Bát nháo việc chuyển nhượng đất trồng cây lâu năm ở khu vực sân bay Long Thành

Thứ Bảy, 04/11/2017, 06:23
Những ngày gần đây, khi thông tin về dự án sân bay Long Thành ở Đồng Nai liên tục được đưa ra, thị trường chuyển nhượng nhà đất xung quanh dự án “khủng” này tiếp tục nóng từng giờ, từng ngày...


Dọc ven 2 bên tuyến quốc lộ 51, tỉnh lộ 769, hay trên các con đường trong khu dân cư chạy qua địa bàn huyện và các tuyến liên xã Lộc An, Bình Sơn, An Phước… băng rôn, biển quảng cáo rao bán đất nền dự án, đất nguyên lô cao su nhan nhản, kéo theo đó, đội ngũ cò mồi, môi giới cũng tập trung khá đông ở nhiều nơi.

Lần theo lời quảng cáo rầm rộ, công khai việc bán đất nền một loạt dự án bám theo quốc lộ 51 và hương lộ 12 ở địa bàn xã Long Phước, huyện Long Thành, PV Báo CAND liên hệ với một nhân viên môi giới của Công ty CP địa ốc Alibaba, có trụ sở trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh và được hẹn đón lên xe để đi xem dự án.  

Để cổ súy khách hàng móc tiền đặt cọc mua nền, trên đường xuống huyện Long Thành xem đất, nhân viên môi giới của DN này đã “múa” rằng đất nền tại các dự án Long Phước 12 và 13 dù mới mở bán nhưng đã hết sạch nên sẽ dẫn khách xuống xem dự án Long Phước 9 ở gần đó. Tại đây, dự án được giới thiệu có quy mô 3,47ha, tổng cộng 295 nền.

Nhân viên môi giới công ty Alibaba (áo đỏ) dẫn khách đi xem đất nền tại dự án tự phân lô từ các vườn cao su ở Long Thành như đi hội.

Theo bản đồ mà nhân viên môi giới đưa cho khách xem, xung quanh dự án đều là khu dân cư hiện hữu. Trong khi đó, xung quanh dự án này toàn cao su, lác đác 1 - 2 nhà dân trông coi vườn. Thậm chí, trên bản đồ dự án Long Phước 9 mà nhân viên môi giới cho khách xem còn có tuyến đường chính và 4 tuyến đường chạy dọc theo khu đất để chia nền với bề rộng đường 8m để thay thế cho tuyến đường chính dẫn vào dự án chỉ rộng khoảng 4m vừa được rải lớp đá dăm sơ sài hiện tại.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại dự án Long Phước 6 khi xung quanh dự án toàn cây cao su và khoai mỳ với con đường chỉ đủ cho một xe hơi đi qua, thì nhân viên môi giới vẫn “nổ” rằng tới đây sẽ mở rộng lên 32m. Để  chèo kéo khách, nhân viên môi giới này cho rằng giá bán nền tại các dự án trên được đưa ra mềm, chỉ từ 3 - 4,5 triệu đồng/m2 do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Dẫn khách xem tại dự án Long Phước 1, nhân viên môi giới của Công ty Alibaba tiếp tục quả quyết, chỉ khoảng 15 ngày nữa là sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và bàn giao đất cho khách hàng. Khi đó khách hàng có thể tự do xây dựng. Nếu công ty bàn giao trễ hẹn thì sẽ bị phạt theo hợp đồng. Ăn theo lời cam kết trời ơi này, giá bán nền đã được đẩy lên mức 6 - 7 triệu đồng/m2.

Khi PV đề nghị cho xem bản quy hoạch 1/500 đã được duyệt thì một nhân viên công ty này nói thác ra là: Chỉ dự án khu đô thị mới cần phải có bản duyệt quy hoạch 1/500, còn đây là khu dân cư nên không cần. Tiếp tục đặt vấn đề: Tỉnh Đồng Nai đang tạm dừng việc phân lô, tách thửa, làm sao Công ty Alibaba có thể ra sổ riêng cho khách hàng? Chúng tôi một lần nữa được nhân viên môi giới của Công ty Alibaba trả lời tỉnh queo: “Tỉnh Đồng Nai chỉ cấm tách thửa và không ra sổ với những dự án không làm hạ tầng, diện tích mảnh đất không đạt yêu cầu”.

