Phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ để cơ cấu nền kinh tế

Chủ Nhật, 31/10/2021, 10:17

Ngày 30/10, thực hiện chương trình làm việc kỳ 2, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa và đất rừng

Lưu ý diện tích đất trồng lúa, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu; độ che phủ rừng được nâng từ 39,1% năm 2010 lên 42,01% năm 2020 góp phần bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) đồng tình với việc giữ nguyên diện tích đất trồng lúa cho phù hợp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Tuy nhiên để đạt các mục tiêu đến năm 2030, đại biểu nhận thấy, xu hướng công nghiệp hóa và phát triển đô thị để nâng cao hiệu quả sử dụng đất là tất yếu.

“Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất của các ngành, trong đó có nông nghiệp, sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu thì việc quy hoạch sử dụng đất đai cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện hơn, nhất là với việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng trọt sang đất đô thị, đất công nghiệp”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị và cho rằng, vấn đề này cần được dự báo và điều chỉnh linh hoạt, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Không “đánh đồng” đất bãi thải với đất xử lý chất thải

Quan tâm về chỉ tiêu “đất bãi thải, xử lý chất thải”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, chỉ tiêu của Chính phủ quy hoạch loại đất bãi thải, xử lý chất thải đến năm 2030 là 18,17 nghìn ha (tăng 10 nghìn ha so với năm 2020) có một số điểm bất hợp lý.

“Trong thực tiễn, một số khu vực diện tích đất bãi thải lớn đã gây nhiều hệ lụy cho môi trường (như các bãi thải tro xỉ nhiệt điện than, bãi thải mỏ khai thác than…). Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị không cấp phép mở rộng các bãi thải tro, xỉ” – đại biểu nhấn mạnh và bày tỏ băn khoăn, việc tăng chỉ tiêu này hiện không rõ là do tăng diện tích đất cho bãi thải hay diện tích đất cho xử lý chất thải.

Trong khi đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong xử lý chất thải. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường cần phải bám sát định hướng này.

“Chính phủ cần rà soát chỉ tiêu này theo hướng giảm diện tích đất bãi thải, bố trí quy hoạch đất cho xử lý chất thải (chất thải rắn, nước thải), quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải tại các đô thị, khu vực nông thôn một cách hợp lý. Đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải để làm rõ hơn nội dung này”- đại biểu kiến nghị.

Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế

Thảo luận Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài cùng với những yếu tố bất định sẽ tác động trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, cần tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)  cho rằng, tác động của đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế và thực tế các lĩnh vực, thậm chí từng hộ gia đình cũng đang có sự thay đổi từ chi tiêu đến phương thức hoạt động.

“Đương nhiên nền kinh tế đặt ra thay đổi nhiều hơn. Chúng ta muốn là nước đi đầu trong thời đại 4.0 nhưng làm chủ được gì trong công nghệ? Hội họp, học hành online vẫn dùng Team, Zoom. Tôi nghĩ hoàn toàn làm chủ được nếu đặt hàng doanh nghiệp trong nước. Tái cơ cấu nền kinh tế cần cơ chế đột phá chứ không phải giải pháp thông thường” – đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị, cần xây dựng một cơ chế điều phối quốc gia về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt tập trung xây dựng thể chế phục vụ cho đổi mới, sáng tạo. Trong Đề án về định hướng lập pháp của Quốc hội khóa XV đã có đề cập, nhưng cần tập trung xây dựng một cách quyết liệt hơn.

“Không thể phát triển được kinh tế số, xã hội số khi hạ tầng thông tin còn rất kém phát triển, vì vậy cần tập trung phát triển hạ tầng số, trong đó lưu ý xây dựng các Trung tâm dữ liệu quốc gia, nâng cao chất lượng hạ tầng thông tin, đẩy nhanh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho toàn dân. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì con người luôn là yếu tố cơ bản nhất” - đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu, Chính phủ quan tâm đến các quan điểm: tiếp tục thực hiện cơ cấu đồng bộ từ trên xuống dưới, ở tất cả các ngành; việc đổi mới tăng trưởng phải kiên định mục tiêu là đổi mới theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Không cục bộ, cát cứ mới có thể cơ cấu nền kinh tế

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng khi giải trình trước Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, cơ cấu nền kinh tế không phải là vấn đề mới mà đã thực hiện 10 năm rồi, vấn đề là đã làm được gì, chưa làm được gì và cần thiết làm thời gian tới cần thực hiện thế nào cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.

Thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, nếu trì hoãn sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức: Không thực hiện được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khó thu hẹp khoảng cách với các nước; khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình; biến đổi khí hậu, dịch bệnh; không tiếp cận được cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội hội nhập quốc tế; không nâng cao được tính tự chủ, thích ứng, chống chịu của nền kinh tế và không tận dụng được cơ hội mới hình thành sau đại dịch.

“Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải thực hiện được, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất. Đây là nội dung hết sức quan trọng, cấp bách với nền kinh tế nước ta” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cho rằng kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hết sức cơ bản là sự quan tâm, ý thức trách nhiệm, tư duy, tầm nhìn chưa theo kịp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT thừa nhận còn bất cập ở các cấp, các ngành, địa phương, ảnh hưởng rất lớn thực hiện mục tiêu. Nếu không coi đây là nhiệm vụ cấp bách phải làm thì mục tiêu đặt ra không thực hiện được.

“Các bộ, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để quyết tâm thực hiện, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ, chống cát cứ, tính đến lợi ích tổng thể, liên vùng, liên ngành. Nếu chia cắt, phân khúc sẽ khó đem lại hiệu quả chung của nền kinh tế” – Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh; đồng thời cho biết, khâu đột phá tập trung ở thể chế, chuyển đổi số và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần nâng cao năng lực quản trị quốc gia

Ngày 30/10, bên lề Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) nhấn mạnh, cơ cấu lại nền kinh tế sẽ tạo ra những thay đổi nền tảng, nếu không thành công trong những năm bản lề đầu tiên thì sẽ bỏ lỡ cơ hội rất lớn để bứt phá và phát triển. Và để làm được điều này thì trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần phải đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ để cơ cấu nền kinh tế -0
Đại biểu Phan Đức Hiếu.

Cụ thể, thứ nhất là, về cơ sở chính trị: Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2021-2030 đã xác định 1 trong những đột phá chiến lược là "Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại", nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Tại sao nội dung nâng cao năng lực quốc gia lại phải có trong đề án này? Vì đây Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, là thay đổi nền tảng về cơ chế, thể chế để giúp cho thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ 2 là, về Cơ sở thực tế ở nước ta: Công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam thời gian qua chúng ta gặp một số vấn đề trong phối hợp tổ chức, thực hiện; khả năng đưa những quyết định nhanh chóng; vấn đề tổ chức di cư cho người lao động; việc triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết; năng lực dự báo chiến lược vaccine, … đó là những bài học liên quan đến quản trị quốc gia và thể hiện sự cấp thiết phải nâng cao năng lực quản trị quốc gia để có những quyết sách nhanh hơn, toàn diện hơn, có tính dự báo tốt hơn và tổ chức thực thi cũng tốt và hiệu quả hơn.

Thứ 3 là, về kinh nghiệm quốc tế: Trong bối cảnh mới, các quốc gia đang phải đối diện với yêu cầu phải giải quyết những vấn đề mới, chưa có tiền lệ, khó, phức tạp và do đó, đòi hỏi quốc gia phải có năng lực thích ứng, năng lực dự báo, ra quyết định nhanh, chính xác, toàn diện, vừa có tính dự báo đối với vấn đề khó, thậm chí chưa có tiền lệ. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế nhận định năng lực quốc gia trở thành vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết và khuyến nghị quốc gia nào chưa tốt thì làm tốt, quốc gia nào đã tốt rồi phải làm tốt hơn nữa.

Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, cần bổ sung nâng cao năng lực quản trị quốc gia vào nhóm nhiệm vụ thứ tư và cần bổ sung thêm giải pháp cụ thể cho nội dung này. (Thu Thuỷ)

Phương Thuỷ
.
.
.