Những yếu tố khiến quan hệ Nga – Mỹ “xuống dốc”

Thứ Ba, 26/12/2017, 08:16
Xác định Nga và Trung Quốc là hai đối thủ thách thức chính, cấm vận một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin và quyết định cung cấp “những khả năng phòng thủ cao” cho Ukraine là những yếu tố đang làm xói mòn mối quan hệ vốn có chiều hướng ấm nồng trở lại giữa Nga và Mỹ. Bên cạnh đó, những động thái này của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump còn được cho là sẽ khiến gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước năm 2018.


Những động thái tiêu cực

Trong Chiến lược ANQG được công bố hôm 19-12, người đứng đầu Nhà Trắng nêu rõ, Nga và Trung Quốc là các quốc gia “thách thức quyền lực, sự ảnh hưởng cùng các lợi ích của Mỹ, tìm cách làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”. Nga muốn hình thành một thế giới đối nghịch với các giá trị và lợi ích của Mỹ, nhằm làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế của Washington và “chia rẽ Mỹ khỏi các đồng minh và đối tác”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả chiến lược này là “hung hăng” và Moscow sẽ xem xét quan điểm này của Washington. Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, Chiến lược ANQG mới của Mỹ “hoàn toàn mang ý nghĩa công kích… nếu xét về mặt ngôn từ ngoại giao. Và nếu như hiểu theo ngôn ngữ quân sự thì tính chất của chiến lược hoàn toàn là gây hấn”. Từ đó, Tổng thống Vladimir Putin lưu ý rằng, Nga “phải tính đến điều này trong công việc thực tiễn”.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh việc xây dựng một quân đội thế hệ mới, cho rằng Nga cần phải nằm trong số các quốc gia dẫn đầu, thậm chí trong một số lĩnh vực phải tuyệt đối đi đầu để có đủ năng lực đảm bảo chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, Nga cần phải theo sát những thay đổi trong cán cân quyền lực của thế giới, đặc biệt tại những khu vực gần biên giới quốc gia Nga và tại khu vực châu Âu nói chung.

Mỹ đang đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.

Tiếp sau việc công bố Chiến lược ANQG mới, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22-12 cho biết nước này sẽ cung cấp cho Ukraine “các năng lực phòng vệ tăng cường”, đồng thời tuyên bố rằng, sự giúp đỡ của Mỹ hoàn toàn mang bản chất tự vệ. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Washington cấp phép xuất khẩu để Kiev mua một số loại vũ khí hạng nhẹ từ các nhà sản xuất Mỹ.

Quyết định này của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích từ phía Nga. Moscow cho rằng, việc Washington cung cấp cho Kiev “những khả năng phòng thủ cao” được coi là một quyết định nguy hiểm bởi nó sẽ khuyến khích Kiev sử dụng vũ lực tại Đông Ukraine.

Chưa hết, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert còn cáo buộc Nga là nguồn cơn của tình trạng bạo lực ở miền đông Ukraine. Một ngày sau đó, Washington công bố các lệnh trừng phạt mới đối với 3 người Nga và 2 người Chechnya, trong đó có ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo nước Cộng hòa Chechnya của Nga và là một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, quyết định của Mỹ một lần nữa làm hủy hoại thỏa thuận Minsk - được Ukraine, Nga, Đức và Pháp ký vào đầu năm 2015 nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin nhấn mạnh việc cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào trong thời điểm hiện nay sẽ khuyến khích những người ủng hộ xung đột tại Ukraine sử dụng “kịch bản vũ lực”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Franz Klintsevich, lưu ý rằng, Kiev sẽ xem việc cung cấp khả năng phòng thủ này là sự ủng hộ các hành động của Ukraine. Ông Klintsevich nêu rõ: “Trên thực tế, Mỹ đã thúc đẩy các lực lượng Ukraine tiến tới chiến tranh”.

Thêm một động thái tiêu cực từ phía Mỹ nữa là, Lầu Năm Góc hôm 21-12 cáo buộc Nga đang cố tình vi phạm thỏa thuận giữa Washington và Moscow trong nỗ lực tránh các vụ tai nạn quân sự trên không tại Syria, sau cuộc chạm trán không an toàn gần đây giữa các máy bay F-22 của Mỹ và Su-25 của Nga.

Chất xúc tác kết dính Nga và Trung Quốc

Nga và Trung Quốc được xem có cùng quan điểm không muốn Mỹ tiếp tục giữ vị thế số 1 thế giới. Đây chính là lý do, trong thời gian qua, Moscow và Bắc Kinh luôn đồng tình với nhau trong cách giải quyết nhiều vấn đề như cuộc chiến ở Syria, khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên hay phản đối truyền thống của Mỹ dùng vũ lực để giành được các mục tiêu địa chiến lược.

Theo nhận định của giới chuyên gia, sức ép của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc có thể gián tiếp khiến quan hệ giữa 2 quốc gia này lại gần nhau hơn nữa và một liên minh quân sự (giống như NATO) và kinh tế thân thiết có thể hình thành. Chính sách khó đoán định cùng với quan điểm “Nước Mỹ là số một” của Tổng thống Donald Trump dường như buộc Moscow và Bắc Kinh phải bắt tay làm giảm ảnh hưởng của Washington trong khu vực.

Nhà chiến lược chuyên nghiên cứu về Trung Quốc Andrew K P Leung chỉ ra rằng, về mặt địa chính trị, Nga và Trung Quốc luôn cùng có chung quan điểm trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Quân đội hai nước cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung như cuộc diễn tập tấn công tên lửa mới được tổ chức tại Bắc Kinh. Hành động này thể hiện sự tin tưởng giữa quân đội hai nước trong phương thức giải quyết các mối đe dọa chung. Do đó, khả năng thiết lập liên minh chính trị - quân sự giữa 2 nước này phụ thuộc phần lớn vào áp lực từ phía Mỹ. Điều này phần nào được thể hiện trong các cuộc tập trận chung Nga – Trung trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, theo chuyên gia về Trung Quốc Yuri Tavrovsky tại Đại học Hữu nghị Nhân dân Nga, Nga và Trung Quốc hoàn toàn có tiềm năng phát triển quan hệ, đồng thời cho rằng, nếu Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục ngồi vào ghế tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2018, kịch bản hợp tác giữa Moscow – Bắc Kinh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Vị chuyên gia này cho rằng, quan hệ Nga - Trung hiện tại đang trong tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, ám chỉ tới sự nhiệt tình cải thiện quan hệ của Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dù hai nước vẫn chưa thiết lập mối quan hệ kinh tế nền tảng.

Quan điểm này cũng được Đại sứ Trung Quốc tại Nga mới đây đề cập tới khi ông cho rằng, mối quan hệ Nga – Trung là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới” và cũng là mối quan hệ tốt đẹp nhất giữa các nước có nền kinh tế mạnh. Nhận xét về luận điểm này, nhà kinh tế học Sergey Lukonin tại Viện Các mối quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới cho rằng, đây chỉ là một dạng ngôn ngữ ngoại giao.

Đặng Hà (tổng hợp)
.
.
.