Cuộc sống giàu chất thơ phía sau cánh cổng Hoàng cung Nhật Bản
Là "biểu tượng của Nhà nước và sự đoàn kết của nhân dân", Nhà vua Nhật Bản có quyền lực tối thượng. Thế nhưng, phía sau sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới muôn dân lại là cuộc sống giản dị, gần gũi nhưng vẫn đầy chất thơ của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko.
- 60 năm chuyện tình Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản
- Lễ đón Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu tại Phủ Chủ tịch
- Dấu ấn trong những chuyến công du của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản
Từ truyền thống trồng lúa, nuôi tằm...
Kể từ khi lên ngôi, Nhà vua và Hoàng hậu đã đi thăm chính thức 26 nước trong tổng số 57 nước đã đặt chân đến, cùng những chuyến đi đến tất cả 47 tỉnh thành và nhiều đảo ở vùng xa của Nhật Bản.
Mặc dù công việc vô cùng bận rộn với những chuyến đi nối liền nhau, thế nhưng hằng năm, noi theo gương vua cha - Nhật hoàng Showa, Nhà vua Akihito thường tự mình trồng và thu hoạch lúa, một loại cây truyền thống của Nhật Bản tại cánh đồng lúa trong hoàng cung.
Ảnh: Theo cuốn Their Majesties the Emperor and Empress of Japan |
Ảnh: Theo cuốn Their Majesties the Emperor and Empress of Japan |
Trong khi đó, Hoàng hậu Michiko vẫn duy trì công việc nuôi tằm tại trung tâm nuôi tằm Hoàng cung với sự giúp đỡ của nhiều nhân lực. Bà nuôi tằm bằng lá dâu, noi theo gương Hoàng hậu Dowager Shoken, vợ của Nhật Hoàng Minh Trị - cụ cố của nhà Vua hiện nay.
Mỗi mùa xuân, Hoàng hậu bắt đầu nuôi từ 120.000 đến 130.000 con tằm, chăm sóc chúng trong suốt hơn hai tháng và thu hoạch khoảng 150 kg kén tằm vào đầu hè. Một phần số tơ dùng để phục hồi lại phững trạng phục cổ có giá trị lịch sử được Hoàng gia gìn giữ từ thế kỷ thứ VIII tại Kho lưu trữ bảo vật hoàng gia Shosoin ở Nara.
Ảnh: Theo cuốn Their Majesties the Emperor and Empress of Japan |
Cho đến tình yêu với thơ ca, nghệ thuật
Nhà vua và Hoàng hậu cùng có chung niềm đam mê với thơ waka - một thể loại thơ cổ có xuất xứ từ Hợp tuyển thơ ca Manyoshu. Sáng tác waka cũng là một truyền thống lâu đời trong gia đình hoàng tộc Nhật Bản.
Ảnh: Pinterest |
Năm 1986, Hoàng hậu Michiko, lúc đó đang là công nương, lần đầu tiên cho ra mắt tập waka mang tên Tomoshibi (Ánh sáng). Năm 1997, nhằm đáp lại yêu cầu tha thiết của người dân, Hoàng hậu đã cho ra mắt tuyển tập thơ thứ 2 mang tên Se-oto (Tiếng suối).
Cứ tháng 1 hàng năm, Nhà vua cho tổ chức Lễ hội đọc thơ năm mới trong Hoàng cung. Tại đây, 10 bài thơ waka hay nhất trong tổng số 20.000 tác phẩm do người dân sáng tác và đăng ký sẽ được ngâm thơ theo cách truyền thống, cùng với waka do Nhà vua, Hoàng hậu và các thành viên hoàng gia sáng tác.
Ảnh: Reuters |
Năm 1999, để kỷ niệm 10 năm Nhà vua lên ngôi, cuốn sách Michi (Con đường) được biên soạn và xuất bản, gồm tuyển tập các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn tại các cuộc họp báo và thơ waka của Nhà vua và Hoàng hậu. Năm 2009, phần tiếp theo của cuốn sách được xuất bản để kỷ niệm 20 năm ngày lên ngôi của Nhà vua.