Như để khách hàng yên tâm móc tiền đặt cọc, nhân viên môi giới này còn ba hoa rằng, tại dự án của Alibaba, công ty đã tự hiến đất để làm cơ sở hạ tầng. Trong khi diện tích mỗi nền của Alibaba từ 100m2 trở lên, mà tỉnh Đồng Nai chỉ yêu cầu diện tích đủ tiêu chuẩn tách thửa là 80m2. Do vậy, quyết định tạm dừng phân lô tách thửa của tỉnh Đồng Nai không ảnh hưởng gì đến dự án. Công ty vẫn ra sổ bình thường và đúng hẹn với khách hàng, nếu trễ hẹn như đã ghi trong hợp đồng thì công ty sẽ bị phạt (?).

Tìm hiểu về pháp lý các khu đất mà Công ty CP địa ốc Alibaba cho nhân viên ồ ạt dẫn khách đi xem nền tại các dự án trên, PV được biết, khu đất thuộc thửa số 11, tờ bản đồ số 69 ở xã Long Phước, huyện Long Thành được Công ty CP địa ốc Alibaba phân lô, chuyển thành dự án Long Phước 9 có diện tích lên đến 22.075m2, trong đó chỉ có 250m2 là đất ở nông thôn, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Thửa đất này được huyện Long Thành cấp quyền sử dụng cho bà Trần Phương Hạnh, có địa chỉ thường trú tận trên đường Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 10, TP Hồ Chí Minh vào ngày 30-5-2014.

Dự án đất nền Long Phước 1 nằm trên một lô đất khác có diện tích 546,4m2 thuộc thửa đất số 191, tờ bản đồ số 61 ở xã Long Phước, huyện Long Thành cũng lại là đất trồng cây lâu năm. Người đứng tên chủ sở hữu lô đất này là ông Nguyễn Thái Lĩnh, có địa chỉ thường trú tận trên xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai và chỉ vừa mới được Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai ký cấp sổ vào ngày 13-7. Chưa hết, theo giấy đăng ký kinh doanh của Công ty CP địa ốc Alibaba, ông Nguyễn Thái Lĩnh cũng là người đứng tên giám đốc DN này.  

Như vậy có thể thấy, điều dư luận cho rằng đất trồng cây lâu năm xung quanh khu vực dự án sân bay Long Thành được sang tên, đổi chủ nhiều lần, người ở các tỉnh, thành khác tập trung về đây gom đất, phân lô, bán nền là có cơ sở.

Ông Trương Minh Phương, Trưởng phòng TN&MT huyện Long Thành cũng đã phải thừa nhận: Khu vực dự án làm sân bay chỉ gói gọn trong phạm vi hơn 5.000ha trên địa bàn 6 xã, nhưng vùng phụ cận sân bay có diện tích lên đến 21.000ha lại hầu như chưa được quy hoạch chi tiết. Do đó, dù tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo ngưng cho tách thửa, người có nhu cầu mua bán vẫn đưa nhau ra phòng công chứng để tự làm làm hợp đồng chuyển nhượng khiến địa phương không thể quản lý.

Để ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền bất hợp pháp trên đất sản xuất nông nghiệp, ngày 2-11, UBND huyện Long Thành đã tiếp tục ra văn bản cảnh báo tình trạng DN, người dân được cấp quyền sử dụng đất tự bỏ tiền làm hạ tầng sơ sài rồi tự ý rao bán đất nền bằng "hợp đồng góp vốn", gây sốt đất ảo tại các xã xung quanh dự án sân bay. Huyện này cũng yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường việc kiểm tra hành vi xây dựng hạ tầng không phép, trái phép để xử lý nghiêm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, cắm biển khuyến cáo người dân trong khu vực dự án không mua bán, chuyển nhượng đất nền sai quy định.

Nhưng có điều khó hiểu là nhiều DN giống như Công ty Alibaba liên tục chở khách xuống xem đất do DN tự phân lô, bán nền như đi hội hằng ngày thì không thấy cơ quan nào xử lý?

Bảo Sơn
.
.
.