Bác Hồ trong lòng kiều bào

Thứ Sáu, 17/05/2019, 08:18
Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, nhưng trong lòng người dân nước Việt dù ở nơi đâu vẫn mãi khắc ghi những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người được gọi bằng hai chữ thân thương: Bác Hồ.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt. Kiều bào - những người con yêu của dân tộc đang phải sống xa quê hương, đất nước đều là con Hồng cháu Lạc, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Dù xa cách bao lâu, dù ở đâu, làm gì, dù khó khăn, gian khổ đến đâu... kiều bào vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc, mong được trở về, góp phần tham gia xây dựng đất nước. Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, nhưng trong lòng người dân nước Việt dù ở nơi đâu vẫn mãi khắc ghi những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người được gọi bằng hai chữ thân thương: Bác Hồ.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi khắp năm châu bốn biển. Từ tháng 7-1928 đến cuối năm 1929, Người đã sống, làm việc tại nhiều nơi ở Thái Lan. Với tên là Thầu Chín, Người nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống với kiều bào, thức tỉnh, đoàn kết bà con, đồng thời xây dựng tổ chức, cơ sở trong kiều bào, thắp sáng trong lòng bà con Việt kiều ngọn lửa yêu nước, một lòng một dạ quyết tâm giành lại độc lập tự do cho nước nhà. Cái tên Thầu Chín với hình ảnh thanh tao, tinh tế, giản dị, gần gũi đã đi vào tâm khảm và lưu truyền mãi trong các thế hệ kiều bào ta tại Thái Lan.

Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con Việt kiều đang sinh sống tại Thái Lan dù bận rộn thế nào cũng đều sắp xếp thời gian đến Nhà tưởng niệm - nơi có bàn thờ Bác Hồ (tại bản Na Chọc, tỉnh Na Khon Pha Nom, Thái Lan, là nơi Bác ở khi sang hoạt động tại Thái) - để thắp hương tưởng nhớ Bác.

Đối với ông Đặng Văn Dũng, kiều bào Việt Nam ở Thái Lan, hai từ “Việt Nam”, “Bác Hồ” luôn in đậm trong trái tim ông. Sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, những câu chuyện về Bác đã “nuôi lớn” ông Dũng và những người bạn cùng trang lứa ở Thái Lan. Ông kể, khi bập bẹ nói được hai từ “ba, mẹ” là cũng là lúc ông phát âm được hai tiếng “Bác Hồ”.

Hồi năm 2013, khi tới thăm hang Cốc Bó, thuộc Khu Di tích Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), nơi Bác Hồ ở, làm việc và trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, ông Đặng Văn Dũng không giấu được sự xúc động.

Ông cứ xoa tay lên chiếc giường gỗ mộc mạc mà Bác từng nằm nghỉ năm xưa, rồi khóc. Trong thâm tâm ông, ông nguyện mãi là người con yêu Tổ quốc để xứng đáng với niềm tin của Bác đối với cộng đồng kiều bào ở nước ngoài.

Với ông Đào Trọng Lý, sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, hàng năm vào ngày sinh của Bác Hồ, ông thường đưa con cháu đến nhà tưởng niệm để giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương, nhớ về cội nguồn của dân tộc, về công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cùng với bà con kiều bào thắp nén hương, ôn lại những kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu.

Kể những câu chuyện về Bác, về tính giản dị, hiền hòa, yêu thương đồng bào… để các thế hệ con, cháu hiểu hơn về người Cha già kính yêu của dân tộc. Tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, vẫn còn cây khế, cây dừa và nhà sàn của Bác. Qua bao nhiêu năm tháng, cây khế vẫn xum xuê, cành trĩu đầy quả ngọt, cây dừa sừng sững xanh tươi giữa bầu trời.

Ông Vũ Khắc Lộc, một kiều bào Việt Nam khác tại Thái Lan, tự hào kể: “Bà con người Việt ở làng Na Choọc (tỉnh Nakhon Phanom) tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác lớn lắm. Mọi người cùng đến dâng hương tại tượng đài Hồ Chí Minh, nghe kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và xem những tấm hình còn lưu lại”.

Cũng theo ông Lộc, vào những ngày kỷ niệm, kiều bào ở khắp Thái Lan lại nô nức về đây, đem theo những món đồ sưu tập được như nón lá, nồi đồng, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ... đến trưng bày, góp phần dựng nên một góc Việt Nam thu nhỏ.

Không chỉ ở Thái Lan, ông Lê Cảnh Sắc, hiện sống tại Lào, hào hứng kể, người Việt ở làng Siêng Phan, tỉnh Khăm Muộn cũng tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác lớn không kém. Cứ đến ngày 19-5, bà con lại tụ họp, cùng nhau tham dự lễ dâng hương, tưởng nhớ Người. Sau đó, mọi người cùng hát những bài ca về Bác, về cách mạng Việt Nam, về một thời kỳ gian lao nhưng đầy hào hùng của dân tộc.

Bên cạnh đó, Hội Người Việt Nam tại Lào cũng tổ chức nhiều chương trình cho các em học sinh như học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào thi đua kỷ niệm sinh nhật Bác, kỷ niệm Quốc khánh 2-9...

Bà Lê Bích Thúy, hiện đang sinh sống tại Vientiane (Lào) hào hứng khoe: “Năm ngoái, cháu nội tôi cũng giành giải thưởng trong cuộc thi vẽ tranh cụ Hồ đấy. Nét vẽ của trẻ con rất đáng yêu”.

