Hà Nội ứng dụng mạnh mẽ các mô hình chuyển đổi số để xây dựng thành phố thông minh

Thứ Hai, 29/04/2024, 05:40

Với sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các bộ, ngành cùng tinh thần sáng tạo, chủ động, quyết tâm chính trị cao, TP Hà Nội đang đi đầu trong ứng dụng các mô hình chuyển đổi số từ Đề án 06, góp phần xây dựng thành phố thông minh, lan tỏa cảm hứng cho các địa phương trên cả nước.

Nhiều kết quả chuyển đổi số từ Đề án 06

Tại phiên họp lần thứ tám của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số được Chính phủ tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và UBND TP Hà Nội cũng như các bộ, ngành, địa phương đạt nhiều kết quả cao trong ứng dụng những mô hình chuyển đổi số của Đề án 06 góp phần quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia. Theo Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Bộ Công an, các thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06, UBND TP Hà Nội chính là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả trên mà đối tượng được thụ hưởng chính là người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

vneid.jpg -0
Người dân tại Hà Nội dễ dàng làm các thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng.

Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, công tác chuyển đổi số của TP đã đạt những kết quả rất cao. Cụ thể, Hà Nội nằm trong danh sách 100 thành phố thông minh nhất thế giới. TP Hà Nội phát triển trên 3 trục mục tiêu “Hạ tầng số - Nền tảng số - Dữ liệu số” cùng 2 trục “An toàn thông tin và Phát triển dịch vụ” được thực hiện đồng bộ, bài bản, đảm bảo hiệu quả và thực chất, ứng dụng thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung quản lý văn bản và điều hành thành phố. 100% các cơ quan Nhà nước của UBND TP Hà Nội đã triển khai ký số văn bản; thực hiện việc xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (trình ký hồ sơ/văn bản trên phần mềm). Một số hệ thống lớn dùng chung đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền của thành phố nhằm phục vụ hoạt động nội bộ cũng như giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đặc biệt, hiện TP Hà Nội đang nghiên cứu, phát triển và chuẩn bị ra mắt “Ứng dụng Ha Noi -S” với nhiều tiện ích đưa người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính Nhà nước của thành phố theo một phương thức mới, qua đó góp phần thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân trên nền tảng số, trong đó nhiều dịch vụ gắn với đời sống dân sinh như công tác phòng cháy, chữa cháy, dịch vụ công, giao thông, y tế…

Một số dịch vụ thiết thực khu vực nội đô được tích cực chỉ đạo triển khai tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, như: Việc triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử được tích cực đẩy nhanh, đã hoàn thành triển khai kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện, có trên 1,5 triệu người dân được tạo lập với 48/48 trường thông tin theo Quyết định số 4026 của Bộ Y tế và 66/73 thông tin theo Quyết định số 110/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội trên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố áp dụng dùng CCCD để tra cứu thông tin khi khám chữa bệnh BHYT; trên 14,4 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm Quản lý khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh lên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế là “điểm sáng” trong ứng dụng những mô hình chuyển đổi số của Đề án 06 trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Hệ thống các kiosk khám chữa bệnh tự động được Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đặt tại khu vực đón tiếp đã giúp hiện đại hóa công tác khám, chữa bệnh, xây dựng dữ liệu, phục vụ triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh viện thông minh…

Thông tin với PV, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Một trong những ứng dụng mô hình chuyển đổi số của Đề án 06 đang được Hà Nội áp dụng rất hiệu quả, đó là từ 15/4, không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện. Việc thu phí không dùng tiền mặt đã góp phần phòng, chống tình trạng mất ANTT, lộn xộn cũng như thất thoát ngân sách của TP từ dịch vụ trên. Cùng với đó, ngày 22/4 vừa qua, Hà Nội và Thừa Thiên Huế là hai tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, trả kết quả điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Chỉ trong hai ngày đầu triển khai, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đã đáp ứng trên 50% tổng số hồ sơ, nhu cầu người dân tại Hà Nội. Đến nay có hàng nghìn hồ sơ thực hiện thành công cấp lý lịch tư pháp trên VNeID. Thay vì phải đến trực tiếp tại Sở Tư pháp, mất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí đi lại như trước, giờ đây người dân chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, ngồi ở bất cứ đâu cũng dễ dàng làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Việc triển khai ứng dụng này trên VNeID của Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như TP Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen ngợi.

