6 năm sau thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Thứ Bảy, 11/03/2017, 14:46

Ngày 11-3-2011, trận động đất-sóng thần lịch sử đã khiến xứ sở mặt trời mọc phải hứng chịu thảm họa tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. 6 năm sau, chính trên mảnh đất từng bị tàn phá ấy, sự sống mới đã hồi sinh. 


Cơn ác mộng số hiệu 14.46

14h46 là khoảnh khắc không thể nào quên với hàng triệu người dân Nhật Bản. Vào đúng thời điểm này ngày 11-3-2011, trận động đất mạnh 9,1 độ Richter với tâm chấn ở vùng Đông Bắc Nhật Bản đã xảy ra làm rung chuyển xứ hoa anh đào, tàn phá phần lớn 3 tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate; khiến khoảng 18.000 người thiệt mạng và mất tích, gần 160.000 người mất nhà cửa. 

Động đất kéo theo sóng thần nhấn chìm và tàn phá nhà cửa tại 3 tỉnh khu vực Đông Bắc Nhật Bản. Ảnh: BBC

Trận động đất kéo theo sóng thần khổng lồ tràn sâu vào đất liền và san phẳng các thị trấn dọc bờ biển chỉ sau 1 tiếng đồng hồ. Những ngọn sóng cao 4-5 m liên tiếp nhấn chìm nhà cửa và những cánh đồng. Ở mức cao nhất, sóng thần tại Miyako, Iwate, được ước tính cao đến 40m. Nhiều thị trấn bị phá hủy, các khu dân cư chìm trong biển nước; tưởng như vùng Đông Bắc Nhật Bản đã bị xóa sổ chỉ trong chớp mắt.

Thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhận Fukushima Daiichi. Ảnh: BBC

Đêm 11-3-2011, Nhật Bản tiếp tục phải gánh chịu thảm họa từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khi bộ phận làm mát của các lò phản ứng hạt nhân không hoạt động. 

88 ngày sau, chính phủ chính thức thừa nhận khủng hoảng hạt nhân Fukushima Daiichi là thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau "cơn ác mộng" tại nhà máy điện Chernobyl ở Ukraine năm 1986. 300.000 cư dân bị buộc sơ tán khỏi khu vực nhà máy và vùng lân cận. Người dân Nhật Bản đã phải trải qua cơn ác mộng dài tưởng như vô tận, một nỗi đau mà có lẽ họ chưa từng được chứng kiến kể từ sau Thế chiến thứ II.

Những nỗ lực để trở về

Đó cũng là một buổi sáng mùa xuân 2017 tại Fukushima - nơi vụ nổ nhà máy điện hạt nhân xảy ra, những người thợ mộc đang sửa chữa một căn nhà bị hư hỏng. 

Khoảng 60 công nhân xây dựng đang chuẩn bị cho sự trở lại của những "cựu công dân" sống tại đây. Dấu hiệu của sự sống dường như đã trở lại sau sáu năm người dân Fukushima phải chạy trốn quê hương của chính mình bởi thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. 

Trong tổng số 21.500 cư dân ở Fukishima, đã có khoảng 400 người sẵn sàng quay trở về. "Là một người từng bán hạt giống để kiếm sống, tôi tin rằng đây là thời điểm để có thể gieo chúng trở lại rồi", ông Sato, một trong số những người dự định sẽ quay trở lại Fukushima cho biết. "Thu hoạch lại là một điều gì đó thật xa vời. Nhưng tôi vẫn hi vọng vào một vụ mùa bội thu", ông nói thêm.

Cà chua được trồng tại nông trại Wonder Farm, một phần trong những nỗ lực tái thiết lại cuộc sống tại Iwwaki hậu thảm họa kép năm 2011. Ảnh: The Guardian

Tại Rikuzentakata (tỉnh Iwate), nơi từng được biết đến với "cây thông thần kỳ" sống sót trên bờ biển, cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thảm họa kép, chính quyền thành phố đang triển khai dự án trị giá 118,2 tỉ yên để xây dựng những gò đất cao hơn 12m bao phủ khu vực ven biển rộng đến 124,2 ha của thành phố, nhằm giảm thiểu khả năng và sức cản phá của sóng thần. 

"Họ đang xây những thứ như kim tự tháp", một tài xế địa phương tóm tắt lại những gì đang xảy ra quanh thành phố biển này với phóng viên Japan Time. Chính quyền Rikuzentakata cũng đang tiến hành xây dựng một khu thương mại mới, dự kiến sẽ khai trương vào cuối tháng 4 để kích cầu hoạt động mua sắm trở lại.

