trân Châu Cảng tại Hawaii vào Thế chiến II. Washington bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố với quy mô toàn cầu. Chiến trường Afghanistan trở thành cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ mà đến nay chưa kết thúc. Người ta vẫn nói, Mỹ “sa lầy” ở Afghanistan.

Ngày 9-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các cuộc đàm phán với Taliban đã “chết”. Ông Trump trước đó đã hủy cuộc đàm phán với Taliban được lên kế hoạch diễn ra tại Trại David, Maryland, vào cuối tuần sau khi một binh sĩ Mỹ thiệt mạng do vụ đánh bom tự sát tại Kabul, Afghanistan, hồi tuần trước. “Các cuộc đàm phán đã chết. Theo như những gì tôi biết”, ông Trump phát biểu trước báo giới.  8 vòng đàm phán được tổ chức trong thời gian qua với nỗ lực đem lại hòa bình cho Afghanistan, nhằm đạt được cam kết từ Taliban rằng Afghanistan sẽ không biến thành sào huyệt của chủ nghĩa khủng bố chống Mỹ và các đồng minh cũng như rút binh sĩ Mỹ khỏi cuộc chiến mà Washington đã sa lầy suốt 18 năm qua.

Ông Trump từng hy vọng rằng sẽ có thể kéo dài thêm nhiều tháng đàm phán với Taliban, phiến quân kiểm soát phần lớn Afghanistan, với một cuộc gặp bí mật tại Trại David có mặt của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Mặc dù chính phủ Afghanistan rất thận trọng trong đàm phán với Taliban, ông Trump vẫn hy vọng có sự tham gia của cả hai bên trong cuộc đàm phán rút quân và đi đến một thỏa thuận. Một dự thảo thỏa thuận được ông Trump thông qua hồi tuần trước trong đó bao gồm việc rút 5.000 binh sĩ Mỹ trong những tháng tới. Rút quân Mỹ khỏi Afghanistan là một trong những ưu tiên về chính sách của ông Trump. Tổng thống Mỹ từng cho biết ông vẫn cân nhắc việc rút toàn bộ 14.000 binh sĩ Mỹ khỏi nước này. “Chúng tôi muốn rút khỏi (Afghanistan) nhưng chúng tôi sẽ chọn đúng thời điểm”, ông Trump nói.

Một Trung tâm thương mại hoành tráng mọc lên gần nơi từng là WTC cũ, nhưng nước Mỹ vẫn còn nhiều mối lo 18 năm sau thảm họa. Ảnh Getty Images. 

Tuy nhiên, với việc các cuộc đàm phán “chết yểu”, nhiều người lo ngại về tình trạng bạo lực gia tăng trên khắp Afghanistan. Taliban đã đẩy mạnh các cuộc tấn công ngay cả khi các cuộc đàm phán đang diễn ra trong những tuần gần đây. Tướng Hải quân Mỹ Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, ngày 9-9 cho biết, quân đội Mỹ có khả năng tăng cường các hoạt động ở Afghanistan để chống lại sự bùng nổ từ phía Taliban. Tướng Mỹ cho biết thêm rằng Taliban đã “vung tay quá trán” trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra với một loạt các vụ tấn công “công phu”, bao gồm cả vụ khiến một binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

Nhìn lại 18 năm qua sau thảm họa 11-9, một Trung tâm thương mại mới, One World Trade Center, sừng sững mọc lên giữa lòng New York như một niềm kiêu hãnh mới của thủ phủ tài chính nước Mỹ, một niềm tin được củng cố thêm về một nước Mỹ hùng mạnh và đang “vĩ đại trở lại”. Nhưng, thủ phạm đằng sau vụ tấn công vẫn chưa chính thức ra tòa và đồng nghĩa với điều đó là vẫn một niềm đau khắc khoải của thân nhân của hàng ngàn nạn nhân mãi mãi ra đi sau vụ tấn công đẫm máu và một niềm khát khao công lý phải được thực thi, vẫn còn hàng ngàn người chịu hệ quả sức khỏe lẫn tinh thần dù ngót hai thập kỷ đã qua đi, và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ vẫn chưa có lối thoát.


Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.