Bác Hồ ra tận cảng Hải Phòng đón kiều bào từ Thái Lan về nước.

Từng tham gia tiếp tế cho sứ quán Việt Nam tại Lào trong thời kỳ chiến tranh, bà Lê Bích Thúy hiện vẫn ngày ngày sưu tầm những tranh ảnh, sách và tài liệu về Bác Hồ cho con cháu. Đó là những quyển sách kể  lại hành trình của Bác bôn ba đến các nước, các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc Việt Nam được minh họa bằng nhiều hình ảnh tư liệu rất quý giá. Mỗi lần có dịp về Việt Nam, bà lại đi tìm các tư liệu mới làm phong phú thêm thư viện của gia đình.

Từ Canada xa xôi, ông Nguyễn Văn Nhã kể lại rằng: “Tôi là du học sinh, được cử sang Canada vào năm 1964. Khi đó, cùng với anh em Việt kiều hướng về Tổ quốc, chúng tôi đã tham gia hoạt động trong phong trào chống Mỹ, kêu gọi bè bạn quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Phải nói rằng, phong trào Việt kiều của mình ngày đó mạnh lắm, mặc dù là tại Canada cũng có không ít phần tử chống đối, nhưng chúng tôi đoàn kết nhau lại từng bước thuyết phục, bằng những hình ảnh minh chứng để họ thấy rõ tội ác mà quân đội Mỹ gây ra đối với Việt Nam.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ tháng 9-1969 ấy. Khi đó, sau gần một tuần, tin Bác Hồ mất chúng tôi mới được Đại sứ quán mình thông báo. Một nỗi buồn trào dâng trong lòng tất cả mọi người, nhiều người không tin đó là sự thực. Người Canada cùng với Đại sứ quán mình tổ chức hoạt động chia buồn về sự mất mát to lớn ấy. Người dân Canada rất kính trọng Bác, người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Thậm chí, ngay cả những thế lực phản động, chống đối đất nước mình, khi Bác mất, cộng đồng người Việt mình tổ chức lễ tang Bác, họ cũng đến viếng với một tấm lòng thành kính. Bác mất, cộng đồng người Việt chúng tôi đã quyết định thành lập Hội Đoàn kết Việt kiều tại Canada. Cứ một tuần một lần, Hội tổ chức các hoạt động như nói chuyện trong cộng đồng, hội thảo về chiến tranh Việt Nam, quyên góp ủng hộ đồng bào ở trong nước”...

Còn tại Pháp, nơi Bác Hồ có thời gian hoạt động lâu nhất, nhiều nơi sinh hoạt của bà con kiều bào luôn có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bức thư gửi bà con kiều bào Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắn nhủ: “Nay tôi và phái bộ sắp trở về nước, chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em Kiều bào: 1. Phải triệt để đoàn kết; 2. Ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc; 3. Thực hiện khẩu hiệu đời sống mới: Cần, Kiệm, Liêm, Chính; 4. Mỗi người cần biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới”.

Thực hiện lời căn dặn của Người, những thế hệ kiều bào Pháp đã xem đây là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời. Ông Hình Thại Thanh, hiện sống tại Paris, cho biết, mỗi dịp sinh nhật Bác, bà con kiều bào lại đến bảo tàng Montreuil, thuộc tỉnh Seine Saint Denis, phía Đông Paris, dâng hương dưới tượng đài Người. Nơi đây có một khu trưng bày mang tên Không gian Hồ Chí Minh, lưu giữ những kỷ vật của Bác trong thời gian sống và làm việc tại số 9, ngõ Compoint, thời kỳ 1921 - 1923.

Theo ông Thanh, Hội Người Việt Nam tại đây có tổ chức dạy tiếng Việt cho con em, trong đó có dạy về Bác và lịch sử Việt Nam. Cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật, thanh thiếu niên người Việt lại đến học tiếng và tìm hiểu về các thời kỳ lịch sử, văn hóa của đất nước.

Còn đối với Tiến sĩ sử học Thu Trang, một kiều bào Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lâu nay đã là nguồn đề tài bất tận để bà viết sách giới thiệu với bạn đọc Việt, rồi cũng tự mình viết lại bằng tiếng Pháp để xuất bản tại Pháp. Để viết được những cuốn sách đó, bà đã không quản ngại đi tìm kiếm những tư liệu tại khắp các sở lưu trữ tài liệu thuộc các tỉnh tại Pháp liên quan đến Đông Dương và các tỉnh hải ngoại của Pháp thời bấy giờ, gặp gỡ hỏi chuyện những người đã có thời cộng tác và làm việc với Bác, cả người Pháp lẫn người Việt. Với bà, những cuốn sách về Bác được xuất bản tại Pháp là niềm tự hào của cá nhân nằm trong niềm tự hào của dân tộc.

“Tôi cũng như bao kiều bào tại Pháp hướng về đất nước, hướng về Tổ quốc, tự hỏi mình đã cống hiến được gì cho đất nước. Tôi có hân hạnh được viết những cuốn sách về Bác. Đối với tôi, những cuốn sách này là một điều tôi tự nhủ mình đã có những công trình lưu lại để cho thế hệ mai sau biết về các vị tiền bối đã ra đi như thế nào tìm nền độc lập tự do cho Tổ quốc”, bà Thu Trang chia sẻ.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, kế thừa và phát triển tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”, Đảng và Nhà nước ta luôn coi kiều bào là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước; đồng thời, mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng đất nước...

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.