Các học sinh đang kiểm tra lớp học mới với kính trong suốt của mình trước khi trường học mở cửa trở lại ngày 10-1-2017 tại trường tiểu học Miyanomori, Miyagi – một trong ba tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất từ thảm họa kép lịch sử 2011. Ảnh: The Asahi Shimbun

Còn Usuiso, một ngôi làng nhỏ ven biển Fukushima, cách lò phản ứng hạt nhận Fukshima Daiichi 65 kim về phía Nam, mặc cho vô vàn khó khăn vẫn còn tồn tại, nhiều người dân vẫn tiếp tục ở lại để xây dựng và phát triển cộng đồng. Các sự kiện và lễ hội được chính người dân cùng học sinh tổ chức, mang tên tinh thần trẻ trung tràn đầy hi vọng cho ngôi làng. 

Hình ảnh của những người lớn tuổi và thanh niên đều rạng rỡ nụ cười được treo trang trọng trên bức tường trung tâm. Trong khi dịch vụ xe buýt vẫn chưa trở lại bình thường, một siêu thị địa phương đã phục vụ 2 chuyến xe tải mỗi tuần chở thứ ăn và nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. 

"Tôi tin rằng mối liên kết và sự thống nhất của các cư dân đang ngày một tăng lên", Ookouchi, thành viên làng Usuiso cho biết. "Những người sống ở đây từng sống rất tách biệt và không tham gia bất cứ hoạt động nào của địa phương. Nhưng sau 6 năm, mọi thứ đều đang thay đổi tích cực", ông nói thêm. 

Cần 20 năm để phục hồi thực sự

Theo ước tính, thảm hoạ năm 2011 đã gây thiệt hại lên đến 300 tỷ USD cho Nhật Bản. Một nửa số cư dân Fukushima tin rằng cần ít nhất 20 năm để họ quay lại cuộc sống mà họ từng có trước đây. 

6 năm đã trôi qua, Chính phủ Nhật Bản  đã chi 250 tỷ USD cho 5 năm tái thiết đầu tiên (giai đoạn 2011-2015) và 65 tỷ USD nữa cho giai đoạn 2016-2020. Tính đến tháng 11-2015, ít nhất 74% đất nông nghiệp đã được phục hồi, 85% cơ sở chế biến thủy sản mở cửa lại, 90% cơ sở trường học và y tế đã được đưa vào hoạt động và ít nhất 14.000 nhà công cho người dân vùng thiên tai đã hoàn thành. Trên một lộ trình dài hơi, dự kiến sẽ mất khoảng 30 đến 40 năm để làm sạch nhà máy điện hạt nhân Fukushima với tổng chi phí khoảng 189 tỉ USD.

Quá trình làm sạch nhà máy hạt nhận Fukushima Daiichi dự kiến sẽ mất từ 30 đến 40 năm. Ảnh: AP

Thế nhưng, khi vật chất đang dần được phục hồi, thì nỗi lo sợ và sự ám ảnh của con người luôn còn đó. Bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản ra tuyên bố vào cuối năm 2011 là cuộc khủng hoảng hạt nhân đã nằm trong tầm kiểm soát nhưng người dân vẫn rất lo lắng về độ an toàn của điện hạt nhân. Có khoảng 53% cư dân sống tại khu vực thảm họa kép đã lựa chọn không trở lại. 

6 năm sau thảm hoạ, nhiều người dân ở thành phố Kamaishi vẫn sống trong khu nhà ở tạm. Những lo ngại về bức xạ, về sự an toàn tại khu vực sinh sống và về những nỗ lực quá gian nan là lý do khiến người dân nơi đây lựa chọn ở những khu nhà tạm cách xa khu vực bị tàn phá, thay vì trở về quê hương của chính mình. 

Điều đáng tiếc hơn là trong cuộc thăm dò dư luận do chính phủ Nhật Bản tiến hành, có tới 3/4 số người trẻ từ 29 tuổi trở xuống trả lời rằng họ không có ý định trở lại Fukushima, đồng nghĩa với việc người già sẽ chiếm phấn lớn dân số tại các thị trấn, dự liệu một tương lai lão hóa với việc không có trẻ em.

 Sau thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử, Fukushima sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể vực dậy và phát triển như trước đây. Ảnh: Bored Panda

Bên cạnh những vấn đề về đầu tư ngân sách và tái thiết cơ sở hạ tầng hậu thảm họa, cùng biện pháp xử lý với phản ứng tiêu cực của người dân xoay quanh việc duy trì nhà máy điện hạt nhân, chính phủ Nhật Bản còn phải tiếp tục "vật lộn" với bài toán quy hoạch dân sinh và đưa người dân trở về quỹ đạo sống yên bình trước kia mà họ từng có. 

Đáp án cho bài toán ấy vẫn còn đang bỏ ngỏ, khi cơn ác mộng trong tâm trí người Nhật vẫn còn đây. Nhưng, đã có người dân lựa chọn trở về, đồng nghĩa với việc những mảnh đất chết dẫu sớm muộn cũng sẽ hồi sinh trở lại. Và có lẽ người dân Nhật đang cho chính mảnh đất của mình một cơ hội, như cách ông Sato tại Fukushima gieo hạt giống trên đất sóng thần, chờ đợi một vụ mùa bội thu. 

An Nhiên
.
.
.