Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:

Vụ khởi tố 17 cán bộ ở Sơn La là bài học cho giải phóng mặt bằng Long Thành

Thứ Sáu, 24/11/2017, 18:22
Ngay sau khi phiên làm việc cuối cùng của Quốc hội tại kỳ họp này kết thúc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo kết thúc kỳ họp.

Trả lời câu hỏi của PV về việc Quốc hội thông qua báo cáo khả thi với dự án giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư sân bay Long Thành trị giá hơn 23.000 tỷ, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định không lo về vốn, vì đã có nguồn như Nghị quyết của Quốc hội đã đề cập. Vấn đề chính là tiến độ và cách làm, vì giải phóng mặt bằng là một việc rất khó, liên quan đến nhiều người dân. 

Theo ông Phúc, vụ việc 17 cán bộ bị khởi tố ở Sơn La (trong đó có những cán bộ cao cấp ở địa phương như Phó Giám đốc Sở) liên quan đến dự án tái định cư thủy điện Sơn La chính là bài học lớn cho địa phương trong quá trình thực hiện.

Với tổng mức đầu tư xung quanh 16.000 tỷ đồng, dự án tái định cư thủy điện Sơn La có quy mô nhỏ hơn nhiều so với giải phóng mặt bằng Long Thành  - tổng mức đầu tư dự kiến 22.938 tỷ đồng với diện tích đất thu hồi là gần 5,4 nghìn ha.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Về bố trí vốn: Ngoài nguồn vốn 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội bố trí năm 2016, bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong tổng số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia; 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu, trường hợp không thu đủ từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định từ nguồn nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Cũng tại buổi họp báo này, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin thêm về việc lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp thứ 6 với 2 thành viên mới của Chính phủ là Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. 

Theo ông, việc này vẫn được tiến hành bình thường, vì theo Nghị quyết 85 của Quốc hội, các thành viên Chính phủ giữ trọng trách trong vòng 9 tháng là đủ điều kiện lấy phiếu, trong khi 2 vị này đã nhậm chức được 1 năm tại thời điểm đó.

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin thêm về lý do dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thông qua trong 3 kỳ họp – do sau khi phát phiếu lấy ý kiến, đa số các ĐBQH chọn phương án này để bàn thảo cho kỹ lưỡng, đảm bảo xây dựng được một luật có tính khả thi cao. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cũng thông tin thêm về việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp. “Có những bị cáo bị tuyên án phải bồi thường hàng nghìn, hàng trăm tỷ đồng, nhưng qua xác minh, tài sản của họ không còn, dù cơ quan tố tụng đã tiến hành các biện pháp ngăn chặn như kê biên, phong tỏa tài khoản, nên thu hồi tài sản nộp lại cho ngân sách rất khó khăn. 

Quốc hội đã giao Bộ Tư pháp tăng cường tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác rà soát, kiểm soát tài sản của người phải thi hành án, thu hồi triệt để để nộp về ngân sách theo đúng bản án đã có hiệu lực pháp luật”.

Về trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) – người đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo, sau đó có đơn khiếu nại và Ban Bí thư cũng đã kết luận “y án”, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xem xét thêm để tiến hành các bước tiếp theo. 

Vũ Hân
.
.
.