Hiện trạng của mối quan hệ Nga – Mỹ

Thứ Bảy, 09/06/2018, 10:49
Hồi cuối tuần trước, một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng, Nhà Trắng đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, hôm 4-6, Điện Kremlin cho biết, Nga hiện vẫn chưa nhận được thông tin gì từ Mỹ về vấn đề trên, kể từ sau cuộc điện đàm giữa hai vị Tổng thống Nga – Mỹ vào tháng 3 vừa qua. 

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin chỉ ra rằng, những mâu thuẫn chính trị tại Mỹ đã gây khó khăn cho việc sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và người đồng cấp Mỹ.

Hiện trạng quan hệ Nga - Mỹ

Cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 dẫn đến trên chính trường Mỹ đấu tranh nội bộ liên tục, Nga trở thành “người chịu tội thay”. 

Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump bị cáo buộc thông đồng với Nga gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Cùng với việc Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn bị buộc phải từ chức, nhiều phụ tá bị truyền thông truy đuổi đến cùng, cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 dần dần biến thành vụ bê bối khiến người đứng đầu Nhà Trắng khó xử. 

Tới mức, ông chỉ có thể “gặp ngẫu nhiên” người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam. 

Tuy cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 này phần nhiều thể hiện sự đấu tranh nội bộ giữa các nhóm tinh hoa ở Mỹ, nhưng cũng cho thấy quan hệ Nga – Mỹ rắc rối và tinh thần chống Nga đã “ăn sâu bén rễ”.

Thứ hai, chuyến thăm đầu tiên mà Tổng thống Mỹ lựa chọn là Trung Đông, đã phản ánh truyền thống coi trọng Trung Đông xưa nay của đảng Cộng hòa. 

Sự đọ sức giữa Mỹ và Nga ở Trung Đông có thể coi là đã được chuẩn bị sẵn sàng. Một là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cam kết sẽ tiêu diệt cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng vài năm trở lại đây đã rơi vào tình cảnh khó xử càng chống càng khủng bố ở Syria. 

Ngược lại, Nga trong thời gian chưa đầy 2 năm đã tiêu diệt phần lớn IS, giúp Syria giành lại được 90% lãnh thổ. Hai là sự dao động không ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vốn bắt tay với Mỹ và Saudi Arabia phản đối chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng sau khi trải qua những vụ tấn công khủng bố trong nước liên tiếp và cuộc đảo chính bất thành đã chuyển sang dựa vào phe Nga. Moscow và Ankara hóa thù thành bạn là thành quả chiến đấu lớn về chiến lược của Nga ở Trung Đông.

Ba là âm mưu của Mỹ thành lập nhà nước riêng của người Kurd thất bại. Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq đều phản đối người Kurd thành lập nhà nước, Nga cũng phản đối nên là đồng minh tự nhiên của các nước này.

Bốn là Mỹ chưa đạt được mục đích chia rẽ phe Hồi giáo dòng Shiite ở Trung Đông. Các nước như Iran, Iraq, Syria, Liban và Yemen... theo phe Hồi giáo dòng Shiite ủng hộ lẫn nhau, còn Qatar theo phe Hồi giáo dòng Sunni lại xoa dịu quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối cùng, cuộc cạnh tranh Mỹ-Nga có thể leo thang thành cục diện đối đầu toàn diện, hai nước đều coi đối phương là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích bản thân.

Quan hệ Nga – Mỹ về cơ bản là khó có thể thay đổi.

Khó có thể thay đổi về cơ bản

Trái ngược với mong đợi khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, quan hệ Nga – Mỹ khó có thể thay đổi về cơ bản. Trước tiên, cuộc đọ sức Nga – Mỹ ở Trung Đông nhìn tưởng như đã tạm thời kết thúc, nhưng trên thực tế lại nhen nhóm hành động tiếp theo. 

Cùng với phần lớn IS bị tiêu diệt, mâu thuẫn giữa hai nước ở Syria lại lộ rõ. Quý III năm 2017, Mỹ tăng thêm 33% binh lính ở Trung Đông. Tờ Daily News của Mỹ cho biết, năm 2018 Mỹ sẽ cung cấp vũ khí trị giá khoảng 393 triệu USD cho Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) lấy người Kurd là chính, chi thêm hơn 100 triệu USD để huấn luyện 30.000 “lính an ninh biên giới”.

Tuy nhiên, việc tổ chức thành công Hội nghị đối thoại toàn Syria ở Sochi của Nga có nghĩa là Mỹ đã bị gạt ra ngoài tiến trình chính trị ở Syria, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ không chịu “ngậm đắng nuốt cay”.

 Ngoài ra, phiến quân Houthi chống Mỹ đã kiểm soát Yemen, Iran bất ổn cũng đã giữ được vị thế. Nhưng việc ông Trump hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ trở thành đối tượng đọ sức mới giữa Mỹ và Nga. Đấy là chưa kể đến việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “hóa thù thành bạn”.

Thứ hai, không loại trừ Mỹ một lần nữa tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngày 8-11-2017, Quốc hội Mỹ đã cấp 4,6 tỷ USD kinh phí dùng cho kế hoạch thực thi kiềm chế Nga ở châu Âu, tăng cường tiềm lực quân sự của Mỹ ở châu Âu và lòng tin đối với các đồng minh NATO. 

Kế hoạch này trong đó có 350 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine và 100 triệu USD dùng để tăng thêm khả năng phòng thủ cho các nước Baltic. Mỹ bán tên lửa chống tăng cho Ukraine, là muốn thông qua “ngòi nổ” cuộc khủng hoảng Ukraine hướng cuộc hỗn loạn ở Trung Đông sang phía Đông Âu. 

Sự hỗn loạn ở Đông Âu sẽ khiến cho nền kinh tế EU cất bước khó khăn hơn. Châu Âu vừa cần Nga giúp cân bằng sức ép quân sự của Mỹ, vừa cần nguồn tài nguyên của nước này để xóa bỏ mối nguy hại từ việc độc quyền nguồn năng lượng của Trung Đông mà Mỹ kiểm soát. Châu Âu và Nga phụ thuộc lẫn nhau có không ít lợi ích chung, nhưng không né tránh được cạm bẫy do Mỹ đặt ra ở Ukraine.

Thứ ba, Mỹ sẽ không ngừng gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt gần đây bao gồm rút ngắn thời hạn cho vay đối với các công ty tài chính của Nga, điều này tác động đến các ngân hàng phương Tây cho các doanh nghiệp Nga vay tiền; gia tăng mức độ trừng phạt về công nghệ, trong đó có tiêu thụ phần mềm của Microsoft. 

Các biện pháp trừng phạt tài chính tuy từng khiến cho Nga rơi vào tình trạng khó khăn, nhưng quan hệ kinh tế Nga – Mỹ có giới hạn, châu Âu phối hợp một cách dè dặt, cộng thêm việc Trung Quốc kịp thời dang tay giúp đỡ, nền kinh tế Nga đã dần dần phục hồi nguyên khí.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.