Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần bình ổn giá xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế

Thứ Bảy, 30/10/2021, 11:17

Đại biểu Quốc hội đề nghị quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là định giá chính xác, phải được đấu giá một cách công khai rộng rãi, minh bạch.

Ngày 30/10, thực hiện chương trình làm việc kỳ 2, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Không cố giữ doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ

Phát biểu tại phiên thảo luận đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) nhấn mạnh, với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Quy hoạch xong thì nhiều vùng, nhiều dự án đã triển khai. Theo đại biểu, trước biến động của nền kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để ổn định, quan trọng nhất chúng ta phải nâng cao nội lực nền kinh tế, phát huy khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần bình ổn giá xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế -0
Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên)

Đồng thời, nâng cao vai trò điều tiết của nhà nước bằng các công cụ chính sách. Về vấn đề quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành cần phải được triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo, quy hoạch nọ "đọ" quy hoạch kia. Với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Quy hoạch xong thì nhiều vùng, nhiều dự án đã triển khai. Việc triển khai thực hiện quy hoạch phải được quản lý chặt chẽ. Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp mang tính định hướng, chủ đạo của nền kinh tế. Còn những lĩnh vực khác đang làm tốt, phù hợp với kinh tế thị trường thì để xã hội làm, không để tình trạng lĩnh vực xã hội làm tốt mà vẫn cố giữ doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là định giá chính xác, phải được đấu giá một cách công khai rộng rãi, minh bạch.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, hiện nay, phân bổ nguồn lực nội địa mất cân đối. Ví dụ, vốn trong doanh nghiệp nhà nước chiếm rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả trong khi tư nhân khó tiếp cận. Nhiều vùng tiềm năng tốt nhưng chưa quan tâm đầu tư tương xứng như ĐBSCL, ven biển. Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường phải có trụ cột như các tập đoàn mạnh không chỉ làm chủ trong nước mà còn vươn ra thế giới. “Như hệ thống đường sắt hiện nay, chúng ta có mạng lưới đến hầu hết các địa phương nhưng vận hành kém hiệu quả. Chính vì vậy, muốn có nền kinh tế mạnh thì phải đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm” – đại biểu kiến nghị.

Phân bổ nguồn lực, can thiệp bình ổn giá xăng dầu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn trước những tác động từ kinh tế thế giới, nhất là việc các nước đang tung ra các gói kích thích nền kinh tế làm tăng tổng cầu có thể khiến chi phí giá cả tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu có thể tác động đến lạm phát trong thời gian tới, đặc biệt là các chi phí, dự toán đầu tư có thể thay đổi.

“Đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu, vì hiện nay xăng dầu tăng nhanh, chúng ta còn dư địa, công cụ như các loại thuế, phí cần phải được sử dụng khi giá xăng dầu tăng lên. Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, điểm yếu cần rà soát chỉ ra các nguyên nhân. Phân bổ vốn đầu tư cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế. Ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo" -  đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần bình ổn giá xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế -0
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)  cho rằng, tác động của đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế và thực tế các lĩnh vực, thậm chí từng hộ gia đình cũng đang có sự thay đổi từ chi tiêu đến phương thức hoạt động. “Đương nhiên nền kinh tế đặt ra thay đổi nhiều hơn. Chúng ta muốn là nước đi đầu trong thời đại 4.0 nhưng làm chủ được gì trong công nghệ? Hội họp, học hành online vẫn dùng Team, Zoom. Tôi nghĩ hoàn toàn làm chủ được nếu đặt hàng doanh nghiệp trong nước. Tái cơ cấu nền kinh tế cần cơ chế đột phá chứ không phải giải pháp thông thường” – đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.

Phải gỡ nút thắt mới tái cơ cấu kinh tế hiệu quả

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, kết quả cơ cấu lại của các ngành, địa phương dưới vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội. “Tôi tha thiết mong rằng các địa phương sẽ không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc như trước đây. Không đưa vào kế hoạch, chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào” – đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần bình ổn giá xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Về cách tiếp cận, đại biểu đề nghị, tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành, địa phương để từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi khơi thông và tạo nguồn lực phát triển mạnh và bền vững. Những mâu thuẫn dẫn đến các nút thắt đang hiển hiện trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, của nhân dân, ngăn cản sự phát triển.

Dẫn chứng điện là “máu” của nền kinh tế, của sinh hoạt, đời sống người dân, hiện nay điện thì dư nhưng việc giảm giá hết sức khó khăn, khung giờ vàng cho sản xuất và phát điện mặt trời nhưng cũng là khung giờ cao điểm doanh nghiệp phải trả mức giá cao nhất, đại biểu đặt câu hỏi là nút thắt là do đâu mà bao nhiêu năm rồi nói mãi không sửa được? đồng thời đề nghị cơ cấu lại nền kinh tế phải tháo gỡ được những nút thắt, những mâu thuẫn trong đời sống xã hội và những bức xúc của người dân.  

Phương Thuỷ
.
.
.