Bên cạnh đó, một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực, nổi bật như: “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt”, “Chuyển đổi số trong trường học”, đăng ký sử dụng chữ ký số cho giáo viên; lưu trữ hồ sơ điện tử; thu học phí không dùng tiền mặt, nộp thuế điện tử qua app eTax Mobile (theo hướng dẫn của ngành Thuế), “Bộ phận một cửa Hiện đại - Chia sẻ - Hỗ trợ”, triển khai hạ tầng mạng không dây, Internet miễn phí phục vụ người dân…

Phát huy vai trò hướng dẫn của các bộ, ngành

Việc chủ động ứng dụng những mô hình chuyển đổi số từ Đề án 06 cũng góp phần giúp thực hiện hiệu quả các mục tiêu tại Nghị quyết 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, hiện công tác chuyển đổi số của thành phố vẫn còn 2 “điểm nghẽn”. Cụ thể, nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị đặc biệt là cấp huyện, cấp xã còn thiếu; cơ chế chính sách cho đội ngũ nhân lực đặc thù này tại các cơ quan hành chính Nhà nước còn hạn chế so với khối tư nhân dẫn tới việc thu hút nguồn nhân lực còn nhiều điểm cần cải thiện. Sự hướng dẫn, hỗ trợ của các bộ, ngành trong việc triển khai những nhiệm vụ chuyển đổi số cần sớm được quan tâm hướng dẫn, tháo gỡ và chỉ đạo thực hiện bằng các văn bản có giá trị pháp lý.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cũng cho biết, từ thực tế và việc nhận diện những “điểm nghẽn” trên, TP Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp như tập trung rà soát, xác định đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh các tính năng công nghệ hỗ trợ trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như: chữ ký số, nền tảng thanh toán trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ. Thành phố cũng xây dựng và hình thành hệ thống cơ quan hành chính phục vụ công dân hiện đại, chuyên nghiệp và điện tử.

“TP Hà Nội hoàn thiện, tăng số lượng các TTHC được cung cấp dưới hình thức trực tuyến, đặc biệt tập trung đảm bảo và vượt chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đồng thời nâng cao chất lượng từng dịch vụ công trực tuyến đều đơn giản, thuận tiện, giảm tối đa chi phí của người dân khi thực hiện các giao dịch hành chính”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải thông tin.

TP Hà Nội cũng tập trung các giải pháp hướng đến xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của thành phố, hình thành trung tâm dữ liệu tập trung phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác. Xác định một số nhóm dữ liệu mục tiêu như dữ liệu hộ tịch, y tế, an sinh xã hội, đất đai, xây dựng… Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu là giải pháp quan trọng không chỉ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành mà còn là phương thức tối ưu đơn giản thành phần hồ sơ trong các giao dịch của công dân, cắt giảm chi phí thực hiện TTHC của người dân và chi phí quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước. Thành phố đang giao các đơn vị nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền việc ưu tiên hỗ trợ chữ ký số miễn phí cho công dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, miễn hoặc hỗ trợ, ưu tiên một phần phí, lệ phí đối với công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ hỗ trợ, hình thức hỗ trợ như vận chuyển bưu chính, thanh toán trực tuyến...

Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chức năng đẩy mạnh tuyên truyền với phương thức truyền thông “hướng dẫn – hiệu quả - lan toả” tập trung chỉ đạo phân thành các nhóm đối tượng cụ thể. Tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, phát huy những mô hình, sáng kiến và đưa vào nội dung thi đua – khen thưởng của các đơn vị, tập thể, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện…

“Thời gian tới, các bộ, ngành sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 quy định về khu CNTT tập trung; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chiến lược, gồm: Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị, đồng thời đề xuất sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp liên quan về mục tiêu cụ thể phát triển doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương.

Hoàng Phong
.
.
.