Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam tầm nhìn đến 2045

Thứ Tư, 10/11/2021, 17:37

Ngày 10/11, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ, ngành có liên quan chủ trì chuyên môn phối hợp tổ chức đã diễn ra Hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Ban kinh tế Trung ương – Nguyễn Thành Phong nêu rõ, đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.

Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam tầm nhìn đến 2045 -0
Xây dựng đô thị thông minh gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trước những vấn đề đang đặt ra, tại Hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các chia sẻ từ lãnh đạo Bộ Xây dựng, 6 báo cáo chính từ các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước đã tập trung trao đổi, làm rõ các vấn đề về sự cần thiết và vai trò của phát triển đô thị thông minh, những kinh nghiệm và mô hình quốc tế thành công trong phát triển đô thị thông minh những giải pháp cụ thể trong quy hoạch, quản lý, điều hành đô thị thông minh.

Đồng thời, những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị thông minh nói chung và trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới tại Việt Nam nói riêng cũng được thảo luận sâu, như: Xu hướng phát triển đô thị thông minh tại các quốc gia phát triển và đang phát triển có những khác biệt gì? Cách thức huy động nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển ra sao cũng như những khía cạnh khác liên quan tới phát triển đô thị thông minh mà các diễn giả chưa đề cập tới.

Theo Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, thành phố thông minh dựa trên cơ sở sử dụng các công cụ điều khiển hệ thống tích hợp, kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo. Trong đó, chủ đạo là tư duy hệ thống với phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông.

“Mục tiêu xây dựng thành phố phải có giá trị, sức sống, khả năng phục hồi, năng lực cạnh tranh và thước đo là sự hài lòng của cộng đồng dân cư. Tiêu chí một thành phố thông minh sẽ phải đạt chuẩn các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn về kinh tế-xã hội và môi trường sinh thái,” PGS-TS. Nguyễn Văn Thành đề cập.

Theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 37122, thành phố thông minh phải tăng được tốc độ cung cấp kết quả bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường cũng như ứng phó với các thách thức (như biến đổi khí hậu, tăng dân số nhanh chóng, bất ổn chính trị-kinh tế), bằng cách cải thiện cơ bản cách thức tham gia vào xã hội, áp dụng các phương pháp lãnh đạo hợp tác đồng thời hoạt động theo các quy tắc.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu và công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ với chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cư dân, doanh nghiệp… song không gây ra bất lợi hoặc suy thoái về môi trường tự nhiên.

Trên cơ sở đó, PGS.TS Nguyễn Văn Thành chỉ ra các yếu tố của một đô thị thông minh thành  công, trước hết là lợi ích của các bên liên quan (mức độ hài lòng hoặc không hài lòng), tiếp đến là sự tham gia và kết nối với trụ cột “kết nối công dân - Citizen Connect”.

Mặt khác, muốn xây dựng thành phố thông minh thành công, cần liên kết khu vực, trong đó trọng tâm là cộng đồng và lấy động lực chiến lược cùng các sáng kiến làm nền tảng.

“Để làm được những điều trên, trước hết tư duy chiến lược phải gắn với  tốc độ phát triển công nghệ nhanh và khung thời gian cho các cấp độ chiến lược. Chiến lược thành phố thông minh là ý tưởng mới nên phải vừa thực hiện, vừa rút ra bài học cũng như kinh nghiệm từ các thành phố khác,” PGS-TS. Nguyễn Văn Thành nói.

 “Hội thảo là cơ hội trao đổi, thảo luận và chia sẻ về những kinh nghiệm, giải pháp về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, trong khu vực và quốc tế. Điều này sẽ góp phần vào việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh Việt Nam nói riêng, đóng góp vào quá trình CNH-HĐH đất nước trong giai đoạn tới một cách hiệu quả hơn và bền vững hơn và hữu ích đối với các quốc gia trên thế giới nói chung”- ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

HÀ AN
.
.
.