Tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu của sự phát triển nên tỉnh Bình Dương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh CĐS trên phạm vi toàn tỉnh, tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Từ thực tiễn cho thấy, Bình Dương đã rất tích cực trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp CĐS để có sự phát triển bền vững trong tương lai.
Giúp người dân nghèo tham gia chuyển đổi số
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bình Dương đã triển khai xây dựng 101 tổ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện tham gia CĐS cộng đồng và hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến, giải quyết trung bình hơn 1.500 hồ sơ trực tuyến mỗi ngày. Lực lượng này đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số như: Cổng dịch vụ công Bình Dương, App "Bình Dương Số", VNeID, mở tài khoản thanh toán điện tử. Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm…
Có 15.349 lượt người dân được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương và 278.616 lượt người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ hiện dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và xã.
Để giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia CĐS, Bình Dương đã thực hiện chiến dịch thu gom thiết bị điện tử thông minh để tặng người dân và đã có 964 thiết bị được trao tặng. Ngoài ra, Tỉnh đoàn Bình Dương đã vận động VNPT Bình Dương tặng 2.000 sim cùng với thiết bị điện tử thông minh cho người dân thực hiện CĐS. Riêng tại TP Tân Uyên đã vận động được 379 điện thoại mới 100%, được cài đặt sẵn các ứng dụng cần thiết như VNeID, Bình Dương Số, tài khoản Gmail, iCloud, CH Play…
Ngoài ra, Trung tâm Viễn thông TP Tân Uyên còn trao tặng 379 sim điện thoại và 1 tháng truy cập Internet miễn phí, tổng trị giá 40 triệu đồng. “Để có chiếc điện thoại thông minh đối với mọi người là bình thường nhưng đối với tôi là cả một tài sản vì số tiền mà tôi làm thuê, làm mướn hàng ngày chỉ đủ để ăn uống đạm bạc trong gia đình”- bà Nguyễn Thị Lệ, một người dân nghèo ở phường Uyên Hưng chia sẻ.
Để hỗ trợ cho CĐS, Bình Dương đã tổ chức thí điểm phong trào “Bình dân học AI”. Thí điểm này dành cho công chức, viên chức làm công tác CĐS của một số sở, ngành; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; giáo viên các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Dương; các tình nguyện viên của lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia CĐS cộng đồng và Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người am hiểu sẽ hướng dẫn, chia sẻ cho các thành viên khác kiến thức AI, cách sử dụng các công cụ AI để làm việc tương ứng với 3 dạng thông tin cơ bản trên Internet là hình ảnh, âm thanh và văn bản. “Bình dân học AI là khuyến khích mọi người tham gia nâng cao trình độ bằng cách vừa học vừa chia sẻ thường xuyên với những người khác về AI và phong trào được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh để giúp phổ biến kiến thức về điều khiển các dạng AI hiện đại cho thật nhiều người dân Bình Dương”- ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Công - nông cùng chuyển đổi số
Mới đây, ngày 16/7, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị xu hướng "Chuyển đổi kép" và vai trò của công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương. Hội nghị là dịp để cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương tiếp xúc, trao đổi, tiếp cận thêm thông tin và xu hướng về CĐS, chuyển đổi xanh tại Việt Nam và toàn cầu; đồng thời cập nhật các chính sách hỗ trợ và định hướng tương lai của tỉnh Bình Dương trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo đẩy nhanh việc CĐS trong hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở; đồng thời tăng cường khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung nâng cao nhận thức và năng lực CĐS của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua hội nghị này, Bình Dương ghi nhận các ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân để tỉnh có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung các quyết sách nhằm hỗ trợ thiết thực hơn nữa công tác CĐS trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu đang còn nhiều khó khăn.
Về CĐS trong nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Dương tổ chức hội thảo đẩy mạnh CĐS và ứng dụng thiết bị, công nghệ thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, phổ biến, tuyên truyền đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng của CĐS trong ngành nông nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp, trang trại và cơ quan quản lý cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện CĐS trong sản xuất nông nghiệp; những khó khăn và giải pháp khi triển khai áp dụng các ứng dụng thông minh trong quản lý và sản xuất nông nghiệp, nhất là việc truy xuất nguồn gốc; đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ…“CĐS góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững, tập trung vào cải thiện năng suất, hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, giảm phát thải”-ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
Để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, vấn đề an toàn thông tin luôn đặt lên hàng đầu. Theo ông Lai Xuân Thành - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Dương, trong xu hướng CĐS, dữ liệu sinh ra ngày càng tăng trên nền tảng số, vì vậy, việc bảo vệ an toàn dữ liệu, an toàn thông tin (ATTT) cá nhân được đặt ra hàng đầu. Một khi dữ liệu bị lộ lọt, bị đánh cắp hoặc bị mã hóa thì việc khắc phục sự cố vô cùng khó khăn và phải tốn nhiều kinh phí hơn so với việc đầu tư cho công tác đảm bảo ATTT. Do vậy mà những năm gần đây, Bình Dương đã có những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực về ATTT. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin theo mô hình Trung tâm giám sát an ninh mạng (SOC); duy trì và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTT theo mô hình "4 lớp" là lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia….