Mong manh thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc

Thứ Bảy, 07/12/2019, 12:12
Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa được thắp lên những tia hy vọng vào tháng 11 bằng những tuyên bố hòa hoãn giữa hai bên, nay lại vụt tắt bởi việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký thông qua luật về Hồng Kông. Kịch bản nào sẽ tiếp theo cho mối quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế thế giới?


Cái "by" ca đng Dân ch?

Ngay sau khi được lưỡng viện Quốc hội thông qua, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông (HKHRDA) đã trở thành mối lo ngại sâu sắc của những người nôn nóng chấm dứt thương chiến, vì tin rằng nó có thể trở thành một trở ngại khác cho thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Các nhà đàm phán từ cả hai bên vẫn chưa hoàn tất ngày và địa điểm để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, gặp nhau để ký thỏa thuận tạm thời sau khi kế hoạch ban đầu về việc hoàn tất các thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Chile đã thất bại khi sự kiện bị hủy bỏ.

Sự chậm trễ này đã để lại một loạt vấn đề, từ giảm thuế đến bảo vệ sở hữu trí tuệ, vẫn còn treo lơ lửng trên không. Trong khi các nhóm đàm phán vẫn giữ liên lạc, Dự luật Hồng Kông đã trở thành một nguồn căng thẳng mới sau khi nó thông qua cả hai viện của Quốc hội và được gửi đến Nhà Trắng để ông Donald Trump ký.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gọi dự luật là sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và nó đã làm lung lay niềm tin giữa hai quốc gia. "Ngay bây giờ, mối quan hệ Mỹ-Trung đã đi đến một ngã tư quan trọng", ông Vương nói trong cuộc gặp với William Cohen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tại Bắc Kinh hôm 19-11. "Nhưng chúng tôi rất tiếc khi thấy rằng một số chính trị gia ở Mỹ hiện đang bôi nhọ, tấn công, nói xấu Trung Quốc đến mức gần như điên rồ".

HKHRDA yêu cầu Chính phủ Mỹ đánh giá hàng năm về việc liệu Hồng Kông có đủ quyền tự chủ với đại lục để biện minh cho tình trạng kinh tế đặc biệt của nó hay không, ví dụ như bảo vệ khỏi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Phòng Thương mại Hồng Kông đã cảnh báo rằng luật pháp sẽ làm suy yếu niềm tin kinh doanh và có tác động tiêu cực đến thành phố.

Mặc dù việc thông qua luật của họ không nhất thiết có nghĩa là chính sách của Mỹ đối với Hồng Kông thay đổi ngay lập tức, nhưng nó vẫn có nguy cơ cản trở các cuộc đàm phán thương mại. Chính vì vậy, một số người theo thuyết âm mưu tin rằng đây là "bẫy" của đảng Dân chủ dành cho ông Trump, đưa ông vào thế khó, bởi nếu không ký, ông sẽ bị chỉ trích là không bênh vực dân chủ và nhân quyền, còn nếu ký, ông sẽ có nguy cơ thất bại hoàn toàn trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Vẫn còn củ cà rốt?

Trong khi ký các dự luật, Tổng thống Donald Trump tỏ dấu hiệu rằng ông không muốn mối quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc bị tác động. Ông bày tỏ mối quan ngại với các phần không xác định của luật mới, nói chúng có nguy cơ can thiệp vào chính sách đối ngoại của Mỹ. 

"Tôi đã ký các dự luật này vì sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và người dân Hồng Kông", Tổng thống nói trong một tuyên bố. "Đạo luật đang được ban hành với hy vọng rằng các nhà lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc và Hồng Kông sẽ có thể giải quyết một cách thân thiện sự khác biệt của họ dẫn đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người".

Chứng khoán châu Á đã bị xáo trộn và hợp đồng tương lai của Mỹ trượt dốc sau khi Tổng thống Trump ký dự luật, trong khi đồng yên giảm nhẹ và đồng nhân dân tệ thấp hơn. Cổ phiếu Hồng Kông là một trong những cổ phiếu bị ảnh hưởng tồi tệ nhất. Trước đó, ông Trump cho biết hai bên đã tham gia vào vòng "chung kết" về một thỏa thuận sẽ bắt đầu nới lỏng thuế quan đối với khoảng 500 tỷ đô la sản phẩm thương mại giữa 2 nước.

Tổng thống Donald Trump muốn có thỏa thuận để giảm bớt sự bất ổn về kinh tế cho chiến dịch tái tranh cử của ông vào năm 2020, và ông đã đưa ra khả năng ký kết thỏa thuận tại một tiểu bang chuyên về nông nghiệp như một sự thừa nhận về khu vực bầu cử phải gánh chịu thuế quan của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang tìm cách tránh thiệt hại hơn nữa khi nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ.

