Đường đến ghế Tổng thống lần 6 và những thách thức đang chờ Lukashenko

Thứ Hai, 10/08/2020, 21:30
Sau gần 3 thập kỉ cầm quyền, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko sẽ bước vào nhiệm kì thứ 6 với áp lực phải đổi mới để phát triển kinh tế, xoa dịu đám đông phản đối và dung hòa mối quan hệ giữa Nga- phương Tây.


Nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất châu Âu

Ủy ban Bầu cử Trung ương Belarus (CEC) chiều 10/8 (giờ Hà Nội) thông báo đương kim Tổng thống Aleksandr Lukashenko giành chiến thắng áp đảo trước các ứng viên còn lại trong cuộc bầu cử diễn ra một ngày trước đó với 80,23% số phiếu ủng hộ của người dân, theo thông tấn BelTA.

Ông Lukashenko bước ra khỏi phòng bỏ phiếu ngày 9/8. Ảnh: DPA

Số phiếu dành cho Lukashenko cao gấp 8 lần đối thủ nặng kí nhất, ứng viên tự do Svetlana Tikhanovskaya, người nhận được 9,9% số phiếu ủng hộ. Theo ước tính sơ bộ của CEC, số cử tri tại quốc gia 9 triệu dân này đi bỏ phiếu là gần 5,8 triệu người, trong đó số người ủng hộ ông Lukashenko là hơn 4,65 triệu.

Dù bà Svetlana Tikhanovskaya không công nhận kết quả bầu cử, song các quan sát viên quốc tế đã xác nhận cuộc bầu cử diễn ra theo đúng pháp luật. Một loạt nhà lãnh đạo, gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Khazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã chúc mừng ông Lukashenko. Những động thái trên cho thấy kết quả bầu cử ở Belarus là không thể thay đổi.

Ông Lukashenko, sinh năm 1954, lãnh đạo đất nước trong vai trò Tổng thống Belarus nhiệm kì đầu tiên từ năm 1994, khi ông 40 tuổi. Đây là lần thứ 6 liên tiếp Lukashenko thắng cử, giúp ông lãnh đạo đất nước đến ít nhất năm 2025, khi ông 71 tuổi, và trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất châu Âu thời hiện đại.

Lukashenko bắt đầu sự nghiệp chính trị từ sớm, khi được bầu chọn làm thành viên Hội đồng Tối cao Belarus vào năm 1990 sau nhiều năm phục vụ trong quân đội Xô Viết và cơ quan nông nghiệp ở Belarus. Theo Reuters, Lukashenko là đại biểu duy nhất trong quốc hội bỏ phiếu chống lại việc giải thể Liên Xô để lập ra Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG/CIS) thay thế năm 1991.

Khi Belarus tách khỏi Liên Xô, Lukashenko được xem là nhân vật chống tham nhũng nổi tiếng và được bầu chọn vào ghế Chủ tịch ủy ban chống tệ nạn này của quốc hội. Đến 1993, ông đã buộc tội 70 người, bao gồm cả cựu Chủ tịch Quốc hội Belarus Stanislav Shushkevich vì biển thủ công quỹ, buộc ông này phải từ chức sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ông Lukashenko bắt tay cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi hai người đứng cạnh cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: ITN

Trong cuộc bầu cử năm 1994, thời điểm Belarus có hiến pháp mới, Lukashenko giành hơn 45% số phiếu bầu, cao nhất trong số 6 ứng viên trong đợt bỏ phiếu đầu tiên. Bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai do không ai giành đủ số phiếu cần thiết, Lukashenko thắng đậm với hơn 80% số phiếu ủng hộ.

Một thời gian ngắn sau khi đắc cử, Lukashenko có bài phát biểu nổi tiếng tại Hạ viện Nga khi đề nghị thành lập một liên minh với Nga, mở đường cho việc hai bên ký một hiệp ước năm 1999 về việc xây dựng Nhà nước Liên minh Nga-Belarus (State Union) – văn kiện xác lập quan hệ đồng minh gần cận giữa hai nước.

Trong cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra năm 2001, Lukashenko giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu là 75,65%. Trong kì bỏ phiếu năm 2006, Lukashenko giành chiến thắng với khoảng 84% phiếu bầu.

Theo RIA Novosti, vài tháng sau cuộc bầu cử năm 2006, Lukashenko gây "sốc" với tuyên bố thừa nhận ông đã gian lận bầu cử để… chống lại mình khi yêu cầu chính phủ công bố ông thắng cử với 86% phiếu bầu, trong khi ông giành được 93,5% số phiếu. “Chúng tôi đã làm sai lệch kết quả bầu cử. Chúng tôi giành 93,5%, song họ nói không phải một chỉ số của châu Âu. Tôi đã sửa nó thành 86%”, Lukashenko nói.

Năm 2010 và 2015, Lukashenko tiếp tục duy trì chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống Belarus với số phiếu ủng hộ lần lượt là 79.65% và 84,14%.

Dưới thời ông Lukashenko, Belarus đã có nhiều thay đổi về kinh tế- xã hội. GDP nước này vào năm 1994 chỉ đạt chưa đầy 15 tỷ USD, tăng lên gần 79 tỷ USD vào năm 2014. Tuy nhiên, do phụ thuộc nhiều vào Nga, từ thời điểm kinh tế Nga lao dốc năm 2014 do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây, GDP của Belarus cũng giảm theo, chỉ đạt gần 48 tỷ USD vào năm 2016.