Và cả những niềm đam mê học thuật riêng tư
Nhà vua Akihito rất quan tâm đến cuộc sống muôn loài và công tác bảo tồn thiên nhiên. Nhiều năm qua, Nhà vua đã nghiên cứu phân loại các loại cá bống, một loại cá nhỏ sống ở nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Là thành viên của Hội Ngư học Nhật Bản, Nhà vua đã cho xuất bản 30 bài báo trên tạp chí của Hội từ năm 1963-1989 và 2 bài báo đồng tác giả năm 2000. Ngài cũng là đồng tác giả của cuốn sách “Các loài cá Nhật Bản và đặc điểm chính của các loài thông qua hình ảnh”, xuất bản lần thứ 3 vào năm 2013.
Nhà vua Nhật Bản Akihito đã phát hiện ra giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ, khi làm luận án tiến sỹ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam những năm 1970. Năm 1974, Ngài đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên). Ảnh: Theo cuốn Their Majesties the Emperor and Empress of Japan |
Với các tác phẩm trong lĩnh vực này, Nhà vua đã được Hội Linnean London mời trở thành thành viên năm 1980 và được bầu làm thành viên danh dự của Hội năm 1986. Năm 1998, Nhà vua là người đầu tiên được nhận Huy chương Charles đệ nhị, do Hội Hoàng gia London trao tặng cho nguyên thủ các nước có đóng góp xuất sắc cho phát triển khoa học.
Nếu như Nhà vua Akihito dành sự quan tâm sâu sắc đến thiên nhiên và ngư học thì hoàng hậu Michiko lại đặc biệt say mê nghệ thuật với những hiểu biết uyên bác về văn học cổ điển Nhật Bản cũng như văn học thiếu nhi. Cuốn truyện tranh“Ngọn núi đầu tiên của tôi” do Hoàng hậu sáng tác xuất bản năm 1991 được đông đảo nhân dân Nhật Bản mến mộ.
Ảnh: Theo cuốn Their Majesties the Emperor and Empress of Japan |
Đặc biệt, bà đóng góp rất nhiều cho lĩnh vực dịch thuật Nhật Bản. Bà đã dịch 80 bài thơ của Michio Mado - nhà thơ thiếu nhi châu Á đầu tiên từng được tặng giải thưởng văn học Hans Christian Ardersen của Ủy ban Quốc tế về Sách giành cho người trẻ tuổi (IBBY) năm 1994.
Hoàng hậu còn rất yêu thích âm nhạc. Bà chơi piano và là người đệm đàn rất ăn ý cho Nhà vua, người chơi cello và cho Hoàng Thái tử Naruhito, người chơi viola và violon. Khi có thời gian, bà thích biểu diễn trong dàn nhạc thính phòng nhỏ với các bạn âm nhạc của bà.
Đưa Hoàng cung đến gần hơn với người dân Nhật
Kể từ khi lên ngôi vào năm 1989, Nhà vua cùng Hoàng hậu đã và đang thực hiện nhiều công việc với mục đích thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Lễ kỷ niệm 20 năm Nhà vua lên ngôi được tổ chức vào năm 2009 với các hoạt động, sự kiện nhiều màu sắc và sự tham gia của quần chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội.
Tháng 5-2007, Nhà vua lần đầu tiên quyết định cho mở cửa một phần khu vườn Fukiage - khu vườn trong khuôn viên Hoàng cung, vốn là nơi Ngài cùng các nhà khoa học nghiên cứu về thực vật - nhằm mục đích chia sẻ vẻ đẹp thiên nhiên với nhân dân.
Ảnh: Getty Image |
Trong Hoàng cung, Nhà vua và Hoàng hậu tổ chức hàng trăm buổi lễ, tiếp kiến và tiệc trà mỗi năm, tạo cơ hội gặp gỡ với nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, từ quan chức chính phủ, lãnh đạo địa phương, doanh nhân, cho tới nông dân, ngư dân, học giả và nghệ sĩ.
Ảnh: Pinterest |
Hoàng hậu Michiko cũng từng nói, bà mong muốn mãi là một người quan tâm đến những gì xảy ra trong xã hội, theo dõi và quan tâm đến người dân và luôn cầu nguyện cho hạnh phúc của muôn dân.
Trong thế giới hiện đại, cuộc sống của gia đình Hoàng tộc dần trở thành những bức màn đầy bí ẩn mà rất ít người có cơ hội hiểu thấu. Thế nhưng, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko với đức tính khiêm nhường và chân thành cùng sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của mình đã đem đến niềm tin, sự kính trọng và cảm giác gần gũi trong trái tim của người dân Nhật Bản.