"Trung Quốc nổi giận vì dự luật sẽ thúc đẩy những người biểu tình ở Hồng Kông ngày càng trở nên bạo lực trong nỗ lực bảo đảm các yêu cầu bao gồm một cuộc điều tra độc lập về sự lạm dụng của cảnh sát và các cuộc bầu cử công bằng, nhưng có lẽ nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các cuộc đàm phán thương mại", theo David Zweig, Giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuyên quốc gia Trung Quốc. 

Ông nói đây không phải là một thách thức cơ bản đối với các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc: "Tôi nghĩ đó sẽ là một phản ứng ngắn hạn, thậm chí không phải là phản ứng trung hạn, ông Tập muốn có một thỏa thuận".

Hơn nữa, việc ký dự luật của Tổng thống Donald Trump là chuyện chẳng đặng đừng, ông có rất ít sự lựa chọn ngoài việc ký nó. Hai viện đã thông qua nó gần như tuyệt đối. Nếu ông phủ quyết, các nhà lập pháp với tỷ lệ ủng hộ dự luật gần như tuyệt đối sẽ phủ quyết bất kỳ quyền phủ quyết nào của tổng thống. Vì vậy, buộc lòng ông phải ký thành Đạo luật. Tuy nhiên, ông vẫn còn nắm trong tay một củ cà rốt, đó là việc thực thi HKHRDA ra sao do ông quyết định, vì chính là người đứng đầu bộ phận hành pháp của nước Mỹ. 

Ông có thể "gợi ý" nhẹ với ông Tập rằng việc ông vận dụng toàn bộ Đạo luật để "dìm" Trung Quốc hay chỉ thực thi từng phần của Đạo luật hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc tỏ thái độ hợp tác và ký vào bản thỏa thuận thương mại áp đặt của Mỹ, thì ông chỉ giới hạn đạo luật nhắm vào Hồng Kông.

Trung Quốc vẫn ở thế yếu?

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vì việc ông Trump ký ban hành luật mà nổi nóng, hủy bỏ đàm phán, thì sẽ hứng chịu sự trả đũa khốc liệt hơn của vị tổng thống khó đoán nhất lịch sử nước Mỹ. Tin cho biết ngoài Đạo luật Hồng Kông, Mỹ vẫn còn hơn 100 dự luật khác nhắm vào Trung Quốc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Trên thực tế, Mỹ không muốn nhìn thấy nông dân trong nước bị thương tổn bởi đòn trả đũa của Trung Quốc, ngược lại Bắc Kinh cũng muốn ký vào bản thỏa thuận thương mại áp đặt của Tổng thống Trump để giải quyết tình thế nạn khủng hoảng đậu nành và thịt heo khi mùa Đông đã tới và Tết cũng đến gần. Tuy nhiên, với diễn biến mới nhất, vẫn không rõ hai bên sẽ đi theo kịch bản nào.

Nếu Trung Quốc từ chối ký thỏa thuận để phản đối HKHRDA, sẽ có một số vấn đề. Thứ nhất, vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông là một cửa ngõ cực tốt để Bắc Kinh thu hút đầu tư nước ngoài vào Hoa lục. Nếu Bắc Kinh từ chối ký thỏa thuận, thế giới sẽ nhìn nhận rằng Trung Quốc đặt nặng sự ổn định chính trị hơn vai trò kinh tế của Hồng Kông. Khi đó, thị trường chứng khoán tại Hồng Kông sẽ sụp đổ, kéo theo dòng vốn hóa của Trung Quốc ở đại lục cũng lao dốc, tạo hiệu ứng domino cho thị trường địa ốc và ngân hàng vốn đã bất ổn từ lâu.

Sự hỗn loạn và sụp đổ thị trường chứng khoán, địa ốc và sự tháo chạy của dòng vốn ngoại sẽ cộng hưởng với hỗn loạn xã hội do khủng hoảng đậu nành, thịt heo, thất nghiệp... sẽ là cơn địa chấn đối với toàn bộ cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng xã hội của Trung Quốc. Khi đó, khả năng các đối tác thương mại lớn trên thế giới như Nhật Bản, châu Âu, Ấn Độ sẽ hòa điệu với Mỹ gây khó dễ Trung Quốc, cộng với Hiệp định thương mại USMCA (Mỹ-Mexico-Canada) sẽ khiến chuỗi cung ứng của Trung Quốc thất thủ.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh vẫn ký vào bản thỏa thuận bất chấp HKHRDA, đồng nghĩa với việc thừa nhận "lép vế" trước Washington. Khi đó, Mỹ có thể nhân đà thắng thế mà siết chặt gọng kìm, trong khi uy tín của ông Tập ở trong nước có thể sẽ bị sụt giảm. Trong khi đó, nếu không đạt được thỏa thuận, có thể tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ bị giảm sút, đây là một trò chơi lưỡng bại câu thương.

Bàng Cương
.
.
.