Những thách thức chưa từng có phía trước

Người biểu tình đụng độ cảnh sát ở Minsk. Ảnh: ITN

Ngay sau cuộc bỏ phiếu ngày 9/8, làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử nổ ra ở Minsk và nhiều nơi khác, kéo dài sang ngày 10/8, buộc lực lượng an ninh phải xuất hiện để trấn áp. RIA Novosti dẫn lời phóng viên từ hiện trường cho biết sáng 10/8 ở Minsk đã vang lên các tiếng nổ, xuất hiện khói bay lên trời.

Một số nguồn tin cho rằng có người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, nhưng Bộ Nội vụ Belarus bác bỏ tin này và nói rằng gần 90 người bị thương. Cơ quan này cũng xác nhận 3.000 người bị bắt trong các cuộc biểu tình, gồm 1.000 người ở thủ đô Minsk – con số lớn chưa từng có.

Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) họp khẩn về tình hình ở Belarus với lí do rằng “chúng ta phải hỗ trợ người dân Belarus trong hành trình tìm tự do”. Belarus chưa bình luận về thông tin này. Có quan chức châu Âu tiết lộ rằng các cuộc tham vấn về Belarus đang diễn ra.

Một số người cảnh báo tình hình có thể leo thang giống những gì xảy ra ở Ukraine vào năm 2013, vốn dẫn đến việc Tổng thống Victor Yanukovich bị lật đổ và cuộc nội chiến kéo dài đến tận ngày nay ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, trong tuyên bố trấn an người dân ngày 9/8, Lukashenko nhấn mạnh ông sẽ không để Belarus bị lôi kéo vào hỗn loạn và xung đột.

Thủ đô Ukraine tan hoang vì phong trào Maidan. Ảnh: ITN

“Không ai được đánh giá thấp tình hình nhưng hoàn toàn không có cơ sở để nói rằng bắt đầu từ ngày mai, đất nước Belarus sẽ bị kéo vào hỗn loạn hoặc bất kỳ cuộc tranh đấu, đối đầu hay thậm chí là nội chiến nào. Tôi xin nói với các bạn điều này một cách chân thành và đảm bảo”, ông Lukashenko nói.

Chưa rõ các biện pháp mà ông Lukashenko đưa ra là gì, nhưng rõ ràng nó cần quyết liệt và mới mẻ để đáp ứng kì vọng của những người không hài lòng với ông. Đây được xem là một nỗ lực rất khó bởi nước này có vị trí địa lý chiến lược nằm giữa Nga- phương Tây và gắn kết rất khăng khít với Nga về lịch sử, văn hóa, tôn giáo....

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Belarus và Nga đang chứng kiến không ít bất đồng. Trước kì bầu cử 10 ngày, Belarus bắt giữ 33 công dân Nga và truy tìm khoảng 170 người khác với cáo buộc những người này cấu kết với phe đối lập âm mưu gây bất ổn. Nga đã bác bỏ cáo buộc và khẳng định đây là âm mưu do một nước thứ ba tạo ra để gây bất ổn cho quan hệ giữa Moscow và Minsk.

Về phần mình, ông Lukashenko không ít lần lên án Nga kịch liệt. Giới quan sát bình luận, bỏ qua yếu tố xác thực của vụ lùm xùm, việc ông Lukashenko làm găng với Nga tạo lợi thế cho trong việc thúc đẩy quan hệ với các nước phương Tây, cũng đồng thời giúp ông có thêm ưu thế trong cuộc bầu cử và nhằm buộc các nước phương Tây cân nhắc lại nếu muốn leo thang căng thẳng với Minsk sau cuộc bầu cử. 

Ông Lukashenko hiện đang đối mặt phe đối lập ngày càng mạnh ở Belarus mà phe này được các nước phương Tây khích lệ.

Ông Lukashenko trước áp lực dung hòa quan hệ giữa Nga và phương Tây.

Gần đây, Belarus cũng đang tiến hành những bước đi hồi phục quan hệ với Mỹ. Tháng 2/2020, ông Mike Pompeo trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Belarus trong 25 năm. Tháng 6 vừa rồi, ông Lukashenko bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Oleg Kravchenko làm đại sứ tại Mỹ sau 12 năm chức vụ trên bị bỏ ngỏ.

Trước một số ý kiến đồ đoán rằng Belarus đang muốn tách khỏi Moscow để tiến gần hơn với phương Tây, giống những gì mà một số quốc gia láng giềng với Nga đang thực hiện, giới quan sát nhận định khả năng này rất khó có thể xảy ra. 

Phát biểu trước toàn thể nhân dân ngay cuộc bầu cử ngày 9/8, Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh: “Nga luôn luôn và sẽ là đồng minh thân thiết nhất của chúng ta dù ai nắm quyền ở Nga hay Belarus…Điều này được cả hai dân tộc coi trọng, ngay cả khi (chính quyền) Nga bắt đầu coi chúng tôi như đối tác thay vì anh em”.

Trong diễn biến liên quan, trong điện gửi chúc mừng ông Lukashenko tái đắc cử ngày 10/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh hai nước sẽ luôn là các quốc gia “anh em”, đồng thời hối thúc Belarus cùng Nga thúc đẩy việc xây dựng Nhà nước Liên minh Nga-Belarus như hiệp ước đã kí năm 1999. 

Chưa rõ sau những lùm xùm vừa rồi, liệu Belarus dưới thời Lukashenko có tiến đến việc xây dựng Nhà nước Liên minh với Nga hay không và liệu ông sẽ dung hòa thế nào hai mối quan hệ với Nga- phương Tây để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh.

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.